Trung Quốc - Anh "khẩu chiến" đúng lễ 20 năm Hồng Kông về đại lục

A.T |

Cơ quan ngoại giao Anh và Trung Quốc đã có lời qua tiếng lại ngay trước ngày kỷ niệm 20 năm Hồng Kông (TQ) về đại lục (1.7.2017).

Trung Quốc chỉ trích gay gắt quan điểm mà họ gọi là "không chính xác" của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson.

Trung Quốc cảm thấy "nhột" khi hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Johnson đã có bài phát biểu về tình hình Hồng Kông, trong đó nói: "Khi chúng ta nhìn về tương lai, Anh hy vọng rằng Hồng Kông sẽ có một hệ thống chính quyền dân chủ và có trách nhiệm ngày càng tiến bộ".

Ông nói rằng mấu chốt để tiếp tục duy trì thành công của Hồng Kông là "mức độ tự trị và pháp quyền cao" được duy trì. Có thể thấy Ngoại trưởng Anh không có những lời chỉ trích trực tiếp nhắm vào Bắc Kinh nhưng Trung Quốc cảm thấy khó chịu khi bị người Anh lên lớp về việc xây dựng Hồng Kông.

Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã chỉ trích các bình luận của Ngoại trưởng Johnson là "không chính xác" và "không đúng chỗ".

Ông Lục nhấn mạnh: "Hồng Kông là đặc khu của Trung Quốc và do đó vấn đề Hồng Kông là vấn đề nội bộ của Trung Quốc".

Ông Lục cho biết thành công của Hồng Kông "đã được chứng minh trong suốt 20 năm kể từ khi trở lại Trung Quốc" và khuyên "người ngoài cuộc không nên đưa ra những nhận xét sai về điều đó".

Tân Hoa Xã thẳng thắn nói rằng các phát biểu của ông Lục được đưa ra nhằm phản ứng trực tiếp với tuyên bố của Ngoại trưởng Johnson và tuyên bố của Mỹ về tình hình xâm phạm tự do dân chủ và tự do báo chí ở Hồng Kông.

Anh đã nhanh chóng bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh. Theo Reuters, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Anh cho hay:

"Tuyên bố chung của Trung - Anh đã được ký kết hơn 30 năm trước vẫn giữ nguyên giá trị tới ngày hôm nay. Đó là một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý, được công nhận bởi Liên Hợp Quốc và tiếp tục có hiệu lực. Là một bên tham gia ký kết, chính phủ Anh cam kết theo dõi sát sao việc thực hiện nó một cách chặt chẽ".

Trong Tuyên bố chung của Trung - Anh được ký kết, Hồng Kông sẽ có quyền duy trì cách sinh hoạt riêng không đổi trong 50 năm liền.

Nhưng Anh và phong trào dân chủ ở Hồng Kông cho rằng tuyên bố này bị vi phạm, chẳng hạn trong cuộc bầu cử chọn người lãnh đạo đặc khu hồi năm 2014 thì cử tri tại Hồng Kông chỉ được quyền bỏ phiếu lựa chọn các ứng cử viên do một hội đồng chỉ định và hội đồng này lại có nhiều người được cho là thân Bắc Kinh.

Còn Bắc Kinh khẳng định họ giữ đúng cam kết của tuyên bố chung và yêu cầu Anh hay bất kỳ nước nào khác không được can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc.

Nhìn chung trong 20 năm qua, Anh chỉ đóng vai trò "quan sát viên" và thỉnh thoảng đưa ra các bình phẩm từ bên ngoài về tình hình Hồng Kông. Ngay cả các thành viên của phong trào dân chủ ở Hồng Kông cũng tuyên bố nước Anh đã liên tục thất bại trong việc bảo vệ đặc khu cũ khỏi sự xói mòn của Bắc Kinh.

Tuần trước, ông Chris Patten, Toàn quyền cuối cùng của người Anh tại Hồng Kông, nói với Guardian rằng Anh đã tự hạ mình bằng cách "kowtowing" (cúi đầu) trước Bắc Kinh trong các vấn đề về Hồng Kông để đổi lại các lợi ích kinh tế và luôn bị ám ảnh rằng "nếu không quỳ gối đủ thấp thì không làm ăn được gì ở Trung Quốc".

Phát biểu hồi đầu tuần, Đại sứ của Trung Quốc tại London, ông Lưu Hiểu Minh, cũng ám chỉ rằng tình hữu nghị Trung Quốc với Anh chỉ được đảm bảo với điều kiện Anh không nhúng mũi vào Hồng Kông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại