Tổng thống Macron trong chuyến thăm gần đây tới Thượng Hải và Bắc Kinh đã giúp các doanh nghiệp Pháp giành được những hợp đồng béo bở, đồng thời bảo vệ các lợi ích thương mại của Liên minh châu Âu (EU) trước khi Mỹ - Trung đạt được giải pháp cho cuộc thương chiến. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhà lãnh đạo Pháp đã thận trọng không công khai phản đối các chính sách của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), tuyên bố được Pháp đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 6.11 đã không đề cập tới vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc trước đó đã “cảnh báo” tổng thống Pháp không được động chạm tới vấn đề nhạy cảm này. Phó vụ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhu Jing hôm 5.11 đã nói rằng Pháp không nên đóng vai trò gây rối tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hoặc triển khai tàu chiến tới vùng lãnh hải mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên, trên thực tế, Paris đã nhiều lần chỉ trích các động thái ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông trong những năm gần đây. Hải quân Pháp cũng đã đưa tàu chiến, trung bình từ 3 - 4 lần/năm, tới khu vực mà Trung Quốc công khai tuyên bố chủ quyền một cách phi lý tại vùng biển này.
Bên cạnh đó, Pháp cũng triển khai tàu khu trục Vendémiaire tới eo biển Đài Loan nhạy cảm, hồi tháng 4. Hành động trên đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Bắc Kinh, tuy nhiên Paris trả lời rằng các tàu của họ vẫn hoạt động thường xuyên trong khu vực để tái khẳng định cam kết của Paris với luật biển quốc tế trong việc đảm bảo tự do hàng hải.
Đối với các quan chức Pháp, sự hiện diện hải quân của nước này từ biển Ả Rập đến khu vực vành đai Thái Bình Dương đều nhằm bảo vệ các vùng biển mở, khẳng định tự do hàng hải và tôn trọng các quy tắc quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết trong văn kiện chính sách chính thức có tên "Pháp và an ninh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" đã nêu rõ: “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn là khu vực căng thẳng do hành vi thách thức của một số quốc gia liên quan tới Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Và ở Biển Đông, các hoạt động bồi đắp đất quy mô lớn và quân sự hóa các quần đảo đang tranh chấp đã thay đổi hiện trạng và gia tăng thêm căng thẳng”.
Thậm chí, Pháp cũng không ngại lên án công khai sự bành trướng quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong phiên điều trần trước Quốc hội Pháp hồi tháng 7 năm nay, tham mưu trưởng hải quân Pháp, Đô đốc Christopher Prazuck đã nói rằng tham vọng của Trung Quốc đã mở rộng tới tận Ấn Độ Dương, đồng thời nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đã đặt ra câu hỏi về việc luật biển quốc tế cũng như phán quyết của tòa trọng tài liệu có được tôn trọng.
Pháp từ lâu vẫn coi mình là một quốc gia cư trú thường xuyên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi có các khu vực phụ thuộc chủ yếu vào nước ngoài và các vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn. Pháp cũng đã khởi động lại diễn đàn Đối thoại an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với Mỹ, từ đó hoan nghênh việc triển khai mở rộng tàu sân bay Charles de Gaulle tới khu vực trong năm nay. Washington và Paris đều nhấn mạnh vào việc xây dựng một mạng lưới các liên minh và đối tác chiến lược để duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Tháng trước, tham mưu trưởng hải quân Pháp Prazuck đã đề xuất các cuộc tuần tra chung ở vùng biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với hải quân Úc giữa lúc Canberra cũng đang ngày càng quan ngại về sự quyết đoán địa chính trị của Trung Quốc ở Biển Đông và Nam Thái Bình Dương.
Theo quan điểm của đô đốc Prazuck, các tàu chiến Úc cũng có thể tham gia hộ tống tàu sân bay Charles De Gaulle của Pháp khi tiến hành các hoạt động trong khu vực, đồng thời các tàu khu trục Pháp cũng có thể hộ tống các tàu đổ bộ của Úc. Pháp muốn có khả năng tương tác lớn hơn với quân đội Úc, trong lĩnh vực tác chiến chống ngầm và đổ bộ.
Tàu sân bay Charles De Gaulle của Pháp đã được huấn luyện tại vịnh Bengal với các tàu chiến của Nhật Bản, Úc và Mỹ vào tháng 5 năm nay. Sau đó, tàu sân bay này tiếp tục tham gia các buổi tập trận chống ngầm với hải quân Ấn Độ trong cuộc tập trận Varuna thường niên, sự kiện có thể đặt Trung Quốc trong “tầm ngắm”.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh các hoạt động chung với lực lượng tuần duyên Mỹ, vốn có sự hiện diện liên tục ở Tây Thái Bình Dương trong năm nay, và đã có nhiều trong việc phối hợp với lực lượng hải quân Pháp tại Nam Thái Bình Dương, đã góp phần gia tăng ảnh hưởng an ninh của Pháp tại khu vực Biển Đông.
Song, Pháp cần phải tìm cách cân bằng giữa các lợi ích xung đột, đây là lý do tại sao Pháp thực hiện các hoạt động hải quân tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo cách tránh gây tổn hại nghiêm trọng cho mối quan hệ với Trung Quốc.