Theo một nghiên cứu vừa được công bố bởi Viện Chính sách chiến lược Úc - một tổ chức nghiên cứu - thì cảnh sát ở Trung Quốc đang thu thập mẫu máu từ đàn ông và những đứa bé trai trên khắp đất nước để xây dựng cái gọi là bản đồ di truyền DNA, của khoảng 700 triệu nam giới.
Chương trình này được thực hiện từ cuối năm 2017 và với cơ sở dữ liệu này, chính quyền sẽ có thể theo dõi người thân là nam của một người đàn ông chỉ bằng máu, nước bọt hoặc các vật liệu di truyền khác. Công ty của Mỹ có tên Thermo Fisher, trụ sở ở Massachusetts là đơn vị đã bán bộ dụng cụ thử nghiệm cho chính quyền Trung Quốc, dù từng bị các nhà lập pháp Mỹ chỉ trích.
Dự án này là một bước leo thang lớn của những nỗ lực từ Trung Quốc, trong việc sử dụng công nghệ di truyền để kiểm soát người dân, vốn trước đây chỉ tập trung vào việc theo dõi các dân tộc thiểu số và các nhóm mục tiêu khác. Nó sẽ bổ sung thêm vào một mạng lưới giám sát tinh vi đang phát triển và được triển khai trên khắp quốc gia này, bao gồm hệ thống camera tân tiến, hệ thống nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo.
Cảnh sát nước này nói rằng họ cần cơ sở dữ liệu để bắt tội phạm và người dân đồng ý giao nộp DNA của họ. Tuy nhiên chính một số quan chức ở Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo rằng cơ sở dữ liệu DNA quốc gia có thể xâm phạm quyền riêng tư và có thể là công cụ để các quan chức trừng phạt thân nhân của những cá nhân cụ thể.
Chiến dịch này thậm chí liên quan đến các trường học. Tại một thị trấn ven biển phía nam Trung Quốc, các cậu bé trai phải đưa những ngón tay nhỏ của mình ra cho một sĩ quan cảnh sát lấy máu bằng kim. Ở một nơi khác có đó khoảng 370 km, cán bộ đi từ bàn này tới bàn khác trong lớp học để lấy mẫu máu từ nam sinh, trong khi các cô gái trong lớp nhìn với ánh mắt giễu cợt.
Jiang Haolin, 31 tuổi, cũng đã bị lấy mẫu máu. Anh không có lựa chọn.
Chính quyền nói kỹ sư máy tính đến từ một quận nông thôn ở miền bắc Trung Quốc này rằng nếu không cho lấy máu, gia đình anh sẽ bị liệt vào danh sách đen, khiến mọi người bị tước đi một số quyền lợi như đi du lịch và đến bệnh viện.
Một gian hàng của Thermo Fisher tại một triển lãm ở Bắc Kinh năm 2017. Công ty này bán thiết bị xét nghiệm DNA cho cảnh sát ở nhiều quốc gia.
Theo các báo cáo, động lực cho chiến dịch này có thể bắt nguồn từ một vụ phạm tội ở khu vực phía bắc Trung Quốc. Trong gần ba thập kỷ, cảnh sát ở đó đã điều tra các vụ hãm hiếp và giết hại 11 phụ nữ và trẻ em gái. Họ đã thu thập được 230.000 dấu vân tay và hơn 100.000 mẫu DNA. Họ thậm chí đã đưa ra phần thưởng trị giá 28.000 USD cho người có thể hỗ trợ phá án.
Sau đó, vào năm 2016, cảnh sát đã bắt giữ một người đàn ông với tội danh hối lộ và không liên quan đến sự việc. Tuy nhiên, kết quả phân tích gen cho thấy anh ta có liên quan đến một người đã để lại DNA của mình tại nơi xảy ra vụ giết một trong những phụ nữ năm 2005. Người đàn ông đó, Gao Chengyong, sau khi bị bắt đã thú nhận tội ác và bị xử tử.
Việc bắt được Gao đã thúc đẩy các phương tiện truyền thông nhà nước kêu gọi tạo ra một cơ sở dữ liệu quốc gia về DNA cho nam giới. Cảnh sát ở tỉnh Hà Nam bắt đầu lấy mẫu khoảng 5,3 triệu người, tương đương 10% dân số nam của tỉnh, từ năm 2014 đến 2016. Vào tháng 11/2017, Bộ Công an Trung Quốc đã tiết lộ kế hoạch cho một cơ sở dữ liệu gen quốc gia.
Trung Quốc hiện là quốc gia nắm giữ kho tài liệu di truyền lớn nhất thế giới, với tổng số 80 triệu hồ sơ, theo truyền thông nhà nước. Nhưng những nỗ lực thu thập DNA trước đó thường tập trung vào các nghi phạm hoặc nhóm tội phạm mà họ cho là có khả năng gây bất ổn, như những người lao động nhập cư ở một số khu phố nhất định.
Trong báo cáo do viện nghiên cứu nói trên công bố, ước tính rằng các nhà chức trách Trung Quốc muốn thu thập các mẫu DNA của từ 35 triệu đến 70 triệu nam giới, tương đương khoảng 5% đến 10% dân số là nam giới của Trung Quốc. Tất nhiên họ không cần phải lấy mẫu mọi nam giới, vì mẫu DNA của một người có thể mở khóa di truyền của họ hàng người đó.
Các quan chức địa phương thường công bố kết quả lấy mẫu của họ. Tại quận Donglan thuộc khu vực Quảng Tây, cảnh sát cho biết họ đã thu thập được hơn 10.800 mẫu, chiếm gần 10% dân số nam. Tại huyện Yijun thuộc tỉnh Thiểm Tây, cảnh sát cho biết họ đã thu thập được hơn 11.700 mẫu, tức là khoảng 1/4.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc vẫn đang xây dựng cơ sở dữ liệu của họ, nhưng một phần nội dung của nó đã được sử dụng để hỗ trợ việc tăng cường giám sát. Hồi tháng 3, các quan chức ở thị trấn Guanwen ở phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên cho biết các mẫu máu nam mà họ đã thu thập sẽ được sử dụng để củng cố dự án có tên "Mắt nhọn" ở địa phương. Dự án này là một chương trình giám sát lớn của chính phủ nhằm khuyến khích người dân ở nông thông báo cáo về... hàng xóm của mình.
Tuy nhiên hiện tại, chương trình thu thập DNA nam quốc gia này đang gặp phải nhiều sự phản đối. Một số quan chức lo ngại rằng công chúng sẽ phản ứng tiêu cực với một cơ sở dữ liệu rộng lớn, có chứa bí mật di truyền và quan hệ gia đình của họ. Vấn đề này đã được đưa ra tại phiên họp Quốc hội nước này vào tháng 3.
Trước đó vào năm 2015, Liu Bing, phó giám đốc pháp y tại Viện Khoa học Pháp y của Bộ Công an Trung Quốc, đã cảnh báo trên tạp chí pháp y của Bộ rằng việc sưu tập mẫu máu với các biện pháp không phù hợp có thể gây mất ổn định xã hội, đặc biệt là ở xã hội ngày nay khi mà nhận thức của người dân về quyền lợi hợp pháp của họ ngày càng tăng.
"Chính quyền đã lặng lẽ thay đổi", ông Emile Dirks, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết. "Gần như tất cả các hoạt động thu thập mẫu đang diễn ra ở nông thôn, nơi có ít người hiểu biết về ý nghĩa của chương trình hơn."
Các sĩ quan cảnh sát ở Thiểm Tây thu thập mẫu DNA từ một cậu bé.
Jiang, kỹ sư máy tính, đang sống và làm việc tại Bắc Kinh nhưng xuất thân từ một ngôi làng ở Thiểm Tây. Vào tháng 2/2019, cảnh sát nói rằng anh phải trở về làng để cung cấp mẫu DNA của mình. Sau đó, anh đã trả tiền cho một bệnh viện ở Bắc Kinh để lấy mẫu và gửi chúng về địa phương. Anh không được giải thích lý do tại sao mẫu máu của mình là cần thiết và anh cũng không muốn hỏi.
"Vì người dân Trung Quốc bắt buộc phải mang theo chứng minh nhân dân và sử dụng danh tính thực của họ khi lên mạng", anh nói. "Tất cả các thông tin của chúng tôi đều có sẵn với họ."
Nhưng các nhà hoạt động vì quyền công dân ở nước này nói rằng khoa học di truyền mang lại cho chính quyền Trung Quốc những quyền lực chưa từng có để truy tố những người mà họ không thích. Ví dụ như họ có thể trích dẫn DNA để đưa ra lời buộc tội, và nó rất đáng tin trong mắt công chúng.
"Trong một số trường hợp, máu và nước bọt của bạn được thu thập trước, có thể được đưa vào hiện trường vụ án sau đó", ông Li Wei, một nhà hoạt động nói. "Bạn không ở đó, nhưng DNA của bạn có thể xuất hiện. Đây là điều tôi lo lắng."
Tham khảo NYTimes