Trung Quốc đạt thêm thỏa thuận ở Thái Bình Dương trước sự lo ngại của phương Tây

Thu Hoài |

Sau Solomon, Samoa mới đây đã ký thỏa thuận song phương với Trung Quốc, hứa hẹn “sự hợp tác lớn hơn” trong bối cảnh những lo ngại ngày càng tăng của Mỹ và các đồng minh về nỗ lực của Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng tại Nam Thái Bình Dương.

Samoa ở Thái Bình Dương. Ảnh: World Atlas.

Samoa ở Thái Bình Dương. Ảnh: World Atlas.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến thăm một loạt nước trong khu vực trước khi tham dự cuộc họp cấp ngoại trưởng tại Fij vào ngày mai (30/5) nhằm thúc đẩy một “Tầm nhìn phát triển chung” đầy tham vọng từ an ninh đến nghề cá.

Theo chính quyền Samoa, Thủ tướng Fiame Naomi Mata’afa và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp gỡ và thảo luận về một loạt vấn đề từ biến đổi khí hậu, đại dịch đến hòa bình và an ninh. Cũng giống như thỏa thuận đạt được trước đó với Solomon, Trung Quốc cam kết hỗ trợ nâng cao năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật Samoa, tiếp tục cung cấp hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho những lĩnh vực khác nhau của nước này và một khuôn khổ mới cho các dự án hợp tác trong tương lai. Chi tiết của thỏa thuận chưa được tiết lộ. Tuy nhiên theo bản dự thảo thỏa thuận mà hãng tin AP có được, Trung Quốc muốn ghi dấu ấn kinh tế và an ninh lớn hơn tại khu vực vốn cũng được coi là quan trọng đối với lợi ích của Mỹ và các đồng minh.

Trước đó phát biểu tại Solomon, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị một lần nữa khẳng định, hợp tác giữa Bắc Kinh và các nước Nam Thái Bình Dương dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi và cùng phát triển:

Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương đã có bước phát triển chưa từng có, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trong khu vực và là hình mẫu cho Hợp tác Nam - Nam."

Cùng thời điểm chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị, tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese ngày 27/5 cũng cử Ngoại trưởng Penny Wong tới Fiji. Có thể nói việc quần đảo Solomon hồi tháng trước ký hiệp ước an ninh trên phạm vi rộng với Trung Quốc đã khiến Canberra bất ngờ  và nước này không muốn một lần nữa bị rơi vào tình thế “sự đã rồi”.

Phát biểu với các phóng viên ở thủ đô Suva, bà Penny Wong nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn làm việc về những ưu tiên của các bạn, muốn làm việc cùng nhau như một phần của gia đình Thái Bình Dương. Rõ ràng chúng tôi đã bày tỏ một cách công khai mối quan ngại của mình về thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Solomon cũng như với các quốc gia Thái Bình Dương khác. Chúng tôi nghĩ rằng sẽ có những hậu quả. Điều quan trọng là an ninh của khu vực do khu vực quyết định.”

Trung Quốc nhiều lần bác bỏ những chỉ trích cho rằng, các thỏa thuận này sẽ dẫn đến việc thiết lập một căn cứ quân sự của Bắc Kinh, đồng thời khẳng định, sự hợp tác của Bắc Kinh với các quốc gia tại khu vực là dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Cuộc họp cấp ngoại trưởng vào ngày mai cũng là cuộc họp thứ 2 chỉ trong chưa đầy nửa năm giữa Ngoại trưởng Vương Nghị và các Ngoại trưởng Thái Bình Dương./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại