Với đứa con đầu lòng sắp chào đời vào tháng 8, niềm vui trở thành một người mẹ của Getty He đã không trọn vẹn bởi nó nhuốm đầy những nỗi lo lắng về việc gia đình mới của cô sẽ đối mặt với những khó khăn tài chính như thế nào. Mặc dù cô sẽ nhận được 178 ngày nghỉ thai sản với mức lương như hàng tháng, nhưng điều xảy ra sau đó mới khiến cô thực sự lo lắng - đó chính là chi phí chăm sóc con cái.
"Mỗi khi nghĩ đến áp lực công việc và chăm sóc con cái sau khi nghỉ sinh, tôi lại thấy lo sợ", một giám đốc nhân sự 34 tuổi đến từ Quảng Châu, miền nam Trung Quốc cho biết. "Dù đứa trẻ vẫn chưa được sinh ra, nhưng tôi khá chắc chắn rằng nó sẽ là đứa con duy nhất, bởi vì cả tôi và chồng đều biết rằng chúng tôi không đủ khả năng sinh đứa thứ hai".
Giới trẻ Trung Quốc đối mặt nhiều áp lực sau khi sinh con
Tuy vậy, He có hoàn cảnh tốt hơn một số người Trung Quốc, ví dụ như những người làm nghề tự do hay thất nghiệp - những đối tượng không được nghỉ thai sản. Cô được hưởng phụ cấp vì đang có công việc ổn định và đã đóng bảo hiểm thai sản đủ thời gian.
Nhưng tình trạng khó khăn trong việc chăm sóc con cái mang nhiều thách thức đến với các cặp vợ chồng trẻ ở Trung Quốc ngày nay và làm nổi bật vấn đề nhân khẩu học cấp bách của quốc gia này.
Sự kết hợp của việc thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ công cộng hợp túi tiền, chi phí sinh hoạt tăng cao và những giờ làm việc mệt mỏi dai dẳng để tồn tại đã góp phần khiến những người thuộc thế hệ Y không muốn có con. Có lẽ đây là thời điểm không thể tồi tệ hơn đối với quốc gia đông dân nhất thế giới, bị ảnh hưởng bởi cả tỷ lệ sinh giảm lẫn tình trạng dân số già nhanh.
Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 3 với 1.938 người thuộc thế hệ Y của Trung tâm Khảo sát Xã hội của Nhật báo Thanh niên Trung Quốc, 67,3% thanh niên cho biết không có khả năng tìm người giúp việc gia đình là lý do đầu tiên khiến họ không muốn sinh con thứ hai.
Khoảng 61,7% cho rằng là do áp lực tài chính cao; tiếp theo là một số nguyên nhân như thiếu những nơi chăm sóc trẻ an toàn và phù hợp chiếm 54% tán thành, nhu cầu nhà ở cao hơn chiếm 41,6%, trong khi 24,3% cho rằng sinh nở gây ảnh hưởng đến sự nghiệp và các cơ hội việc làm của người phụ nữ.
Sau khi hết thời gian nghỉ sinh, He có ba lựa chọn để chăm sóc con: Thứ nhất, nghỉ việc và trở thành một bà nội trợ, dù thu nhập của chồng không đủ trang trải chi phí sinh hoạt; thuê người giúp việc và lắp camera quanh nhà; hoặc nhờ mẹ chồng từ quê lên và chăm sóc miễn phí.
He cho biết: "Đối với những gia đình thuộc tầng lớp lao động như chúng tôi, việc thuê một bảo mẫu thường có giá từ 6.000 tệ (942 USD) trở lên mỗi tháng sẽ chiếm hơn một nửa thu nhập sau thuế của tôi - một việc không thiết thực và không hợp túi tiền. Tôi cũng lo lắng khi giao con cho một người lạ chăm sóc".
"Cách tốt nhất là để nhờ đến mẹ chồng, mặc dù điều đó có nghĩa là bà ấy sẽ phải sống xa bố chồng tôi một vài năm cho đến khi con chúng tôi có thể đi học cấp 2. Bố chồng tôi vẫn đang đi làm".
Tìm kiếm người giúp việc không phải là điều dễ dàng
Do tình trạng thiếu người giúp việc - hầu hết là lao động nhập cư ở nông thôn - nên việc thuê một người giúp việc gia đình ở Trung Quốc đắt đỏ hơn so với một người giúp việc nước ngoài ở nhiều thành phố châu Á phát triển khác, bao gồm cả Singapore và Hồng Kông, nơi có thể tuyển dụng một người với mức lương khoảng 5.000 HKD (644 USD) mỗi tháng. Thu nhập khả dụng trên đầu người ở các thành phố lớn của Trung Quốc cũng thua xa Singapore và Hồng Kông.
Một báo cáo năm 2019 của nền tảng tuyển dụng trực tuyến 58.com của Trung Quốc cho biết thị trường tiếp tục tăng trưởng sẽ chứng kiến sự thiếu hụt lên tới 30 triệu người giúp việc gia đình vào năm tới.
Hu Zijian, người điều hành Anxindaojia Ltd, một công ty việc làm giúp việc ở Quảng Châu, cho biết: "Mức lương hàng tháng của một vú em liên tục tăng vọt. Theo một số nguồn tin trong ngày, các gia đình ở các thành phố top đầu thậm chí còn phải cạnh tranh nhau để thuê được những bảo mẫu có kinh nghiệm."
Ông nói: "Hiện nay, thuê một giúp việc để nội trợ hàng ngày tiêu tốn 5.500 tệ (860 USD) mỗi tháng. Nếu chăm sóc trẻ em dưới 6 tuổi, chi phí sẽ từ 6.000 tệ đến 7.000 tệ (938 đến 1094 USD). Và với việc chăm trẻ sơ sinh dưới 3 tuổi, cần tốn ít nhất 8.000 tệ (125 USD)."
Những người thuộc tầng lớp lao động bình thường không những không đủ chi phí để thuê giúp việc gia đình, mà dịch vụ chăm sóc trẻ em giá cả phải chăng cũng ngoài tầm với của họ.
"Đau đầu" chọn trường cho con
Theo số liệu của Bộ Giáo dục, tỷ lệ trường mẫu giáo công lập "rẻ tiền" ở Trung Quốc đã giảm từ 77% trong tổng số năm 1997 xuống 38,4% vào năm 2019. Đặc biệt là ở các vùng nông thôn còn rất thiếu thốn các dịch vụ trông trẻ dưới ba tuổi.
Theo Bộ Giáo dục, chỉ có khoảng 4,71% trẻ em được nhận vào các nhà trẻ trong năm 2019 mà dưới 3 tuổi, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của Liên minh châu Âu là 35%, hoặc mức trung bình 32% của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
Cheng Minyi, một nữ kỹ sư CNTT ở Thâm Quyến,, một người phụ nữ có con trai 4 tuổi, cho biết: "Tôi đã tốn khoảng 8.000 tệ mỗi tháng để gửi con trai đến một nhà trẻ tư nhân từ khi nó mới 6 tháng tuổi, nằm trong khu công nghiệp công nghệ cao của Thâm Quyến. Tôi thấy như vậy rất đắt. Mặc dù tôi là một lao động trí óc với mức lương khá ở thành phố, nhưng tôi sẽ không thể chi trả nổi nếu chúng tôi phải nuôi hai đứa trẻ cùng độ tuổi".
Những câu chuyện tương tự cũng xuất hiện bên ngoài các thành phố lớn của Trung Quốc. Yu Mingqian, một bà mẹ 21 tuổi đến từ quận Biyang, tỉnh Hà Nam cho biết cô dự định sinh không quá hai con. "Học phí một năm học mẫu giáo từ 5.000 tệ đến 10.000 tệ (781-1562 USD) ở quận của chúng tôi."
Trong khí đó, theo chính quyền tỉnh Hà Nam, thu nhập khả dụng bình quân đầu người năm 2019 là khoảng 17.300 tệ.
Huang Wenzheng, một nhà nhân khẩu học đã nghiên cứu nhiều về tỷ lệ sinh đang giảm của quốc gia này, ước tính rằng nếu Trung Quốc muốn tăng tỷ lệ nhập học nhà trẻ của trẻ em dưới 3 tuổi lên 50%, khoảng 100.000 trung tâm chăm sóc trẻ em mới sẽ cần được xây dựng để đáp ứng tất cả.
Người trẻ không có thời gian cho gia đình
Một yếu tố khác khá phức tạp giải thích cho việc những người thế hệ trẻ thuộc Y không muốn sinh thêm là do họ tốn quá nhiều thời gian làm việc một ngày.
Penny Lin, giám đốc truyền thông của một công ty quảng cáo có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: "Chúng tôi làm việc 16 tiếng mỗi ngày trong hơn nửa tháng khi phải thuyết trình các dự án. Tôi còn không được gặp chồng cả tuần liền, huống chi là còn có con".
Lin cho biết giờ làm việc dường như có xu hướng ngày một kéo dài hơn trong khu vực tư nhân, đặc biệt là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang vật lộn để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.
Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2019, tỷ lệ lao động nữ của Trung Quốc là khoảng 61%, cao hơn Mỹ là 57%, Nhật Bản là 54%, hoặc 21% ở Ấn Độ.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao đã gây áp lực lên tỷ lệ sinh, nhưng cũng còn có bằng chứng về việc sinh nở gây tác động tiêu cực đến tiền lương của phụ nữ ở Trung Quốc. Trung bình, việc sinh mỗi đứa trẻ sinh ra sẽ làm giảm khoảng 7% lương của một bà mẹ, theo China Health 2014 và Khảo sát Dinh dưỡng.
Đối với nhiều bậc cha mẹ, lựa chọn tốt nhất để giảm chi phí trông trẻ là dựa vào ông bà.
Thống kê cho thấy Trung Quốc hiện có gần 18 triệu người di cư cao tuổi đã cùng con cái đã trưởng thành đến các thành phố sinh sống, chiếm 7,2% trong tổng số 247 triệu người di cư trong nước ước tính của cả nước. Khoảng 43% trong số họ đã chuyển đến chăm sóc cháu.
Theo Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc, một nghiên cứu năm 2017 với khoảng 3.600 hộ gia đình ở sáu thành phố lớn, bao gồm cả Bắc Kinh và Quảng Châu, cho thấy gần 80% số đó có ít nhất một ông bà đảm nhiệm việc chăm sóc trẻ trước khi chúng bắt đầu học tiểu học. Khoảng 60% các bậc cha mẹ dựa vào sự giúp đỡ của ông bà ngay cả khi những đứa trẻ đã lên tiểu học.
"Thành thật mà nói, việc có con chỉ có thể thực hiện được nhờ sự hy sinh của mẹ chồng tôi. Lý do thực sự của tỷ lệ sinh thấp chính là không có đủ hỗ trợ xã hội công cộng khi chi phí nhà ở và chăm sóc trẻ em quá cao", He cho hay.
Tham khảo SCMP