Phát biểu tại cuộc họp báo ở Sochi, ông Vladmir Putin bác bỏ các báo cáo nói rằng ông Donald Trump đã để lộ thông tin tình báo bí mật về vấn đề an ninh cho các quan chức ngoại giao Nga.
Tổng thống Nga gọi cáo buộc của truyền thông Mỹ là "chứng tâm thần phân liệt chính trị".
Putin tuyên bố "nếu chính quyền Mỹ thấy cần thiết, chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho Thượng viện và Hạ viện Mỹ băng ghi âm cuộc đối thoại giữa ông Trump với ông Lavrov".
Ông cũng chỉ trích người Mỹ "đang khuấy động cục diện chính trị trong nước dưới chiêu bài chống Nga".
"Hoặc là họ không hiểu rằng họ đang làm tổn hại chính đất nước mình - nghĩa là họ rất ngu ngốc, hoặc họ có hiểu - tức là họ nguy hiểm và dơ bẩn," Putin nói.
Theo CNN, động thái can thiệp mới nhất của Tổng thống Putin trong vụ lùm xùm "lộ mật cho Nga" có thể không giúp được Trump, mà còn khiến Nhà Trắng hứng chịu nhiều sức ép hơn nhằm buộc họ công khai toàn bộ ký lục cuộc gặp Trump-Lavrov "phiên bản Mỹ".
Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ đã yêu cầu những quan chức Mỹ tham gia cuộc gặp trên báo cáo về những nội dung được trao đổi trong Phòng Bầu dục ngày hôm đó.
Chủ tịch Ủy ban đảng Cộng hòa tại Hạ viện, nữ nghị sĩ Cathy McMorris Rodgers cho biết Nhà Trắng cần trả lời các nghi vấn được đặt ra, còn cựu Giám đốc FBI James Comey, người bị Trump sa thải hôm 9/5, cần phải ra làm chứng "sớm nhất có thể".
Theo báo New York Times, ông Comey đã viết một bản ghi nhớ mô tả cuộc gặp với Trump, trong đó Tổng thống yêu cầu ông ngừng cuộc điều tra nghi án cựu Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn "liên hệ với Nga". CNN sau đó đã xác nhận chi tiết về bản ghi nhớ này.
Các thành viên đảng Cộng hòa đã đồng loạt lên tiếng đòi Comey đưa ra mọi bằng chứng mà ông có.
Chủ tịch Ủy ban giám sát Hạ viện Jason Chaffetz viết trên Twitter hôm 16/5: "Ủy ban giám sát của đảng Cộng hòa sẽ thu thập các bản ghi nhớ của Comey, nếu chúng có tồn tại."
CNN bình luận, không giống như các vụ lùm xùm trước đây của Trump, lần này các thành viên đảng Cộng hòa, từ các nhân vật cấp cao trở xuống, đều muốn nhận được câu trả lời rõ ràng, trước khi họ bác bỏ các cáo buộc nhằm vào Tổng thống.
Ông Trump (trái) và ông Lavrov tại Nhà Trắng (Ảnh: BNG Nga)
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, một đảng viên Cộng hòa, nói ông sẽ đi theo các thông tin thực tế về các bản ghi nhớ của Comey, "cho dù nó có đưa đến đâu". Ông thêm rằng sẽ không đưa ra phán xét ngay, và cho rằng có một số người muốn "làm tổn hại" Tổng thống Trump.
Nghi vấn lộ mật là bê bối mới nhất của chính quyền Trump có liên quan đến Nga. Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ với Ngoại trưởng Lavrov và Đại sứ Nga Sergei Kislyak diễn ra chỉ 1 ngày sau khi ông Trump sa thải Giám đốc FBI James Comey - người đang chỉ đạo cuộc điều tra về mối liên hệ giữa các thành viên trong chiến dịch tranh cử của Trump với Nga.
CNN cho hay, ông Trump thừa nhận trên Twitter rằng đã chia sẻ các thông tin an ninh về chủ nghĩa khủng bố và an toàn bay với người Nga, nhưng khẳng định mình "có toàn quyền" làm như vậy, trong khi Nhà Trắng không xác nhận hay bác bỏ các thông tin mà Trump chia sẻ có phải là tin mật hay không.
Washington Post là tờ báo đầu tiên đưa tin về vụ việc vào hôm thứ Hai (15/5), nói rằng Trump đã mô tả chi tiết cho Lavrov và Kislyak về cách IS muốn lợi dụng máy tính xách tay để mang bom lên máy bay.
Tờ báo dẫn nguồn tin từ một quan chức chính phủ Mỹ, tiết lộ ông Trump đã nói "Tôi nhận được tin tình báo rất tốt, tôi có nhiều người báo cáo các thông tin tình báo rất tốt mỗi ngày", ngay trước khi ông để lộ thông tin cho người Nga.
Ban đầu Nhà Trắng bác bỏ các cáo buộc, nhưng sau đó lại lập luận rằng việc Tổng thống thảo luận thông tin như trên với Nga là "hoàn toàn phù hợp".