(Nội dung dưới đây được lược dịch từ bài viết của nhà báo Brook Larmer của New York Times)
Đậu tương Argentina
Khi đi du lịch ở Argentina, đáng lẽ thật dễ dàng để tìm thấy một chai nước tương. Con trai tôi sinh ra và lớn lên ở châu Á. Chúng có thói quen tra vài giọt nước tương vào thức ăn và Argentina là một trong những quốc gia sản xuất đậu tương lớn trên thế giới.
Khi bay qua trung tâm của nước này, được gọi là khu vực màu mỡ của Pampas, chúng ta có thể nhìn thấy những cánh đồng đậu tương bất tận.
Trong nền kinh tế dựa vào nông nghiệp của Argentina, đậu tương từng chỉ là một bộ phận rất nhỏ. Sau 30 năm phát triển, hiện nó chiếm gần 50% diện tích đất canh tác của Argentina. Tuy nhiên, trong mỗi nhà hàng chúng tôi đến, trước yêu cầu phục vụ nước tương của con trai tôi đều là những ánh mắt ngờ vực và cái nhún vai: không có.
Hầu hết các sản phẩm đậu tương ở Argentina được xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhu cầu ngày càng tăng đối với nước tương, đậu phụ và thức ăn chăn nuôi ở châu Á đã góp phần vào sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp đậu tương ở Argentina, Brazil và Paraguay.
Mô hình này rất phổ biến ở Argentina. Một thế kỷ trước, Arghentina đã vận chuyển ngũ cốc và thịt bò từ Pampas đến châu Âu, khiến nước này trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới.
Tại Rosario, trung tâm nông nghiệp của Argentina, ủy ban thương mại của thành phố nằm trong tòa nhà Beaux-Arts được xây dựng từ năm 1929, một tòa nhà tráng lệ khiến người ta liên tưởng đến sự huy hoàng đương thời. Tuy nhiên, ngày nay, hệ thống giao dịch điện tử treo tường lại bị chi phối bởi giá cả của đậu tương.
Năm ngoái, Argentina đã xuất khẩu sản phẩm đậu tương trị giá 17 tỷ USD, chiếm hơn 1/4 tổng thu nhập xuất khẩu. Hiện nay, một nửa số tàu chứa đầy các chế phẩm đậu tương như đậu tương, bột đậu tương, dầu đậu tương mỗi khi rời khỏi đất nước này để đến châu Á.
"Một câu danh ngôn ở Argentina vẫn luôn đúng:" Với một vụ mùa bội thu, chúng ta sẽ được cứu", Patricia Bergero, Phó giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế của ủy ban này cho biết, "Nền kinh tế của chúng tôi rất phụ thuộc vào đậu tương và Trung Quốc - có lẽ quá phụ thuộc."
Tuy nhiên, đậu tương chỉ là khởi đầu. Trong 10 năm qua, tổng thương mại của Trung Quốc với khu vực Mỹ Latin và Caribbean đã tăng hơn gấp đôi, đạt 244 tỷ USD vào năm 2017, vượt qua Mỹ và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của khu vực. Ở sân sau của Mỹ, đây là một sự phát triển đáng kinh ngạc.
Trước đó, Trung Quốc tập trung vào việc có được các nguồn lực cần thiết để đáp ứng nền kinh tế của Bắc Kinh: dầu từ Venezuela và Ecuador, đồng và sắt từ Peru và Chile và đậu tương từ Brazil và Argentina.
Tổng thống Argentina (trái) và Chủ tịch Trung Quốc trong một cuộc gặp năm 2018. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ảnh hưởng của Trung Quốc
Tuy nhiên, trong vài năm qua, Trung Quốc đã mở rộng, tăng cường sự hiện diện ở khu vực. Năm 2014, Tổng thống Argentina Cristina Fernández de Kirchner đã chuyển hướng sang Trung Quốc sau khi chính phủ Argentina vỡ nợ 100 tỷ USD nợ quốc tế.
Ngoài việc cung cấp 11 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối của Argentina, Trung Quốc cũng đã bắt đầu xây dựng lại một tuyến đường sắt chạy qua trung tâm nông nghiệp Argentina, hai trạm thủy điện và một trạm không gian trên cao nguyên khô cằn ở phía bắc Patagonia.
Khi doanh nhân có khuynh hướng bảo thủ Mauricio Macri trở thành người kế nhiệm ông De Kirchner vào tháng 12/2015, ông muốn giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc nên ngay lập tức đình chỉ việc xây dựng hai con đập ở phía nam Patagonia với lý do thiếu minh bạch và khảo sát tác động môi trường.
Ba tháng sau, cảnh sát biển Argentina đánh chìm một chiếc thuyền đánh cá Trung Quốc đã từ chối rời khỏi vùng biển của nước này. Tuy nhiên, chiến lược giảm ảnh hưởng Trung Quốc không kéo dài.
Trung Quốc không chỉ nhanh chóng cắt giảm 30% nhập khẩu lượng đậu tương trong bảy tháng đầu tiên của chính phủ Macri, các quan chức Trung Quốc cũng nhắc nhở Argentina rằng đầu tư của họ vào Argentina cũng vậy.
Hai yếu tố khác làm trầm trọng thêm áp lực đối với Argentina: Sự suy thoái của cuộc khủng hoảng tiền tệ và cuộc bầu cử của Tổng thống Mỹ 2016.
"Khi ông Macri nhậm chức, chính phủ của ông đã hy vọng ký một thỏa thuận thương mại với Mỹ," một cố vấn chính phủ Argentina nói, "Một khi ông Trump chiến thắng, mọi hy vọng đều tan vỡ. Tình hình sẽ thay đổi".
Chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ đã khiến Argentina và Washington trở nên khó xử.
Vào đầu năm 2017, Tổng thống Macri tiến hành thăm Trung Quốc cấp nhà nước và lập trường của ông đã thay đổi. María José Haro Sly, một nhà xã hội học người Argentina chuyên nghiên cứu về quan hệ nông nghiệp giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh nói. "Điều này hơi buồn cười, nhưng bây giờ thỏa thuận được ký giữa Tổng thống Macri và Trung Quốc còn nhiều hơn cả hai chính phủ trước đây".
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires vào cuối năm ngoái, sự thay đổi trong thái độ này càng trở nên hiển nhiên.
Trong cuộc họp giữa Tổng thống Trump và Macri, Argentina đã nhận được sự hỗ trợ quan trọng đối với khoản văn 56 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào năm trước. Nhưng Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders lại nói rằng, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về "hoạt động kinh tế săn mồi của Trung Quốc". Điều này bị Tổng thống Macri phản đối.
"Nhận xét này... không thể hiện quan điểm của Argentina", một cộng sự của ông nói với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng."Chúng tôi rất coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc. Chúng tôi có mối quan hệ thương mại rất quan trọng với Trung Quốc. "Thật không dễ để làm hài lòng hai siêu cường."
"Lúc đầu, Macri đã cố gắng tránh xa Trung Quốc, "Andrés López, Chủ nhiệm Khoa Kinh tế tại Đại học Buenos Aires nói. "Nhưng sau rất nhiều khó khăn, ông bắt đầu cố gắng tìm sự cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ. "
Vài ngày sau, Macri đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ca ngợi vai trò đối tác thương mại, nhà đầu tư và tài chính quan trọng nhất đối Argentina của Trung Quốc, yếu tố này là nền tảng của "liên minh chiến lược toàn diện" song phương mới thành lập.
Vào tháng 12, hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Macri đã ký hơn 30 thỏa thuận đầu tư và nông nghiệp, bao gồm thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 8,6 tỷ USD.
Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ là một khoản vay không lãi suất, giúp duy trì hoạt động của chính phủ và kiềm chế lạm phát gần 50% ở Argentina.
Không khí của cuộc họp càng trở nên đặc biệt. Khi Hiệp hội Polo Argentina tặng một con ngựa cho ông Tập còn Tổng thống Macri đã chuẩn bị cho ông một chiếc mũ polo in cờ Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã mỉm cười hạnh phúc.
Vào tháng 1, Tổng thống Macri đã đi đến Patagonia để khởi động lại đập thủy điện do Trung Quốc đầu tư đã bị ông dừng lại ba năm trước.
Ở Ushuaia, trên sườn núi phủ tuyết Tierra del Fuego, một nhà hàng tên là "Zhuzi" được dán nhãn bằng tiếng Trung Quốc, cho biết đây là "nhà hàng Trung Quốc cực nam trên thế giới".
Kể từ khi Trung Quốc phê chuẩn Nam Cực là điểm du lịch từ khoảng mười năm trước, số lượng khách du lịch Trung Quốc tham gia hành trình này đã tăng vọt từ 0 lên 8.000 mỗi năm (khoảng 16% tổng số khách du lịch ở Nam Cực năm 2018).
Hầu như tất cả họ đi qua Ushuaia và đến nhà hàng Zhuzi để ăn buffet, hải sản và nếm thử những món ăn ngon được cho có hương vị gần giống như ở nhà.
Thúc đẩy sự bùng nổ du lịch ở Nam Cực của Trung Quốc, không chỉ là kế hoạch du lịch đặc biệt mà còn có các ưu tiên chiến lược của chính phủ.
Mặc dù có vị trí địa lý cách xa các cực của trái đất nhưng Trung Quốc đã thể hiện là một cường quốc vùng địa cực, cạnh tranh ảnh hưởng ở cả hai cực Nam, Bắc. Năm ngoái, trạm nghiên cứu khoa học thứ năm của Trung Quốc tại Nam Cực đã khởi công.
Bắc Kinh nhấn mạnh sẵn sàng giúp quản lý lục địa mỏng manh này nhưng các nhà phân tích cho biết mục tiêu cốt lõi của Bắc Kinh là giành quyền khai thác dầu mỏ và khoáng sản và xây dựng công nghệ hệ thống định vị toàn cầu (GPS) tiên tiến của Trung Quốc ở Nam Cực.
Cơ sở này tạo lợi thế trong cuộc đua quân sự vũ trụ. (Trung Quốc cũng có ý định thúc đẩy công nghệ vũ trụ và vệ tinh ở trạm vũ trụ Trung Quốc ở tỉnh Neuquén ở Argentina)
Dù tồn tại lợi ích địa chiến lược, mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ Latinh vẫn được thúc đẩy bởi các mặt hàng cơ bản và đậu tương đã trở thành một dấu hiệu cạnh tranh giữa các siêu cường.
Do chiến tranh thương mại và trả đũa thuế quan, lượng đậu tương của Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ bằng không trong tháng 11. Brazil và Argentina đã lấp khoảng trống này.
Mặc dù hạn hán năm ngoái đã làm giảm 40% sản lượng thu hoạch, Argentina vẫn xuất khẩu 7 triệu tấn đậu tương sang Trung Quốc.
Năm nay, nhờ lượng mưa dồi dào, Argentina dự kiến sẽ tăng gấp đôi sản lương, xuất khẩu 14 triệu tấn đậu tương - gần như tất cả đều được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Khi gia đình tôi đến Buenos Aires, chúng tôi nhận ra rằng có một số lượng lớn các cửa hàng tạp hóa do người Trung Quốc điều hành bán nước tương cho cộng đồng người nhập cư Trung Quốc đang được mở rộng.
Trên đường đi, vấn đề nan giải của chúng tôi đã không được giải quyết cho đến khi tới một khách sạn nhỏ của người Hàn Quốc ở thị trấn El Calafate phía Nam xa xôi.
Khi con gái của ông chủ người Hàn Quốc biết con trai tôi rất muốn dùng nước tương, trước khi chúng tôi đến sông băng, đã bí mật đưa chúng tôi một chai thủy tinh nhỏ, đóng gói trong hai lớp túi nhựa.
Cả phần còn lại của chuyến đi, chúng tôi đã mang theo cái chai nước tương này và rưới nó lên cơm và trứng khi chúng tôi ăn. Mãi đến cuối chuyến đi, tôi mới nhận ra rằng nước tương được sản xuất tại Trung Quốc.