Trung Nam Hải nổi giận: Tỉnh "xếp xó" chỉ thị của ông Tập, mặc sức vi phạm, đăng cả quảng cáo

Hải Võ |

Vụ "ngã ngựa" của cựu Bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây Triệu Chính Vĩnh hé lộ góc khuất những "bức tường chống đối" mà ông Tập Cận Bình vấp phải trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Tình trạng phớt lờ chỉ thị của ông Tập

Bất chấp chiến dịch "đả hổ đập ruồi" - phát động sau khi ông Tập Cận Bình lên năm quyền năm 2012 - thu được nhiều thành quả thực tế về chống tham nhũng, việc chấn chỉnh bộ máy quan liêu Trung Quốc dường như vẫn đầy thách thức.

Trong khi các quan chức "luồn cúi" trước sự hiện diện của nhà lãnh đạo hoặc ca ngợi ông Tập hết lời, thì sau lưng nhiều người vẫn cản trở và phớt lờ nghị trình hay những chỉ đạo cụ thể của ông.

Sự không hài lòng của Trung Nam Hải được thể hiện rõ vào tháng này, khi Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng một báo cáo điều tra bất thường đề cập các quan chức cấp cao đương nhiệm, bị sa thải hoặc ngồi tù tại tỉnh Thiểm Tây. Phóng sự nêu chi tiết việc những quan chức này đã gian dối trong khi thực hiện các chỉ thị của ông Tập Cận Bình - cụ thể là 5 lần - về điều tra các villa xa xỉ xây dựng trái phép trong khu bảo tồn sinh thái ở núi Tần Lĩnh thuộc tỉnh này.

Phóng sự CCTV đăng tải sau hội nghị thường niên của Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI). Tham dự hội nghị, ông Tập khẳng định "thắng lợi sâu rộng" trong chiến dịch chống tham nhũng và tuyên chiến với tình trạng thờ ơ của giới quan liêu.

CCDI xác định một trong những mục tiêu hàng đầu năm 2019 của các cơ quan chống tham nhũng trong đảng và nhà nước là chống lại "tứ phong" - gồm chủ nghĩa hình thức, quan liêu, hưởng lạc và cửa quyền.

Trung Nam Hải nổi giận: Tỉnh xếp xó chỉ thị của ông Tập, mặc sức vi phạm, đăng cả quảng cáo - Ảnh 1.

Triệu Chính Vĩnh, cựu Bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây, bị "ngã ngựa" hôm 15/1 (Ảnh: ImagineChina)

Hôm thứ Ba (15/1), cựu Bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây Triệu Chính Vĩnh trở thành quan chức mới nhất của tỉnh này bị bắt giữ để điều tra hành vi tham nhũng. Tân Hoa Xã thông báo vụ "ngã ngựa" của Triệu chỉ trong một câu và không cung cấp chi tiết. Tuy nhiên, Triệu được cho là đã chống đối ông Tập Cận Bình bởi các tình trạng phớt lờ chỉ đạo của trung ương diễn ra khi ông này lãnh đạo tỉnh (2012-2016).

Sau khi Triệu "ngã ngựa", báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo dẫn thông tin từ tỉnh ủy Thiểm Tây, yêu cầu "nhận thức sâu sắc tính hai mặt, tính lừa đảo và vạch rõ ranh giới với Triệu Chính Vĩnh".

Trong thời gian 26/2-26/4/2017, tổ thị sát số 11 do trung ương chỉ đạo đã điều tra hoạt động của tỉnh Thiểm Tây trong giai đoạn trước đó do Triệu lãnh đạo, phát hiện "lãnh đạo tỉnh ủy không kiên cường, hàng loạt tinh thần quan trọng của Tổng bí thư Tập Cận Bình không được quán triệt đến nơi đến chốn, tồn tại tình trạng nặng về bề ngoài-phớt lờ thực hiện...". Báo cáo khẳng định ban lãnh đạo tỉnh của Triệu Chính Vĩnh bất lực trong chỉnh đốn cán bộ.

Nhận chỉ thị xong, vi phạm mạnh hơn

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) bình luận, phóng sự của CCTV là tín hiệu chính trị quan trọng bởi ban lãnh đạo Trung Quốc hiếm khi tiết lộ những góc khuất trong bộ máy hành chính một cách chi tiết đến thế, đặc biệt trong khi truyền thông nhà nước thường xuyên đăng tải những nội dung quan chức ca ngợi đường lối chính sách của ông Tập Cận Bình và cam kết sẽ thực thi đến cùng.

Bên cạnh thể hiện quyết tâm chống lại thái độ thờ ơ của giới chức và cảnh báo những người khác, phóng sự cũng hé lộ hiện tượng "chống đối thụ động" và bất đồng với nghị trình của ông Tập.

Không chỉ có Triệu Chính Vĩnh, truyền thông nhà nước trong vài tháng qua đã lên án các quan chức "hai mặt" khi bề ngoài tỏ ra phục tùng lãnh đạo nhưng bên trong lại phớt lờ, hoặc tồi tệ hơn là tìm cách phá hoại chỉ đạo của cấp trên.

Theo phóng sự, vào tháng 5/2014, ông Tập ban hành chỉ thị đầu tiên tới ban lãnh đạo tỉnh Thiểm Tây đề cập tình trạng xây dựng trái phép villa xa xỉ tràn lan ở vùng núi Tần Lĩnh phía Nam thành phố Tây An - khu vực có hệ sinh thái quý hiếm, bao gồm các giống thực vật và cả gấu trúc có nguy cơ tuyệt chủng.

Theo đúng quy trình, chỉ thị của ông Tập phải là ưu tiên số 1 để toàn bộ thành viên tỉnh ủy và chính quyền tỉnh "đánh giá, học tập", nhưng các lãnh đạo tỉnh chỉ giao cho cấp dưới xem xét vấn đề mà không thông báo tới các quan chức cấp cao khác. Hành động này được cho là chống đối quyền lực của ông Tập. Kết quả, một nhóm điều tra "vô hại" của tỉnh Thiểm Tây được lập ra để điều tra hiện tượng nói mà không làm này.

Hai tháng sau đó, tổ điều tra tỉnh báo cáo xác định được 202 cấu trúc bất hợp pháp phần lớn do... nông dân xây dựng, trong khi lờ đi hàng loạt công trình của các nhà phát triển bất động sản có câu kết với giới chức địa phương.

Tháng 10/2014, ông Tập Cận Bình ra chỉ thị thứ hai với Thiểm Tây, thúc giục tỉnh nỗ lực triệt để ngăn chặn việc phá hoại hệ sinh thái, nhưng chính quyền địa phương vẫn bám theo kết quả điều tra có được. Thậm chí, còn có nhiều đơn vị nhà đất hơn được cấp phép xây cất biệt thự xa hoa và đăng quảng cáo công khai trên truyền thông bản địa.

Như thể "xát muối vào vết thương", Bí thư và thị trưởng Tây An còn liên danh trong một bài viết trên báo cơ quan của tỉnh Thiểm Tây vào tháng 11/2014 để tung hô các biện pháp quyết liệt mà họ thực hiện để... xử lý việc xây dựng trái phép.

Tình trạng gian dối tiếp diễn đến tận tháng 7/2018, khi ông Tập buộc phải cử một tổ điều tra trung ương xuống tỉnh và nhanh chóng phát hiện 1.194 villa trái phép. Số công trình này đã bị dỡ bỏ để trả lại sinh thái xanh. Sau đó gần 1.000 quan chức tỉnh bị thẩm vấn và hàng trăm người bị điều tra.

Trung Nam Hải nổi giận: Tỉnh xếp xó chỉ thị của ông Tập, mặc sức vi phạm, đăng cả quảng cáo - Ảnh 3.

Cổng phía Nam của Trung Nam Hải - trụ sở cơ quan trung ương của đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh (Ảnh: Shutterstock)

Hồi năm 2017, các báo cáo cũng hé lộ giới chức hàng đầu tỉnh Cam Túc đã "bỏ qua" chỉ thị của ông Tập trong xử lý việc xây dựng các nhà máy ô nhiễm trong vùng sinh thái nhạy cảm. Vụ bê bối khiến cựu Bí thư tỉnh ủy Vương Tam Vận bị "ngã ngựa".

Theo SCMP, bê bối ở quan trường tỉnh Thiểm Tây cho thấy dù ông Tập đã tiến hành chống tham nhũng quyết liệt và quyền lực của trung ương được thực thi hiệu quả hơn, thì cuộc chiến cam go vẫn còn ở phía trước, khi bộ máy quan liêu Trung Quốc tại địa phương trong một thời kỳ dài đã rất "thành thạo" những biện pháp để xáo trộn những chỉ thị từ Bắc Kinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại