Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) chụp ảnh cùng Thủ tướng Tonga Siaosi Sovaleni trong chuyến thăm nước này vào tháng 5/2022. Ảnh: Tân Hoa xã.
Trong cuộc gặp mặt báo chí vào ngày hôm qua (28/6), Đại sứ Trung Quốc tại Tonga Tào Tiểu Lâm cho biết, “trong một thời gian dài, một số phương tiện đã hiểu sai về các khoản vay ưu đãi từ Trung Quốc cho Tonga” và bịa đặt nó là “bẫy nợ” nhằm mục đích “bôi nhọ” Trung Quốc và phá vỡ mối quan hệ giữa nước này với Tonga.
Đại sứ Tào Tiểu Lâm khẳng định “không có ràng buộc chính trị” nào của Trung Quốc đối với các khoản tiền mà Tonga nợ nước này. Đại sứ Tào Tiểu Lâm cũng cho hay, Trung Quốc “không ép bất kỳ nước nào trả nợ” và các bên có thể cùng ngồi lại “thảo luận và đàm phán một cách thân thiện, ngoại giao” về các khoản nợ này.
Truyền thông Australia trích dẫn thông tin từ ngân sách Tonga cho biết, nước này đang nợ nước ngoài 195 triệu AUD. 2/3 trong số này là khoản nợ đối với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.
Với một quốc gia có GDP đạt khoảng 500 triệu USD vào năm 2021 thì khoản nợ mà nước này đang phải gánh chịu là không nhỏ. Vì vậy, hiện tại Tonga đang lo ngại về khả năng phải trả khoản nợ lớn vào năm 2024 cho khoản vay để xây dựng lại trung tâm thương mại bị tàn phá sau cuộc bạo động vào năm 2006.
Báo điện tử Stuff của New Zealand cho biết, trước đó vào năm 2018, Thủ tướng Tonga khi đó là ông Akilisi Pohiva đã bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc có thể nắm quyền quản lý các tòa nhà và tài sản nếu Tonga không thể trả nợ cho Trung Quốc.
Theo Thủ tướng hiện nay của Tonga, Siaosi Sovaleni, trong chuyến thăm nước này vào tháng trước của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, Trung Quốc đã ký 6 thỏa thuận với Tonga và có thảo luận với nước này về các khoản vay.
Mặc dù cho đến nay chính phủ Tonga chưa công khai nói về việc trả nợ các khoản vay từ Trung Quốc song Đại sứ Tào Tiểu Lâm cho hay, Tonga đã bắt đầu trả các khoản nợ này và điều đó cho thấy tình hình tài chính lành mạnh của Tonga.
Số liệu của dự án AidData có trụ sở tại Mỹ cũng cho thấy, ngoài Tonga, Samoa và Vanuatu hiện cũng là các quốc gia có các khoản nợ lớn đối với Trung Quốc. Số liệu cũng cho thấy các khoản viện trợ từ năm 2006 của Trung Quốc với tổng giá trị lên đến 3 tỷ USD được cung cấp dưới các hình thức viện trợ không hoàn lại và khoản vay được dùng để xây dựng bệnh viện, cầu cảng, đường sá, các tòa nhà chính phủ, sân vận động và trường học ở các nước Thái Bình Dương.
Ngoài vấn đề về các khoản nợ, hiện một số quốc gia trong khu vực cũng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc thúc đẩy hợp tác an ninh với khu vực Thái Bình Dương . Về vấn đề này, Đại sứ Tào Tiểu Lâm cho hay, Trung Quốc tới khu vực Thái Bình Dương để “thúc đẩy quan hệ với khu vực không phải để ký thỏa thuận an ninh”, “Trung Quốc không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Thái Bình Dương, không bao giờ gắn các vấn đề với chính trị cũng như tìm kiếm lợi ích địa chính trị” trong khu vực.
Về thỏa thuận an ninh mà Trung Quốc vừa ký với Quần đảo Solomon, Đại sứ Tào Tiểu Lâm cho biết thỏa thuận này giúp “duy trì trật tự xã hội” tại Solomon chứ không “áp đặt bất cứ thứ gì lên bất kỳ ai”./.