Trump rút Mỹ khỏi TPP: Có thật Bắc Kinh là "kẻ thắng cuộc"?

Hải Võ |

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 23/1 đã ký lệnh yêu cầu chính thức chấm dứt sự tham gia của Mỹ vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

TPP được cựu Tổng thống Barack Obama định vị vai trò nền tảng trong chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương", nhằm củng cố vị thế lãnh đạo của Mỹ trong khu vực. Trung Quốc, quốc gia đứng ngoài quy chế thương mại này, coi TPP là biện pháp kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại châu Á.

Trên thực tế sắc lệnh của Trump chỉ mang tính tượng trưng bởi TPP chưa hề được Quốc hội Mỹ thông qua, nhưng truyền thông và giới quan sát vẫn mô tả Trung Quốc như "người thắng cuộc lớn nhất", trong khi Mỹ bị cho là tự làm suy yếu vai trò trong trật tự thương mại toàn cầu.

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) nhận định, ông Trump đã tạo ra khoảng trống quyền lực về chính trị và kinh tế mà Trung Quốc sẵn sàng lấp đầy. Trung Quốc đang quảng bá mạnh mẽ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) như một sự thay thế tối ưu cho TPP.

Song song với RCEP là sáng kiến "Một vành đai, một con đường" (OBOR) mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng năm 2013. Ông Tập cùng hàng chục nguyên thủ quốc tế sẽ tụ hội tại Bắc Kinh vào tháng 5 tới để thảo luận chương trình mở rộng trao đổi thương mại và đầu tư.

Tuy nhiên, bất chấp viễn cảnh xán lạn được vẽ ra cho Trung Quốc, các học giả nước này vẫn thận trọng và kiến nghị chính phủ Trung Quốc không nên vui mừng quá sớm trước việc Mỹ rút khỏi TPP.

Lâm Lợi Dân, chuyên gia phân tích chiến lược tại Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Tung Quốc (CICIR), gọi động thái của Nhà Trắng cho thấy "sự tan rã của chuỗi các nước châu Á do Mỹ đứng đầu nhằm kiềm chế Trung Quốc", nhưng không có nghĩa là tầm ảnh hưởng khu vực của Bắc Kinh sẽ gia tăng nhanh hơn.

Theo ông Lâm, nhiều nước châu Á vẫn sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng.

"Ngay cả khi không có TPP, nhiều nước vẫn sẽ giữ khoảng cách với Trung Quốc và không bao giờ 'đặt hết trứng vào một rổ'," Lâm Lợi Dân nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).

Trump rút Mỹ khỏi TPP: Có thật Bắc Kinh là kẻ thắng cuộc? - Ảnh 1.

Ông Trump ký lệnh rút Mỹ khỏi TPP hôm 23/1. (Ảnh: Reuters)

TPP vẫn còn cơ hội

Không lâu sau tuyên bố của Trump, một đối tác của Mỹ và cũng là thành viên TPP là Australia khẳng định vẫn cam kết gắn bó và thúc đẩy hiệp định này. Canberra đồng thời để ngỏ khả năng mời Trung Quốc gia nhập TPP.

Một thành viên khác của TPP là Chile cũng nói rằng nước này có kế hoạch tìm các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Nhật Bản một trong những nước ủng hộ TPP dưới sự dẫn dắt của Mỹ, nói Tokyo sẽ tiếp tục nhấn mạnh thông điệp về tầm quan trọng chiến lược-kinh tế của hiệp định đối với Mỹ. Bộ trưởng thương mại Nhật Hiroshige Seko ngày 24/1 cho biết việc Mỹ tham gia TPP là rất quan trọng.

Trung Quốc nên học hỏi từ TPP

Các nhà phân tích Trung Quốc kêu gọi chính phủ học hỏi từ TPP, từ những quy tắc thương mại nghiêm ngặt của nó để cải thiện những quy tắc và điều khoản thỏa thuận thương mại của chính mình.

Phó chủ tịch Hội nghiên cứu Tổ chức thương mại thế giới (CWTO) thuộc Bộ thương mại Trung Quốc, ông Hoắc Kiến Quốc đánh giá: "Trung Quốc nên có các sáng kiến để tận dụng nhanh chóng, sâu rộng sự mở đầu mới này nhằm bắt kịp các quy chuẩn cao hơn và sẵn sàng cho môi trường cạnh tranh quốc tế."

"Trung Quốc không nên vui mừng quá (vì Mỹ rút khỏi TPP) hoặc cảm thấy giảm bớt được sức ép. Vẫn còn mối lo ngại rằng Mỹ sẽ có một 'phiên bản dự phòng' của TPP, bởi vì nhiều thành viên trong chính quyền Trump vẫn hứng thú (với một hiệp định thương mại khu vực)."

Trump rút Mỹ khỏi TPP: Có thật Bắc Kinh là kẻ thắng cuộc? - Ảnh 2.

Các học giả Trung Quốc cảnh báo dù không tham gia TPP, chính quyền Trump vẫn có các biện pháp khác tác động tiêu cực đến Trung Quốc (Ảnh minh họa: Internet)

Chính sách mới của Trump có thể còn "nguy hiểm" với Bắc Kinh hơn TPP

Theo SCMP, cho đến nay sáng kiến OBOR vẫn được xem là sức mạnh cạnh tranh của Trung Quốc trước TPP. Nhưng học giả Lâm Lợi Dân cho rằng sáng kiến này còn nhiều hạn chế và chưa đủ "tầm" để đối trọng TPP.

"Nhiều quốc gia mà Trung Quốc đang đầu tư vào, như Pakistan, phải đối diện các rủi ro về an ninh và các nước này không phải sự lựa chọn tốt để Bắc Kinh rót quá nhiều tiền," ông Lâm nói.

Châu Thế Kiệm, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện quan hệ quốc tế, Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc cho rằng thời gian 1-2 năm tiếp theo là thời cơ hoàn hảo để Trung Quốc tăng tốc lộ trình RCEP.

"Trung Quốc cần nắm lấy cơ hội sẽ không kéo dài quá lâu này, trước khi Trump kịp nhận ra sai lầm vì từ bỏ TPP," ông Châu nói.

RCEP có sự tham gia của 10 thành viên ASEAN và 6 nước có các thỏa thuận tự do thương mại với khối này, gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Ông Châu kỳ vọng một thỏa thuận sơ bộ có thể đạt được vào cuối năm 2017.

Vương Nghĩa Nguy, Viện trưởng Viện quan hệ quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc, cảnh báo rằng dù Mỹ rút khỏi TPP, các chính sách theo chủ nghĩa bảo hộ của chính quyền Trump thậm chí có thể tác động tiêu cực hơn lên Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại