Trung Quốc bất ngờ 'giải cứu' nhà phát triển lớn nhất nhì cả nước: Cả ngành bất động sản sắp thoát khỏi giai đoạn khó khăn?

Chi Lan |

Thị trường đang mong đợi Bắc Kinh công bố các bước tiếp theo nhằm đảo ngược xu hướng sụt giảm kéo dài, sau khi giới chức phát tín hiệu ủng hộ China Vanke.

Việc Trung Quốc đưa ra biện pháp hỗ trợ với một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất nước này đã “tiếp thêm sinh lực” cho ngành vốn đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhà đầu tư muốn thấy các biện pháp cụ thể hơn trước khi mang tiền quay lại với lĩnh vực bất động sản.

Thị trường đang mong đợi Bắc Kinh công bố các bước tiếp theo nhằm đảo ngược xu hướng sụt giảm kéo dài, sau khi giới chức phát tín hiệu ủng hộ China Vanke- nhà phát triển lớn thứ 2 nước này tính theo doanh số. Nguồn tin thân cận tiết lộ, hôm thứ Ba, các nhà hoạch định chính sách đã có cuộc họp với các doanh nghiệp bao gồm Vanke, Longfor Group, Gemdale Corp và Poly Developments and Holdings.

Andy Suen, đồng giám đốc bộ phận trái phiếu khu vực châu Á (không bao gồm Nhật Bản) tại PineBridge Investments, cho biết: “Sau tín hiệu tiềm năng từ phía chính phủ về việc sẽ hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư cần thấy những hành động cụ thể hơn trước khi họ quay trở lại.”

Trong bối cảnh doanh số bán nhà sụt giảm và nhiều nhà phát triển vỡ nợ, giới đầu tư muốn Bắc Kinh có những biện pháp mạnh mẽ hơn, như giảm chi phí huy động vốn và chính quyền địa phương tiếp quản những dự án chưa hoàn thiện.

Tuần này, các quan chức tại nơi đặt trụ sở của Vanke đã thực hiện một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, làm dấy lên hy vọng về cuộc giải cứu quy mô rộng hơn. Theo đó, chỉ số theo dõi cổ phiếu các nhà phát triển Trung Quốc của Bloomberg đã có diễn biến tích cực, song nhanh chóng quay trở lại xu hướng ảm đạm.

Tại cuộc thảo luận hôm 7/11, các nhà phát triển đã đưa ra đề xuất về một số quy tắc có thể được nới lỏng, ví dụ như khung cho vay và giới hạn số nhà bán ra trước khi bàn giao. Nguồn tin thân cận cho biết, các cơ quan quản lý chưa đưa ra quyết định cụ thể nào trong cuộc họp.

Tác động từ đà sụt giảm của ngành bất động sản đã lan rộng khắp nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, vì lĩnh vực này cùng các ngành liên quan chiếm khoảng 1/5 GDP. Dù các biện pháp gần đây đã phần nào xoa dịu tâm lý thị trường, song hầu hết các nhà đầu tư chưa cho rằng “bước ngoặt” thực sự vẫn chưa đến.

Bắc Kinh cũng tìm cách trấn an nhà đầu tư khi Thống đốc NHTW Pan Gongsheng gần đây cho biết, rủi ro trong ngành bất động sản của Trung Quốc vẫn trong tầm kiểm soát.

Wilson Er, giám đốc danh mục đầu tư tại Kamet Capital Partners Pte., kêu gọi các cơ quan quản lý cần thực hiện các bước để vực dây niềm tin của người mua nhà. Ông nói: “Điều này có thể đạt được thông qua việc thành lập các nhóm nhà phát triển, điều chỉnh chi phí huy động vốn và hợp tác với các nhà xây dựng thuộc sở hữu nhà nước.”

Tình hình của các nhà xây dựng Trung Quốc càng trở nên căng thẳng hơn sau khi Country Garden, từng là nhà phát triển lớn nhất nước này, lần đầu tiên bị coi là vỡ nợ trái phiếu USD vào tháng 10. Việc Country Garden lỡ hạn thanh toán trái phiếu cho thấy các biện pháp hỗ trợ trước đây từ phía giới chức vẫn là chưa đủ.

Tham khảo Bloomberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại