Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Getty)
Doanh thu từ năng lượng của Nga có thể bị ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt sâu rộng của Liên minh châu Âu (EU) đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng của nước này. Theo đó, EU sẽ chính thức cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga bằng đường biển từ ngày 5/12.
Trong bối cảnh sắp mất đi khách hàng lớn nhất của mình, Nga đang chuyển hướng xuất khẩu bằng đường biển sang châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc.
Trung Quốc và Ấn Độ hiện mua 2/3 tổng lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường biển từ Nga. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng nhập khẩu khoảng 1/2 trữ lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường ống từ Nga.
Điều đó mang lại vị thế cho cả Trung Quốc và Ấn Độ trong quá trình đàm phán mua dầu Nga. Dầu thô của Nga đang được giao dịch với mức chiết khấu quá lớn so với các tiêu chuẩn quốc tế.
Bloomberg dẫn lời từ chiến lược gia dầu mỏ Julian Lee cho hay, với tư cách là những khách hàng lớn của Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đang yêu cầu giảm giá mạnh cho các giao dịch mua dầu từ Moskva.
Từ cuối tuần trước, dầu Urals của Nga được giao dịch ở mức khoảng 52 USD/thùng tại các cảng xuất khẩu. Dầu thô Urals của Nga được giao dịch ở mức chiết khấu 33,28 USD, tương đương 39%, so với dầu thô Brent. Đây là mức giảm mạnh so với mức chiết khấu 2,85 USD trong các giao dịch vào năm 2021.
Dầu Brent được giao dịch ở mức khoảng 100 USD/thùng thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Hiện nay, loại dầu này có giá 86 USD.
Theo tính toán của Bloomberg , do mức chiết khấu ngày càng tăng từ dầu Urals, Nga đang mất khoảng 4 tỷ USD doanh thu năng lượng mỗi tháng.
Washington dường như không quá lo lắng về việc Ấn Độ và Trung Quốc mua lượng lớn dầu của Nga, ngay cả khi họ trả giá cao hơn mức giá trần do G7 áp đặt.
"Dầu của Nga được bán với giá thấp hơn so với thị trường và chúng tôi rất vui khi Trung Quốc, Ấn Độ hoặc các quốc gia châu Phi có được món hời này", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói với Reuters hôm 11/11.