Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đạt hơn 30,8 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 15,78% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Đáng chú ý, xuất khẩu clinker và xi măng của Việt Nam sang Trung Quốc trong giai đoạn này chỉ đạt 677.006 tấn, trị giá 25,7 triệu USD, giảm tới 90,6% về lượng và 91,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu clinker và xi măng bình quân 7 tháng đầu năm 2023 sang thị trường Trung Quốc là 38 USD, giảm 8,87% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 7, nhu cầu thị trường xi măng Trung Quốc tiếp tục sụt giảm, sản lượng xi măng hàng tháng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước và so với tháng trước, sản lượng đạt mức thấp nhất trong cùng kỳ kể từ năm 2011.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho rằng, xuất khẩu xi măng và clinker năm 2023 sẽ tiếp tục khó khăn khi nhu cầu xây dựng của thị trường chính là Trung Quốc vẫn ảm đạm. Mặc dù Trung Quốc đã mở cửa trở lại nhưng thị trường bất động sản nước này đang trong trạng thái suy giảm đã khiến sản lượng tiêu thụ xi măng tại Trung Quốc giảm mạnh trong thời gian qua.
Trên thực tế, thị trường bất động sản của Trung Quốc ảm đạm không chỉ kéo theo sự chững lại của xuất khẩu xi măng, mà còn cả mặt hàng sắt thép. Số liệu cho thấy, xuất khẩu sắt thép sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt 3.365 tấn, kim ngạch hơn 5 triệu USD, giảm 93,4% về lượng và 85,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, việc tăng thuế xuất khẩu với mặt hàng clinker từ 5% lên 10% từ ngày 1/1/2023 cũng đang khiến doanh nghiệp điêu đứng vì giá bán không đủ bù đắp cho chi phí sản xuất và thuế.
Trong bối cảnh các đơn vị sản xuất xi măng đứng trước áp lực phải tiêu thụ sản phẩm sản xuất ra, thì việc duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Bangladesh là “sống còn” với các doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ chính là xuất khẩu.
Lúc này, những nhà sản xuất có sản lượng xuất khẩu lớn đang nỗ lực kéo giảm chi phí sản xuất, tìm kiếm thêm các thị trường mới, duy trì các bạn hàng truyền thống tại Philippines, chấp nhận thích nghi với chính sách bảo hộ mậu dịch, chính sách thuế chống bán phá giá…, nhằm thực hiện hiệu quả nhất công tác xuất khẩu sản phẩm.
Hiện tại, 3 thị trường xuất khẩu xi măng chính của nước ta là Philippines, Mỹ và Hồng Kông. Với clinker, các thị trường chính là Trung Quốc, Bangladesh, Philippines.
Mặc dù dự báo kênh xuất khẩu trong những năm tiếp theo không có nhiều cơ hội tăng trưởng nhưng các chuyên gia cho rằng, ngành xi măng vẫn có thể kỳ vọng vào những tín hiệu tích cực từ việc giải ngân mạnh mẽ của Chính phủ đối với nhóm dự án đầu tư công giai đoạn tới để bù đắp phần nào sự sụt giảm của thị trường xuất khẩu.