Trung Quốc "bóp phanh": Nhà máy sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới đứng trước tương lai u ám, nguy cơ bị bỏ lại phía sau

Tất Đạt |

Vùng Pilbara đã thúc đẩy nền kinh tế Australia trong nhiều thập kỷ. Bây giờ, Pilbara phải đối mặt với nhiều sự bấp bênh khi thời kì bùng nổ cơ sở hạ tầng của Trung Quốc sắp kết thúc.

Trung Quốc bóp phanh: Nhà máy sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới đứng trước tương lai u ám, nguy cơ bị bỏ lại phía sau - Ảnh 1.

Dấu hiệu hạ nhiệt

Những đống đá nâu khổng lồ được chất đống tại cảng Parker Point ở phía Tây Australia - mỗi “núi đá” như vậy chứa 200.000 tấn quặng sắt, sẵn sàng được đổ vào các tàu chở hàng đi tới các nhà máy thép ở châu Á.

Tập đoàn Rio Tinto, nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới, đã vận chuyển lô hàng nguyên liệu sản xuất thép đầu tiên từ nơi này vào năm 1966. Đây là thời điểm bùng nổ với sự xuất hiện của nhiều tỷ phú và khiến nền kinh tế Australia phát triển mạnh mẽ, tạo ra khoản lợi nhuận 1,3 nghìn tỷ đô la Australia (tương đương 820 tỷ USD) chỉ trong vòng 2 thập kỷ. Năm ngoái, vận chuyển quặng sắt chiếm khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội của nước này.

Nhưng hiện tại, khi tình hình xây dựng ở Trung Quốc có dấu hiệu hạ nhiệt và các nhà sản xuất thép đang chịu áp lực phải thay đổi lĩnh vực chiếm ít nhất 7% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, họ sẽ cần các phương pháp sản xuất mới và nguyên liệu thô với chất lượng cao hơn. Trong khi đó, phần lớn nguồn tài nguyên khổng lồ của vùng Pilbara khô cằn, bụi bặm này có thể không còn phù hợp nữa.

Rio, BHP Group và Fortescue Metals Group sản xuất gần 2/3 lượng quặng sắt vận chuyển bằng đường biển xuất khẩu từ khu vực phía Tây Australia. Tới nay, lợi nhuận vẫn rất đáng kể. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong thời đại này, viễn cảnh u ám về sự gián đoạn kinh tế đã bao trùm lên “cỗ máy in tiền” đáng tin cậy nhất của ngành khai thác mỏ.

Trung Quốc bóp phanh: Nhà máy sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới đứng trước tương lai u ám, nguy cơ bị bỏ lại phía sau - Ảnh 2.

Tom Price, nhà phân tích tại Liberum Capital, cho biết: “Ngành công nghiệp quặng của Australia hiện đang bắt đầu suy giảm về dài hạn. Đây là một sự thay đổi cơ bản có hiệu ứng lan tỏa đối với toàn bộ nền kinh tế Australia”.

Vấn đề đầu tiên và cấp bách nhất đối với nước này là Trung Quốc - quốc gia chiếm khoảng 85% lượng nhập khẩu quặng sắt từ Australia.

Nhu cầu về thép ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã ổn định và sản xuất đang trên đà đạt đỉnh. Chưa kể, cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều năm trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc - ngành tiêu thụ hơn 1/3 sản lượng thép của cả nước – đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhu cầu thép.

Bài toán khó giải

Mặc dù Trung Quốc có một số tăng trưởng ở các phân khúc nhỏ hơn như sản xuất ô tô điện và máy điều hòa, nền kinh tế được cho là sẽ không còn phát triển với tốc độ chóng mặt, đồng nghĩa với việc nhập khẩu quặng sắt của quốc gia này được dự báo sẽ giảm. Tác động từ việc này là không thể tránh khỏi, ngay cả khi các quốc gia mới nổi khác bù đắp cho phần nào lượng cầu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, thách thức dài hạn khó giải quyết hơn đối với những gã khổng lồ Pilbara có thể là yêu cầu về phát triển bền vững, hay công nghiệp xanh. Tới hôm nay, ít nhất 70% lượng thép vẫn được sản xuất bằng quy trình được dùng từ thế kỷ 14: than luyện kim được nung nóng để tạo ra than cốc, sau đó được sử dụng trong lò để nấu chảy quặng sắt ở nhiệt độ cao hơn 1800 độ C.

Theo Rio, đây là một hoạt động tiêu tốn nhiều năng lượng và tạo ra khoảng hai tấn carbon dioxide cho mỗi tấn thép lỏng.

Trung Quốc bóp phanh: Nhà máy sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới đứng trước tương lai u ám, nguy cơ bị bỏ lại phía sau - Ảnh 3.

Nhu cầu thép toàn cầu vẫn đang tăng và sẽ tăng khoảng 1/4 cho đến năm 2050, khi Ấn Độ và các nền kinh tế đang phát triển trên khắp châu Á công nghiệp hóa. Tuy nhiên, áp lực của nhà đầu tư, người tiêu dùng và phong trào chống biến đổi khí hậu đang gia tăng đối với ngành công nghiệp này.

Các chính phủ cũng đang hành động, với các chính sách như cơ chế điều chỉnh giới hạn carbon của Liên minh Châu Âu, với mục tiêu trừng phạt các hoạt động làm tổn hại môi trường.

Những công ty khai thác lớn còn gặp khó khăn khi có rất ít lựa chọn thay thế mang lại lợi nhuận lớn. Các lựa chọn giảm lượng khí thải hiện tại bao gồm sử dụng lò hồ quang điện - một phương pháp không cần than và sử dụng phế liệu thép tái chế thay cho quặng sắt.

Để thu hẹp khoảng cách và giữ vững vị trí trên thị trường, các nhà sản xuất quặng sắt của Australia đang thử nghiệm mọi thứ từ vi khuẩn đến rơm rạ, trong một loạt thử nghiệm nhằm mục đích làm cho vật liệu của họ phù hợp cho quá trình sản xuất thép “xanh” hơn. BHP đang nghiên cứu sử dụng công nghệ thu hồi carbon tại các nhà máy thép thông thường và hợp tác với Hatch để xây dựng lò luyện điện - một phương pháp bổ sung thêm một bước quy trình và có tiềm năng sử dụng nguyên liệu thô cấp thấp hơn.

Tania Archibald, giám đốc điều hành các sản phẩm thép của Australia tại BlueScope Steel - 1 trong số 40 đơn vị hợp tác với Rio - nói với một nhà đầu tư vào tháng trước: “Nếu chúng tôi có thể giải quyết được vấn đề về quặng Pilbara, thì đó có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi”.

Trong khi đó, Fortescue của tỷ phú Andrew Forrest đã bắt đầu sản xuất một khối lượng nhỏ quặng magnetite chất lượng cao tại dự án Iron Bridge ở Pilbara và đã thử nghiệm phương pháp điện phân không dùng than để chuyển quặng thành sắt “xanh”.

Các công ty khai thác quặng sắt của Australia cho biết họ có đủ thời gian để thực hiện những đột phá về công nghệ hoặc thay đổi chiến lược mà họ cần để tiếp tục phát triển thịnh vượng.

Trung Quốc bóp phanh: Nhà máy sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới đứng trước tương lai u ám, nguy cơ bị bỏ lại phía sau - Ảnh 4.

Simon Farry, người đứng đầu bộ phận khử cacbon thép của Rio cho biết: “Việc chuyển đổi khỏi sản xuất thép bằng than là thực tế, nhưng sẽ mất một thời gian và vẫn còn nhiều điều không chắc chắn”.

Một số thị trường đã thích nghi nhanh chóng, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngành công nghiệp khai thác mỏ của Australia đã từng bị bỏ lại phía sau do không kịp chuyển mình. Đầu những năm 2000, nước này đã phải vật lộn để theo kịp tốc độ tiêu thụ quặng sắt ngày càng tăng của Trung Quốc. Giờ đây, rủi ro đang lặp lại khi thế giới bước vào chu kỳ kinh tế xanh.

“Thế giới sẽ giảm thiểu cacbon,” một chuyên gia nói. “Nếu không hành động nhanh chóng, chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội này.”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại