Các bước đi “hối hả” của chính quyền Trump
Tuy nhiên, một số nhà quan sát lo ngại, Tổng thống Donald Trump sẽ sử dụng các đặc quyền của ông để “trói tay” ông Biden trong các phương án ngoại giao và định hình triển vọng quốc tế của Mỹ trong nhiều tháng cũng như nhiều năm tới. Phát biểu với chương chính “Gặp gỡ báo chí” của NBS, cựu đô đốc Mỹ Michael Mullen nhận xét: “Trong vòng 50 đến 60 ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, một tổng thống sắp mãn nhiệm có thể làm được những điều mang tính xây dựng, nhưng họ cũng có thể làm những điều gây bất lợi”.
Cho đến khi ông Joe Biden chính thức nhậm chức vào ngày 20/1/2021, Donald Trump vẫn có quyền sử dụng mọi đặc quyền mà ông có trên cương vị tổng thống đương nhiệm để thúc đẩy các mục tiêu về chính sách mà chính quyền ông theo đuổi tại các khu vực như Iran, Afghanistan và Iraq. Chuyên gia Lindsay Cohn thuộc trường Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng: “Ông ấy có thể làm bất cứ điều gì trong giới hạn cho phép. Ông ấy vẫn là tổng thống và có tất cả các quyền hạn mà vị trí này mang lại”.
Theo giới quan sát, nhiều tổng thống Mỹ đã quyết tâm đẩy mạnh các chương trình nghị sự của họ mà không cần biết liệu những chương trình đó có được người kế nhiệm ủng hộ hay không. Nhưng các động thái của ông Trump thậm chí còn mạnh mẽ hơn.
Ông Trump từng cam kết sẽ tiếp tục duy trì chính sách gây sức ép tối đa với Iran, áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt mới đối với quốc gia này. Theo một số phương tiện truyền thông, Tổng thống Trump cũng đã tính đến việc theo đuổi các hành động quân sự, nhưng nhiều cố vấn trong chính quyền đã khuyên can ông nên từ bỏ phương án đó. Nếu cách tiếp cận của ông Trump khiến ông Biden gặp khó khăn trong việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran thì vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh thậm chí còn có nguy cơ làm tê liệt nỗ lực này.
Israel – quốc gia vốn bị nghi ngờ đứng sau nhiều vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân Iran trong một thập kỷ qua đã từ chối bình luận về vụ tấn công. Giống như đồng minh chủ chốt trong Nhà Trắng, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là người phản đối mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và ông từng gọi đó là một “thỏa thuận rất tồi tệ” trong một bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ hồi cùng năm.
Nhiều nhân vật trong đội ngũ phụ trách chính sách đối ngoại của chính quyền ông Trump đang rơi vào trạng thái bấp bênh, đặc biệt sau khi Tổng thống Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và cài cắm hàng loạt nhân vật trung thành vào các vị trí cấp cao tại Lầu Năm Góc.
Trong vấn đề Trung Quốc, ông Trump vẫn duy trì chính sách cứng rắn và theo đuổi lập trường tách rời hai nước thông qua việc cấm người Mỹ đầu tư vào các công ty Trung Quốc có liên hệ với quân đội nước này. Tổng thống đắc cử Joe Biden cũng cam kết sẽ cứng rắn với Trung Quốc nhưng ông tuyên bố sẽ thực hiện các hành động thông qua sự hợp tác với đồng minh.
Tổng thống Trump hiện giờ đang theo đuổi kế hoạch rút 2.500 binh sỹ ra khỏi Iraq và Afghanistan chỉ vài ngày trước lễ nhậm chức của ông Biden. Joe Biden cho biết ông sẽ không phản đối kế hoạch này miễn là chính quyền ông Trump đưa ra được phương án ngăn chặn sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng một khi Mỹ rút quân hoàn toàn. Tuy vậy, nhiều chuyên gia lo ngại, động thái này có thể gây bất ổn hơn cho khu vực Trung Đông và làm đổ vỡ thỏa thuận hòa bình mong manh giữa Mỹ với Taliban.
Một số đồng minh thân cận của ông Trump cũng chỉ trích quyết định rút quân khỏi Iraq và Afghanistan. Thượng nghị sĩ bang Kentucky Mitch McConnell - lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ nói rằng, quyết định này sẽ làm tổn thương các đồng minh và làm hài lòng các đối thủ của Mỹ.
Gây khó khăn cho chính quyền kế nhiệm
Theo các nhà phân tích, khi lên nắm quyền ông Biden sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức lớn, một phần do chính phủ tiền nhiệm theo đuổi các mục tiêu khác biệt so với chính quyền mới và một phần là do sự chậm trễ trong quá trình chuyển giao quyền lực. Phải đến tuần trước, Tổng thống đắc cử mới nhận được những báo cáo về tình hình an ninh quốc gia, sau quyết định muộn màng của chính quyền Donald Trump đồng ý để ông tiếp cận với cơ quan tình báo cấp cao nhất của Mỹ.
Dù ông Biden khẳng định chính quyền Tổng thống Donald Trump hỗ trợ chuyển giao quyền lực một cách “chân thành” nhưng việc ông Trump liên tục tuyên bố ông là người chiến thắng và tiếp tục thực hiện các nỗ lực pháp lý để thách thức kết quả bầu cử đã khiến các chuyên gia lo ngại.
“Đây rõ ràng là một mối quan tâm lớn ”, Peter Trubowitz, giáo sư quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế London nhận xét. Ông nhấn mạnh “Thông thường, sẽ có một số cuộc trao đổi giữa chính phủ sắp mãn nhiệm và chính phủ kế nhiệm để chính phủ mới nắm bắt được thông tin và những công việc mà họ cần phải thực hiện. Đó không phải là điều mà chúng ta chứng kiến ở thời điểm hiện tại".
Nhiều ý kiến cho rằng, Mỹ có thể đối mặt với một số nguy cơ, không chỉ đến từ bên trong Nhà Trắng mà còn đến từ các đối thủ của nước này - những người muốn tận dụng cơ hội nhân lúc Washington “xao lãng sự chú ý”. Chẳng hạn, Triều Tiên có thể nhân cơ hội để phóng một tên lửa mới hoặc tiến hành một vụ thử hạt nhân. Trung Quốc có thể thách thức quyết tâm của Mỹ bằng cách gia tăng sức ép quân sự và kinh tế đối với đặc khu hành chính Đài Loan.
Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyên gia đều lo lắng về giai đoạn cuối nhiệm kỳ của ông Trump. “Đôi khi tôi cảm thấy mình là người duy nhất có thể nhớ được các sự kiện lâu hơn 4 năm,” Salvatore Baodas, chuyên gia về xã hội học chính trị tại Đại học Sydney ở Australia nói. Ông lập luận rằng, không cần phải xem xét quá lâu để tìm một tổng thống Mỹ- người đã thúc đẩy một loạt các hành động vào phút cuối nhằm củng cố di sản của họ và cản trở người kế nhiệm.
Trong những tuần cuối cùng của nhiệm kỳ, Tổng thống Barack Obama đã bãi bỏ chính sách trao quyền cư trú kéo dài hàng thập kỷ dành cho người nhập cư từ Cuba, công bố lệnh trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của Syria với cáo buộc tiến hành các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, tăng cường tuyển dụng nhân sự cho các cơ quan liên bang và giảm án tù cho binh nhì Chelsea Manning – người phạm tội tiết lộ các tài liệu mật cho WikiLeaks.
“Tôi cho rằng việc các tổng thống sắp mãn nhiệm cố gắng giải quyết nốt những công việc còn dang dở, cài cắm nhân vật trung thành trong các cơ quan chính phủ hay ban hành lệnh ân xá là điều khá bình thường. Đối với chính quyền ông Trump có sự khác biệt về phong cách nhưng về bản chất cũng giống như vậy”, chuyên gia Salvatore Baodas nói./.