Trung Quốc âm thầm tăng cường HQ-17 lên Tây Tạng, trực thăng Ấn Độ khó lòng sống sót

Nam Đồng |

Sau khi điều động hệ thống tên lửa phòng không tầm trung HQ-16 tới khu vực tranh chấp với Ấn Độ, Trung Quốc tiếp tục tăng cường binh lực tại đây bằng tổ hợp HQ-17.

Trên các trang mạng quân sự Trung Quốc đã xuất hiện hình ảnh một đoàn dài tên lửa phòng không tầm thấp HQ-17 đang trong trạng thái hành quân bằng đường sắt, đích tới của chúng được nhận định chính là cao nguyên Tây Tạng, nơi có tranh chấp căng thẳng với Ấn Độ suốt gần 2 tháng qua.

Việc điều động HQ-17 lên phối hợp tác chiến cùng HQ-16 sẽ tạo ra chiếc ô phòng không đa tầm rất lợi hại, hệ thống này nhờ đặt trên khung gầm xe bánh xích mà có độ cơ động rất cao, đủ khả năng theo kịp đội hình xe tăng thiết giáp để cung cấp hỏa lực chống lại trực thăng vũ trang hay cường kích tầm thấp của Ấn Độ.

Trung Quốc âm thầm tăng cường HQ-17 lên Tây Tạng, trực thăng Ấn Độ khó lòng sống sót - Ảnh 1.

Xe mang phóng tự hành trang bị radar (TELAR) của tổ hợp phòng không HQ-17

HQ-17 (Hong Qi 17 - Hồng Kỳ 17) là hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp di động do Trung Quốc chế tạo dựa trên nguyên mẫu Tor-M1 của Nga. Bắc Kinh và Moskva đã ký hợp đồng cung cấp 14 tổ hợp Tor-M1 đầu tiên vào năm 1996, sang đến năm 1999 hợp đồng thứ hai với số lượng 13 hệ thống tiếp tục được thông qua.

Sau khi tiếp nhận đủ số lượng vào năm 2000, Trung Quốc đã rất tích cực mổ xẻ nhằm nắm vững cấu tạo của Tor-M1, từ đó chế tạo phiên bản "nhái" của riêng mình.

So với nguyên bản, HQ-17 sử dụng khung gầm xe bánh xích do Trung Quốc sản xuất, được trang bị ăng ten nhận diện địch - ta đặt phía trên radar giám sát. Mẫu radar mới có sức kháng nhiễu cao và dễ dàng kết nối với các hệ thống khác tạo thành mạng lưới phòng không hợp nhất.

Trung Quốc âm thầm tăng cường HQ-17 lên Tây Tạng, trực thăng Ấn Độ khó lòng sống sót - Ảnh 2.

Tổ hợp HQ-17 của Trung Quốc phóng đạn đánh chặn

Đạn tên lửa của hệ thống HQ-17 có hình dáng tương tự 9M331 của Tor-M1 nhưng kích thước lớn hơn với chiều dài 3,5 m (so với 2,9 m đạn 9M331); trọng lượng 165 kg (9M331 nặng 167 kg), đầu đạn nặng khoảng 15 kg; tầm bắn tương đương (đạt 1 - 12 km), độ cao diệt mục tiêu 10 m - 6 km, tốc độ lớn nhất Mach 2,3.

Ưu điểm nổi trội khác của HQ-17 là tốc độ bắn của nó rất nhanh, có thể khai hỏa liên tiếp nhiều đạn nhằm vào tốp trực thăng vũ trang hay tên lửa không đối đất đang bay tới với xác suất trúng đích 0,8 - 0,96 đối với máy bay, hay 0,6 - 0,9 khi chống lại tên lửa hành trình trong tầm bắn hiệu quả 5 km.

Sự kết hợp giữa hệ thống tên lửa phòng không tầm trung HQ-16 cùng HQ-17 tầm ngắn tạo nên nhóm tác chiến dã chiến đủ để thách thức lực lượng không quân hùng hậu của Ấn Độ. Quốc gia Nam Á có lẽ sẽ phải đẩy nhanh tiến độ triển khai các tổ hợp Akash tới Doklam nhằm tạo ra đối trọng phù hợp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại