Con tàu của Trung Quốc bị phát hiện vào giữa tháng 11 vừa qua, được cho là đang khoan thăm dò đáy biển để tìm kiếm trữ lượng dầu khí ở vị trí gần đường trung tuyến mà Nhật Bản đề xuất là ranh giới trên biển giữa hai nước.
Vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn của Nhật Bản và Trung Quốc trên biển Hoa Đông dẫn đến mâu thuẫn giữa hai nước trong việc xác định đường phân định.Nhật Bản lo ngại rằng tài nguyên khai thác ở khu vực giáp đường phân định bên phía Trung Quốc có thể là tài nguyên từ phía Nhật Bản.
Tokyo đề xuất giải quyết bằng cách cùng khai thác. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tìm gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Argentina vừa qua cũng để nhắc lại đề xuất.
Thỏa thuận hai bên đạt được năm 2008 về việc cùng khai thác tài nguyên đã bị hoãn lại từ khi hai bên căng thẳng vì vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 3/12, Tổng thư ký Nội các Nhật Yoshihide Suga đã chỉ trích Bắc Kinh. “Cực kỳ đáng tiếc khi Trung Quốc tiếp tục các hoạt động đơn phương trên vùng biển mà biên giới giữa Nhật Bản với Trung Quốc chưa được xác định”, Kyodo dẫn lời ông Suga. Ông nói Nhật Bản đã gửi phản đối chính thức qua các kênh ngoại giao ngay sau khi hoạt động của con tàu được báo cáo.
Ông Yoichi Shimada, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại ĐH tỉnh Fukui, nói rằng Bắc Kinh đang gây áp lực để thử sức chịu đựng của chính quyền Thủ tướng Abe.
“Đây là chiến thuật điển hình mà chúng ta thấy Trung Quốc sử dụng hết lần này đến lần khác, và bạn thường sẽ thấy Bắc Kinh lùi bước khi vấp phải phản kháng, khi trong lúc này họ đang có chiến tranh thương mại với Mỹ”, SCMP dẫn lời GS Shimada.
Ý định lớn hơn
Ông Shimada cho rằng chuyến khoan thăm dò lần này nằm trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm đòi chủ quyền trên khu vực rộng hơn của biển Hoa Đông và thúc đẩy đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, giống như cách Bắc Kinh làm trên biển Đông.
Theo học giả này, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tương đối gần khu vực tàu Trung Quốc vừa khoan thăm dò, và chuyến thăm dò của tàu Trung Quốc cho thấy ở đó có rất ít dầu khí. Ý định thực sự của Bắc Kinh là tiến gần hơn đến Senkaku và sử dụng sự hiện diện mạnh mẽ của họ để củng cố đòi hỏi chủ quyền.
Bên cạnh đó, không quân Nhật Bản vừa xua một máy bay tình báo điện tử và một máy bay giám sát của Hải quân Trung Quốc bay qua eo biển Tsushima (kết nối biển Nhật Bản, biển Hoàng Hải và biển Đông) hôm 26/11, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Số vụ máy bay quân sự Trung Quốc bị lực lượng Nhật Bản chặn tăng khoảng 20% kể từ tháng 4.