Trung Quốc biến livestream thành ngành công nghiệp 400 tỷ USD: Nhà báo, MC đua nhau bỏ nghề làm streamer mong đổi đời, "chốt đơn" gần 300 triệu đồng/phiên là chuyện nhỏ

VŨ ANH |

Trung Quốc "vô địch thiên hạ" mảng livestream như thế nào?

Trung Quốc biến livestream thành ngành công nghiệp 400 tỷ USD: Nhà báo, MC đua nhau bỏ nghề làm streamer mong đổi đời, chốt đơn gần 300 triệu đồng/phiên là chuyện nhỏ - Ảnh 1.

Jacqueline Zhuang xuất hiện lần đầu với tư cách streamer - người dẫn chương trình mua sắm trực tiếp trên TikTok. Từ một studio ở Quảng Châu, cô gái này thao thao bất tuyệt giới thiệu về chiếc váy đỏ đính đá lấp lánh.

“Nếu bạn mặc nó đi ăn cưới, tôi chắc chắn nhiều người đàn ông sẽ nhìn bạn không rời đấy”, Zhuang nói dõng dạc bằng tiếng Anh, sau đó không quên mời chào: “Dành riêng cho những người mua hôm nay, tôi sẽ có thêm một món quà bất ngờ nữa”.

Chỉ 1 tuần trước đó, Zhuang, 30 tuổi, đã từ bỏ sự nghiệp nhà báo kiêm người dẫn chương trình truyền hình để dấn thân sang một lĩnh vực mà cô tin là tương lai: livestream. Để chuẩn bị cho hành trình mới, Zhuang đã phải tham gia một chương trình đào tạo cấp tốc kéo dài 2 ngày về các chiến thuật bán hàng và tiếng lóng. Chủ khóa học cam kết sẽ chỉ cho Zhuang và những học viên khác mọi thứ họ cần để bán được sản phẩm.

Chỉ trong vài năm, mua hàng giảm giá qua livestream đã trở thành một trong những hình thức mua sắm phổ biến ở Trung Quốc. Trên các nền tảng như Taobao Live và ứng dụng chị em Douyin, các streamer bán mọi thứ, từ nước thông cống đến son môi; trò chuyện gần gũi và thu hút hàng triệu người xem tò mò.

Sau khi livestream trở thành ngành công nghiệp trị giá 400 tỷ USD ở Trung Quốc, các doanh nhân Trung Quốc và chính bản thân TikTok đã bị thuyết phục rằng, việc phần còn lại của thế giới cũng mua sắm theo hình thức trực tuyến này chỉ là vấn đề thời gian. Các nhà cung cấp, streamer và đại lý Trung Quốc đã trở thành người tạo ra xu hướng shopping mới, kỳ vọng rằng chiến thuật bán hàng độc nhất vô nhị cùng loạt sản phẩm giá rẻ chất lượng sẽ thu hút người tiêu dùng trên toàn thế giới.

“Không có cửa hàng ngoại tuyến nào có thể bán hàng triệu sản phẩm thông qua một kênh duy nhất chỉ trong 1 ngày,” Bian Shiqi, học viên tham dự chương trình đào tạo ở Quảng Châu chia sẻ với Rest of World . Sau vài năm làm việc trong lĩnh vực thương mại quốc tế, cô tin rằng TikTok có thể là tương lai của thương mại điện tử xuyên biên giới.

Trung Quốc biến livestream thành ngành công nghiệp 400 tỷ USD: Nhà báo, MC đua nhau bỏ nghề làm streamer mong đổi đời, chốt đơn gần 300 triệu đồng/phiên là chuyện nhỏ - Ảnh 2.

Trung Quốc 'vô địch thiên hạ' mảng livestream

Theo Rest of World, TikTok đã thử nghiệm tính năng TikTok Shop — nơi người dùng có thể mua trực tiếp trong ứng dụng — ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Vương quốc Anh... Hàng triệu người có thể không theo dõi các buổi phát trực tiếp trên TikTok, song các streamer và đại lý tài năng vẫn tin rằng mua sắm qua livestream có thể trở nên phổ biến như chính TikTok.

“Mỹ nên là thị trường cần tiếp cận đầu tiên”, Cecilia Velazquez Traut, người từng có cơ hội làm việc với các KOLs nói. “Người dân ở đó tiêu dùng rất nhiều và họ sẽ mua nếu được tư vấn nhiệt tình”.

Chương trình đào tạo mà Zhuang, Bian, cùng với 6 học viên khác tham gia thuộc sở hữu của Yan Guanghua, một cựu giáo viên tiếng Anh đến từ Trùng Khánh. Yan thừa nhận mình từng kiếm được tới 11.000 USD (khoảng 260 triệu đồng) chỉ từ một buổi phát trực tiếp, đồng thời cam kết chia sẻ với các học viên mọi kiến thức trong suốt 20 giờ đồng hồ. Với mức phí 970 USD, lớp học này hướng dẫn từ A đến Z cách xây dựng tài khoản TikTok để bán quần áo, mỹ phẩm, trang sức hoặc các sản phẩm đắt tiền phục vụ người xem từ Los Angeles đến London.

Yan muốn đi theo các KOLs hàng đầu Trung Quốc, chẳng hạn như Vua son môi Austin Li, song lại cảm thấy thị trường bão hòa của Douyin quá cạnh tranh. Để tận dụng kỹ năng nói tiếng Anh thành thạo của mình, cô thử dùng TikTok, ban đầu bán quần áo tập yoga, hộp đựng tai nghe và bật lửa cho một công ty xuất khẩu ở Thâm Quyến.

Hiện tại, Yan livestream từ 3-4 tiếng mỗi ngày, bán túi xách và mỹ phẩm cho những người tiêu dùng Mỹ. Dịp lễ Halloween, cô còn kỳ công setup một phông nền theo chủ đề ma quái để thu hút những vị khách lướt qua livestream.

Theo các chuyên gia, thương mại điện tử sẽ gây bão ở phương Tây. Yan tin rằng cô và các streamer khác sẽ có cơ hội gắn bó với TikTok nhờ nắm bắt được các chiến thuật bán hàng, đồng thời mang lại hàng trăm tỷ USD doanh thu tại Trung Quốc.

“Điều quan trọng nhất không phải nhấn mạnh ưu điểm của sản phẩm. Bạn cần cho người dùng nhận ra vì sao họ cần nó, họ cần nó trong trường hợp nào, liệu họ có nhận được lời khen nếu mua nó hay không”, Yan nói.

Dẫu vậy, doanh thu mua bán trên TikTok vẫn không là gì so với Douyin. Với 600 triệu người dùng hoạt động hàng ngày, lượng hàng hóa trị giá hơn 3 tỷ USD đã được bán trên nền tảng trong nửa đầu năm 2022. Trên TikTok, với hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, lượng hàng bán ra trong cùng khoảng thời gian chỉ đạt 1 tỷ USD. Phần lớn doanh số bán hàng đến từ Indonesia - quốc gia mà hồi năm 2021 TikTok đã triển khai thí điểm sớm nhất tính năng TikTok Shop.

Trung Quốc biến livestream thành ngành công nghiệp 400 tỷ USD: Nhà báo, MC đua nhau bỏ nghề làm streamer mong đổi đời, chốt đơn gần 300 triệu đồng/phiên là chuyện nhỏ - Ảnh 3.

Khóa học quay livestream

Quay trở lại với khóa học của Yan, vào buổi cuối cùng, mỗi học viên phải viết kịch bản bán váy dạ hội. Vào khoảng 8:30 tối, họ sẽ thay phiên nhau xuất hiện trên một trong những tài khoản trực tiếp của Yan và bán chúng.

“Five, four, three, two, one”, Jacqueline Zhuang đếm ngược bằng tiếng Anh, giống như cách những streamer Trung Quốc thường làm để khuyến khích hàng triệu người đặt hàng cùng một lúc. Trong tương lai, Zhuang dự định sẽ sử dụng những kỹ năng đã học được để bán trầm hương cho gia đình.

Hiện tại, các nhà hàng, thẩm mỹ viện, thậm chí đại lý ô tô và nhà phát triển bất động sản đều đang thu hút được khách hàng thông qua livestream. Nhiều thương hiệu toàn cầu từ Ikea đến Louis Vuitton cũng sẵn sàng trả tiền cho các KOLs Trung Quốc để truyền phát trực tiếp sản phẩm. Đặc biệt ở chỗ, ngành kinh doanh này không kén người tham gia - nông dân, công nhân nhà máy hay người đã về hưu đều có thể trở thành streamer.

Streamer rao bán mọi thứ, từ đồ trang điểm đến lò vi sóng, bằng một giọng nói tràn đầy năng lượng và lối tương tác hấp dẫn. Họ kể chuyện cười và trải nghiệm của bản thân để thu hút sự chú ý. Họ cũng gọi tên và trả lời các câu hỏi của từng người hâm mộ để lấy lòng tin, đồng thời hứa hẹn về những deal hời chỉ có duy nhất trên livestream ngày hôm đó.

Đối với người xem, sự hấp dẫn không chỉ đến từ sự tiện lợi mà còn là cảm giác được phục vụ. Họ có thể yêu cầu các streamer mặc thử quần áo hay test thử sản phẩm lên da để kiểm chứng chất lượng.

Dẫu vậy, cùng với sự tăng trưởng chóng mặt, cạnh tranh khốc liệt đã khiến nhiều streamer phải bỏ nghề. Suy thoái kinh tế rộng lớn cũng thúc đẩy làn sóng sa thải nhân viên tại các công ty đứng sau nhiều nền tảng phát trực tuyến. Thậm chí, chính phủ Trung Quốc, lo lắng quá nhiều về sự bành trướng, còn đặt ra nhiều quy định đối với ngành công nghiệp truyền phát tỷ USD.

“Nếu nền tảng này thành công, chúng tôi sẽ phát tài trong 2-3 năm tới. Nếu không, chúng tôi sẽ chẳng còn gì cả”, Yan nói.

Theo: Rest of World, The New York Times

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại