Câu chuyện bị chôn vùi
Giữa đêm khuya, Friedrich Trump rời khỏi căn nhà ở Kallstadt (Bavaria), một thị trấn nhỏ chỉ có vài vườn nho và 1 nhà thờ giáo hội Luther để tới một thành phố cảng ở miền Bắc nước Đức, nơi được mệnh danh là "cửa ngõ dẫn tới Mỹ".
Vài ngày sau, 7/10/1885, chàng trai Friedrich 16 tuổi mua vé hạng bét lên tàu S.S. Eider, bắt đầu cuộc đời phiêu lưu qua đủ thứ nghề, từ thợ cắt tóc, chủ nhà hàng, chủ quán rượu, chủ khách sạn, thợ đào vàng, cho tới nhà đầu tư bất động sản New York.
Đó là câu chuyện nhập cư mà gia đình
nào cũng có quyền tự hào. Nhưng suốt hàng thập kỷ, nhà Trump lại không nhắc tới câu chuyện này.
Con trai Fred của Friedrich Trump đến tuổi trưởng thành vào thời điểm giữa 2 cuộc Thế chiến, khi người Đức ở Mỹ bị kỳ thị. Lúc ấy, Fred còn đang môi giới bất động sản cho giới trung lưu Do Thái đang đổ về các trang trại cũ ở trung tâm Brooklyn và Queens.
Trong cuộc vận động tranh cử của mình, Donald Trump, con trai của Fred thi thoảng lại công kích cộng đồng Do Thái. Thế nhưng suốt nhiều năm, nhà Trump đã phải tránh động chạm tới các khách hàng người Do Thái bằng cách giấu nhẹm gốc gác Đức của mình.
Cứ có ai hỏi, họ lại nhận mình là người Thụy Điển.
John Walter, anh họ của Donald Trump.
John Walter, anh họ của Donald Trump, người ghi chép lịch sử gia tộc cho biết: "Ông ấy (Fred Trump) đã nghĩ, làm sao bán được nhà nếu khách mua toàn là người Do Thái".
Và một khi đã dựng lên vỏ bọc "người Thụy Điển", họ không thể dừng lại.
"Sau chiến tranh, ông ấy (Fred) vẫn (nhận) là người Thụy Điển", ông Walter nói, "Chuyện cứ thế tiếp diễn".
Âm thầm làm người Thụy Điển
Ngay cả người thích làm màu như Donald Trump cũng băn khoăn liệu việc này có cần thiết không. Theo Walter, khi viết cuốn "Nghệ thuật Đàm phán" vào giữa thập niên 80, Trump đã hỏi cha mình rằng, "Có nhất thiết phải đưa câu chuyện Thụy Điển vào không?"
Trong cuốn sách này, Trump viết rằng, câu chuyện của cha ông ta giống như một truyện kinh điển của Horatio Alger, và ông nội thì rời Thụy Điển tới Mỹ từ khi còn bé.
(Horatio Alger là nhà văn Mỹ nổi tiếng hồi thế kỷ 19 với những câu chuyện về thanh niên nghèo, gia cảnh khiêm tốn nhưng biết nỗ lực vươn lên và rồi trở thành tầng lớp trung lưu sung túc trong xã hội Mỹ).
Donald Trump từng được hỏi về sự mâu thuẫn trong câu chuyện, nhưng ông ta lúc nhận, lúc không. Trong một cuộc phỏng vấn, ban đầu, ông ta tỏ ra không hay biết về việc cha mình giả vờ là người Thụy Điển: "Thật ư? Tôi đâu biết".
Về sau, Trump lại thừa nhận ông ta và cha mình từng tính cách che giấu thông tin này vì cha ông không muốn động tới bạn bè người Do Thái.
"Thời đó rất khó khăn", Trump nói, "Chiến tranh đang xảy ra, ta đang đối đầu với người Đức".
Lịch sử gia đình Trump được ông Walter kể lại trong một cuộc phỏng vấn và cũng là chủ đề của "Gia tộc Trump: Ba đời thợ xây và một ứng viên tổng thống," cuốn tiểu sử được Gwenda Blair chắp bút. Nói lên niềm hi vọng, cũng như sự khổ cực của dân nhập cư, cuốn sách trở thành công cụ để gây lợi thế của nhiều chính trị gia.
Mặc dù ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ là điểm mấu chốt trong chiến dịch tranh cử của Trump, ông ta vẫn thường lên tiếng ủng hộ nhập cư hợp pháp. Có rất nhiều người di cư xuất hiện trong cuộc đời ông ta.
Mẹ ông Mary Anne Trump rời đảo Lewis (Scotland) vào năm 18 tuổi, và 2 trong số 3 bà vợ của ông cũng sinh ra tại nước ngoài.
Có vẻ nhập cư vào Mỹ là con đường duy nhất mà ông nội người Đức của Donald Trump có thể chọn lựa. Năm 1904, Friedrich đưa người vợ đang mang bầu về quê hương nhưng giới chức Đức không chịu cấp lại quyền công dân cho ông ta vì họ coi sự vắng mặt của ông này là nỗ lực trốn quân dịch.
Từ trái qua (danh xưng theo quan hệ với Donald Trump): Cha Fred Trump, ông nội Friedrich Trump, cô Elizabeth Trump, bà nội Elizabeth Christ và chú John George Trump.
Năm 1905, Friedrich quay lại Mỹ. Và từ đó, nhà Trump âm thầm trở thành... người Thụy Điển.
Walter kể, ông vẫn thường trò chuyện với người em họ về cuộc đời của ông nội.
"Tôi đã nói với Donald rằng, nếu ông Friedrich được cấp lại quyền công dân thì giờ chúng tôi chẳng thể có mặt ở đây (Mỹ)".