Trung Quốc "đánh thức" kho báu hàng triệu năm tuổi dưới đáy biển sâu: Nhiều nước khao khát

Vân Phương |

Nếu Trung Quốc có thể dẫn đầu trong hoạt động khai thác dưới đáy biển, nước này thực sự có cơ hội tiếp cận tất cả các khoáng sản quan trọng cho nền kinh tế xanh thế kỷ 21.

"Đánh thức" kho báu dưới biển sâu

Theo The Washington Post, mới đây Trung Quốc đã cử tàu khảo sát hải dương tới vùng biển trên Thái Bình Dương giữa Nhật Bản và Hawaii, nơi nước này có độc quyền khai thác những khối đá kích thước bằng quả bóng golf, có độ tuổi hàng triệu năm, trị giá hàng nghìn tỷ USD.

Trung Quốc đánh thức kho báu hàng triệu năm tuổi dưới đáy biển sâu: Nhiều nước khao khát - Ảnh 1.

Kết hạch đa kim dưới đáy biển sâu. Ảnh: Washington Post

Đây là hợp đồng mới nhất của Trung Quốc giành được vào năm 2019 nhằm thăm dò "các kết hạch đa kim", rất giàu mangan, coban, niken và đồng – những kim loại cần thiết cho nền kỹ thuật công nghệ hiện đại, từ ô tô điện đến hệ thống vũ khí tiên tiến.

Nhiều người tin rằng biển chứa lượng kim loại hiếm này gấp nhiều lần đất liền và chúng rất quan trọng đối với hầu hết các thiết bị điện tử, sản phẩm năng lượng sạch và chip máy tính tiên tiến ngày nay. Khi các quốc gia chạy đua cắt giảm lượng khí thải nhà kính, nhu cầu về các khoáng sản này dự kiến sẽ tăng vọt .

Trung Quốc đã nắm giữ 5 trong số 30 giấy phép thăm dò mà Cơ quan Quản lý Đáy biển Quốc tế (ISA) - tổ chức được thành lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) - cấp cho đến nay, nhiều hơn so với bất kỳ quốc gia nào, để chuẩn bị cho việc bắt đầu khai thác dưới đáy biển sâu ngay sau năm 2025.

Tới thời điểm đó, Trung Quốc sẽ có độc quyền khai thác 233km2 đáy biển quốc tế, tương đương với diện tích của Vương quốc Anh, hoặc 17% tổng diện tích hiện được ISA cấp phép.

Carla Freeman, chuyên gia cấp cao về Trung Quốc tại Viện Hòa bình Mỹ, cho biết: "Nếu Trung Quốc có thể dẫn đầu trong hoạt động khai thác dưới đáy biển, nước này thực sự có cơ hội tiếp cận tất cả các khoáng sản quan trọng cho nền kinh tế xanh thế kỷ 21".

Vị thế dẫn đầu

Tham gia cuộc đua biển sâu từ những năm 90 và trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã liên tục đầu tư nhiều vào công nghệ và thiết bị, bắt kịp các quốc gia phương Tây, thậm chí còn vượt những quốc gia này trong một số lĩnh vực.

Năm 2001, nhà thầu khai thác biển sâu đầu tiên của nước này, Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển Tài nguyên Khoáng sản Đại dương Trung Quốc đã giành được giấy phép đầu tiên để thăm dò các kết hạch đa kim.

Trung Quốc hiện có ít nhất 12 cơ sở nghiên cứu biển sâu, một trong số đó là cơ sở rộng lớn ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô, có kế hoạch tuyển dụng 4.000 lao động vào năm 2025. Hàng chục trường cao đẳng đã thành lập để tập trung vào khoa học biển.

Trong một bài phát biểu năm 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cập việc tiếp cận "kho báu" của đại dương và nhấn mạnh Trung Quốc cần phải làm chủ các công nghệ then chốt để đi xuống biển sâu.

Ngoài các kết hạch đa kim, hai loại trầm tích khác đang được xem xét để khai thác ở đại dương là sunfua đa kim được tìm thấy trong các miệng phun thủy nhiệt và lớp vỏ coban giàu kim loại, nằm trong các lớp cứng dọc theo các ngọn núi dưới nước. Cả hai kim loại này sẽ còn khó khai thác hơn nữa.

Trung Quốc hiện đang định vị mình là nước đi đầu, sẵn sàng truyền đạt kiến thức về khai thác biển sâu cho các nước khác. Các tàu lặn nội địa được sản xuất có khả năng lặn sâu hơn 10.000 xuống đáy rãnh Mariana, điểm sâu nhất trên Trái đất.

"Bây giờ chúng tôi có thiết bị này, chúng tôi có thể bù đắp thời gian đã mất", Wang Pinxian, nhà địa chất biển Trung Quốc, người dẫn đầu một số chương trình biển sâu đầu tiên của Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. "Trung Quốc có thể làm chủ chính mình và có thể trao đổi với các nước đang phát triển".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại