Trung Quốc chấp nhận "chưa đánh đã thua" Philippines trên biển Đông

Thi Anh |

Liệu có phải Trung Quốc đang "vứt bỏ danh dự" để tìm cách hiện thực hóa tham vọng bành trướng của mình?

Dù phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) chưa được công bố nhưng Trung Quốc được đánh giá là đã "thua cuộc" khi không hợp tác với cơ quan pháp lý của Liên Hợp Quốc trong vụ kiện với Philippines.

Theo ông Yun Sun, chuyên gia thuộc trung tâm phân tích Stimson, dù không chấp nhận phán quyết, vụ kiện vẫn sẽ làm tổn hại tới danh tiếng và hình ảnh của Trung Quốc.

Thậm chí, ngay cả học giả Wu Shicun của Trung Quốc còn phải thừa nhận đây không phải tình thế có lợi đối với Bắc Kinh: "Dù kết quả là thế nào, đây chắc chắn vẫn là một bàn thua đối với Trung Quốc bởi chúng tôi đứng ở thế bị động".

Mặc dù chịu nhiều sức ép từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn một mực né tránh và phủ nhận tiến trình pháp lý nhằm phân định chủ quyền của vùng biển tranh chấp.

Giới phân tích cho rằng động thái này sẽ làm tổn hại tới nỗ lực giải quyết các tranh chấp toàn cầu thông qua luật pháp. Với cách hành xử của mình, Trung Quốc đang thể hiện rằng, nước nào cũng có thể bỏ qua các công cụ pháp lý nếu chúng mâu thuẫn với lợi ích của mình.

Và đó rõ ràng là hành động "làm gương" không nên có của một quốc gia được coi là "nước lớn".

Điều đáng chú ý là Bắc Kinh có vẻ đã chuẩn bị tinh thần cho viễn cảnh này và chấp nhận để mất danh dự, với mong muốn thực hiện đến cùng dã tâm trên biển Đông.

Các chuyên gia đánh giá, trước mối lợi lớn mà biển Đông đem lại, có lẽ chính phủ Trung Quốc vẫn sẵn sàng trả cái giá này.

Cẩn trọng với Scarborough

Thực ra, Bắc Kinh vẫn tìm đủ mọi cách để vớt vát sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế. Điều này được các chuyên gia phân tích lý giải bằng cách viện dẫn trường hợp của bãi cạn Scarborough, khu vực Trung Quốc tranh chấp với Philippines.

Từ trước đến nay, để hiện thực hóa dã tâm của mình trên biển Đông cũng như nhiều khu vực tranh chấp khác, Trung Quốc đã bám chặt vào chiến lược lấp đất lấn biển, xây dựng tiền đồn và đẩy mạnh vũ trang.

Thế nhưng, nước này lại có vẻ "kiềm chế" đối với bãi cạn Scarborough. Dù đã "cấm" Manila tiếp cận Scarborough từ năm 2013 nhưng không có dấu hiệu gì cho thấy Bắc Kinh tiến hành lấp đất trên diện rộng như ở nhiều nơi khác thuộc biển Đông.

Trung Quốc chấp nhận chưa đánh đã thua Philippines trên biển Đông - Ảnh 1.

Bãi cạn Scarborough. (Ảnh vệ tinh)

Đây có thể là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang cẩn trọng với đường đi nước bước của mình. Đặc biệt là khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cảnh báo, xây dựng và phát triển Scarborough sẽ bị coi là hành động "gây bất ổn" bởi bãi cạn này nằm gần các đảo chính của Philippines, nơi quân đội Mỹ đồn trú.

Mong muốn xây dựng hình ảnh của Trung Quốc còn được nhìn thấy qua cách hành xử của nước này trong vụ kiện với Philippines.

Dù tuyên bố không chấp nhận phán quyết nhưng Trung Quốc vẫn tìm mọi cách để tìm kiếm sự hậu thuẫn của các nước đứng ngoài vụ kiện. Thậm chí, nước này còn khẳng định là có sự ủng hộ của một số nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, đây đều là những tuyên bố vô căn cứ.

Theo AP, những nước tuyên bố ủng hộ Bắc Kinh đều là các quốc gia nhỏ, ngoài khu vực và gần như không có sức ảnh hưởng tới vụ việc.

Càng gần tới ngày ra phán quyết, Trung Quốc càng tung nhiều chiêu trò để hòng tìm lợi thế cho mình. Thậm chí, Bắc Kinh còn ra sức "mời gọi" Manila đối thoại song phương để giải quyết tranh chấp. Nhưng thời gian sắp hết mà Trung Quốc vẫn chưa đạt được mục đích của mình dù cuộc chuyển giao quyền lực đang diễn ra ở Philippines đang khiến tình hình trở nên khó đoán.

Vụ kiện mà Philippines đệ trình lên PCA tập trung chủ yếu vào tính hợp pháp của "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc ngang ngược "vẽ" ra trên biển Đông. Dự kiến, phán quyết sẽ được đưa ra trong tháng 6 này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại