Hãng tin Sputnik đăng bài viết có tiêu đề "Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương trong bối cảnh khủng hoảng COVID-19, Hải quân Ấn Độ bị tổn hại nhiều hơn dự kiến".
Theo đó, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai tàu chiến tới Ấn Độ Dương. Hải quân Ấn Độ tuyên bố đã sẵn sàng ứng phó nhưng đối sách hàng hải chống Trung Quốc của họ đòi hỏi những khoản chi phí nặng nề.
Chiến lược "bao vây" Ấn Độ
Ngày 29/4, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã ra thông báo về việc triển khai Lực lượng đặc nhiệm số 35 Hải quân Trung Quốc (PLAN) tới vịnh Aden để thực hiện các đợt tuần tra chống cướp biển ở Ấn Độ Dương - khu vực được xem là phạm vi có tầm ảnh hưởng địa-chính trị của Ấn Độ.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Taiyan và khinh hạm Jingzhou của PLAN sẽ lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ "bảo vệ" tàu thuyền đi qua khu vực này.
Lực lượng đặc nhiệm số 35, với thành phần gồm ít nhất 24 trực thăng hải quân và tàu tiếp nhiên liệu Chaohu, cũng sẽ hỗ trợ các tàu thuyền ở ngoài khơi Somalia, nơi PLAN đã thực hiện các nhiệm vụ hộ tống hải quân kể từ tháng 12/2008.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc được đưa ra vào thời điểm báo cáo mới nhất của Viện Hàng hải Quốc tế về tình hình cướp biển toàn cầu ghi nhận không có vụ cướp nào xảy ra trong 2 quý vừa qua, và cũng không có vụ nào xảy ra ở quanh Somaila.
Dữ liệu tàu thuyền toàn cầu đã cho thấy sự sụt giảm mạnh về số lượng tàu ghé cảng, kể cả ở châu Âu và Trung Quốc.
Lý giải về mục đích triển khai lực lượng của Trung Quốc vào thời điểm này, ông D.K. Sharma, Đại tá Hải quân Ấn Độ về hưu từ tháng 9/2019 sau 10 năm giữ vai trò là người phát ngôn của lực lượng này, nói với Sputnik:
Trung Quốc sẽ không để vị thế mà họ đã thiết lập vào năm 2008 ở Ấn Độ Dương, dưới vỏ bọc của các hoạt động chống cướp biển, bị lung lay dù với bất cứ giá nào".
Ông Sharma đề cập tới một chiến lược của Bắc Kinh từng được cố vấn Mỹ Booz Allen Hamilton gọi là "Chuỗi ngọc trai" trong bản báo cáo năm 2005 với tựa đề "Energy Futures in Asia" (Tương lai năng lượng ở châu Á).
Theo đó, Trung Quốc sẽ mở rộng sự hiện diện hải quân trên khắp vùng Ấn Độ Dương bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng hàng hải dân sự tại các quốc gia thân thiện với họ.
Tàu khu trục Xining (117) Type 052D của Trung Quốc, cùng các tàu của Nga và Iran trong cuộc tập trận chung 3 nước ở Ấn Độ Dương và vịnh Oman. Ảnh: AFP
"Nó [Chuỗi ngọc trai] là một chiến lược được cân nhắc kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, họ [Bắc Kinh] còn có nhiều lợi ích tại vùng Ấn Độ Dương với Djibouti, Gwadar, Myanmar, Bangladesh... như một phần trong chương trình Vành đai & Con đường. Tuần tra chống cướp biển là một vỏ bọc để che đậy các toan tính khác của họ trong mưu đồ toàn diện" - ông Sharma nhận định.
Kể từ sau bản báo cáo năm 2005, nhiều nhà phân tích cũng gọi đây là chiến lược "bao vây" Ấn Độ - quốc gia đang nắm giữ vị thế thống trị ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, Trung Quốc phủ nhận việc họ đang theo đuổi bất cứ chiến lược nào tương tự.
"Cuộc đi săn vui vẻ" có cái giá của nó
Hải quân Ấn Độ đã thể hiện rõ ràng rằng mình sẽ không để mất vị thế của mình ở Ấn Độ Dương, bất chấp cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Ngày 18/4, lần thứ hai trong một tháng qua, Hải quân Ấn Độ ra thông báo nêu rõ: "Các phương tiện của chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì tuần tra trên vùng biển kéo dài từ eo biển Malacca ở phía đông đến Bab-el-Mandeb ở phía tây, bao gồm cả việc thực hiện chiến dịch Sankalp để bảo đảm an toàn cho các tàu buôn và các đợt tuần tra chống cướp biển ở vịnh Aden".
Nói về tác động của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương, ông Sharma cho rằng "Sự hiện diện của các tàu PLAN ở Ấn Độ Dương sẽ buộc Hải quân Ấn Độ phải liên tục để mắt tới hành tung của chúng. Những con tàu này đang tham gia vào nhiều hoạt động khác ngoài những tuyến tuần tra thông thường ở vịnh Aden".
Tàu khu trục Trung Quốc tuần tra vịnh Aden. Ảnh tư liệu (Nguồn: AFP)
Nhà phân tích Rishikesh Kumar trên tờ Sputnik ví đây là "cuộc đi săn vui vẻ" của Hải quân Ấn Độ. Song, theo ông Sharman, việc này sẽ chỉ tăng thêm gánh nặng cho Hải quân Ấn Độ trong bối cảnh nước này gần đây đang tăng cường các mối quan hệ hợp tác chiến lược để đối phó Trung Quốc.
Ngoài chi phí khổng lồ để duy trì khoảng 50 tàu chiến sẵn sàng chiến đấu và các hoạt động hàng ngày của máy bay tuần thám biển P-8I [hiện đang được triển khai thường trực tại Ấn Độ Dương], đợt triển khai chiểu theo nhiệm vụ này sẽ làm hao mòn các phương tiện chiến đấu và nguồn nhân lực được huấn luyện của Hải quân Ấn Độ.
Các chỉ huy của Hải quân Ấn Độ đã bày tỏ lo ngại về những lỗ hổng quan trọng trong năng lực tác chiến của các trực thăng trên hạm, lực lượng tàu hỗ trợ, tàu ngầm. Điều đó có nghĩa, những đợt triển khai liên tục các phương tiện này có thể sẽ làm gia tăng nguy cơ tai nạn và chạm trán trên biển.
Một quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, ngân sách quốc phòng của Ấn Độ đã giảm 20-30% trong năm nay.
Trong năm 2020, Hải quân Ấn Độ đã phải rút lại các đề nghị trang bị thêm tàu chống mìn, trực thăng và máy bay tuần thám P-8I.
Nhìn chung, hai "gã khổng lồ" châu Á đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các đợt triển khai hải quân của họ không chỉ nhằm mục đích cá nhân, mà còn nhằm hỗ trợ các quốc gia láng giềng "thân thiện".
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định đợt triển khai của Trung Quốc trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay sẽ đặt ra thách thức lớn cho Hải quân Ấn Độ, bởi các tàu chiến của Ấn Độ có kíp thủy thủ đoàn lớn hơn so với kíp thủy thủ đoàn của các lực lượng hải quân khác, điều này có thể thấy rõ trong các cuộc tập trận đa phương.
Kíp thủy thủ đoàn của Ấn Độ vẫn sẽ phải hoạt động hết khả năng trong khi lại cần duy trì khoảng cách cần thiết để phòng tránh dịch COVID-19.