Sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, trong thông điệp đầu năm mới ngày 1/1, tuyên bố việc chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (có tầm bắn sang đến Mỹ) sắp vào giai đoạn thử nghiệm, tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 2/1 đã lên Twitter tuyên bố "Điều đó sẽ không xảy ra".
Trong vòng 40 phút sau đó, ông Trump lại đăng một "tweet" nữa, ý nói Trung Quốc chưa làm tròn vai trong việc giúp kiềm chế Bình Nhưỡng:
"Trung Quốc đã làm lợi lớn từ thương mại một chiều với Mỹ [Mỹ thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc – PV], nhưng lại chẳng giúp gì trong vấn đề Triều Tiên. Thật là tử tế!"
Các nhà phân tích cho rằng Trump đã tự dồn mình vào chân tường trong vấn đề Triều Tiên bằng cách phát ngôn như vậy trên Twitter, và Trump sẽ cần cách tiếp cận mới nếu ông thực sự muốn Kim Jong Un ngừng việc phát triển các tên lửa mang vũ khí hạt nhân có tầm bắn xa tới nước Mỹ. Theo họ, Trump có 4 lựa chọn.
1 - Hiệp đồng với Trung Quốc
Từ khi thắng cử, ít nhất hai lần Trump đã tỏ ý rằng Trung Quốc – nước hỗ trợ về kinh tế và là đồng minh thật sự duy nhất của Triều Tiên – đã không làm hết sức trong việc kiềm chế Kim Jong Un.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc thực ra không có một "cây đũa thần" và cũng không muốn làm như vậy [kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên]. Thậm chí, thực tế là hiện Trung Quốc đang ngày càng khó gây ảnh hưởng tới "anh hàng xóm bướng bỉnh" của mình.
Ông Tong Zhao, một giáo sư tại Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua đóng tại Bắc Kinh, cho biết sự liên hệ giữa các lãnh đạo cấp cao của hai nước Triều Tiên – Trung Quốc đã bị ngưng trệ một thời gian.
"Trung Quốc đang thất vọng bởi sự bất lực của mình trong việc gây áp lực lên Bình Nhưỡng", ông Tong Zhao nói.
Trump đổ lỗi cho Trung Quốc không tích cực trong việc kiềm chế Triều Tiên. (Ảnh: Getty)
Trump có thể thử và bắt ép Trung Quốc hợp tác với mình trong vấn đề Triều Tiên, bằng cách gây ra một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, hoặc đối đầu Trung Quốc trong các vấn đề như Đài Loan hay Biển Đông. Tuy nhiên, những cách làm đó sẽ gây ra các "phản ứng tiêu cực lớn".
Giáo sư John Delury, người nghiên cứu Trung Quốc lâu năm tại ĐH Yonsei ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) thì cho rằng:
"Từ góc độ mối quan hệ Mỹ - Trung, việc Mỹ theo đuổi Trung Quốc để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Triều Tiên là việc làm lãng phí tiền của và sức lực, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ có thể tiếp cận lãnh đạo Triều Tiên một cách trực tiếp và từ đó có thể khiến Trung Quốc làm gì đó khác với Bình Nhưỡng".
2 -Tăng cường các lệnh trừng phạt
Theo ông Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Á của Mỹ, Trump có thể thúc ép Trung Quốc tăng cường và thực hiện các lệnh trừng phạt (đang thực thi) với Bình Nhưỡng gay gắt hơn.
Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy các biện pháp trừng phạt có ảnh hưởng gì tới các quyết sách của Triều Tiên.
"Việc đó [trừng phạt Bình Nhưỡng] chỉ làm cho Mỹ và các đồng minh trông có vẻ bận rộn, trong khi đó thì Triều Tiên đã chế tạo được tên lửa đạn đạo xuyên lục địa", Lewis nói.
Giáo sư Tong Zhao thì cho rằng, các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn có thể gây ra nguy cơ lãnh đạo Kim Jong Un sẽ hành động liều lĩnh hơn. Ông Kim Jong Un không phải là người dễ bị lung lay:
"Tôi không nhìn thấy cách để khiến Triều Tiên nhượng bộ. Họ luôn coi hạt nhân là vũ khí răn đe tuyệt đối quan trọng đối với sự tồn tại của đất nước. Chỉ khi họ đã có vũ khí hạt nhân trong tay, họ mới bắt đầu dành các nguồn lực cho phát triển kinh tế!"
Ông Kim Jong Un trao đổi các nhà khoa học, kỹ thuật viên nghiên cứu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. (Ảnh: KCNA/Reuters)
3- Hành động quân sự
Cho tới nay, người ta vẫn tranh cãi về tiềm lực quân sự của Triều Tiên và khả năng nước này thực sự có những tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân vào tháng 1 và tháng 9/2016. Đó là những vụ thử mạnh nhất từ trước tới nay. Nước này cũng đã thử nghiệm một loạt các loại tên lửa mới, cả trên biển và đất liền.
Tuy Triều Tiên chưa phát triển thành công một hệ thống tên lửa vượt ra ngoài châu Á, nhưng việc họ vẫn là quốc gia duy nhất trên thế giới tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong thế kỷ 21 cho thấy: Bất cứ hành động quân sự nào chống lại chính quyền của ông Kim Jong Un cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao ở mức "không thể tưởng tưởng".
Hàn Quốc chính là mục tiêu dễ bị tổn thương nhất nếu Bình Nhưỡng có hành động quân sự với kho vũ khí phong phú mà mình đang sở hữu.
"Hành động quân sự với Triều Tiên không phải là lựa chọn khả thi. Mỹ có vẻ hơi thiếu phương tiện để thể hiện sự cứng rắn với quốc gia này. Triều Tiên chẳng có nhà ngoại giao nào để trục xuất", giáo sư Delury từ Seoul nói.
"Rất khó để tìm ra cách trừng phạt Triều Tiên vì họ gần như chẳng có gì để mất. Đó là điểm khác biệt giữa Triều Tiên và Iran – nước có nền kinh tế gắn chặt với châu Âu’.
4 -Đàm phán với Kim Jong Un
Trong chiến dịch tranh cử, vào tháng 6/2016, Trump đã nói rằng ông sẽ rất vui vẻ đón tiếp lãnh đạo Kim Jong Un như một vị khách vì "có gì sai trái khi ta nói chuyện với nhau?"
Đó dường như là một phát ngôn được đánh giá "hơi quá" và Trump chưa từng nhắc lại. Tuy nhiên cả giáo sư Zhao và giáo sư Delury đều cho rằng sự "gắn kết" [thông qua đối thoại] là lựa chọn duy nhất nếu Trump muốn có tiến triển nào trong vấn đề Triều Tiên.
"Tôi thực sự nghĩ rằng đó là con đường để tiến về phía trước. Đó quả là phát ngôn xuất thần của Trump. Bản năng của ông ấy đã đúng", Delury nói.
Nhà phân tích cũng nhấn mạnh, một cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un – quả là khó tưởng tượng nhưng Trump có khả năng làm được điều đó.
"Tôi có thể tưởng tượng được cảnh Trump ở Bình Nhưỡng theo cách mà bà Clinton không thể có được", Delury nói.
Giáo sư Zhao nhận xét, Triều Tiên đã khá kiềm chế và không có hành động khiêu khích nào từ tháng 10/2016, họ có vẻ sẵn sàng hợp tác với chính quyền của ông Trump. Trump có tiềm năng trở thành "Tổng thống Mỹ đầu tiên ngăn cản được khả năng Triều Tiên tấn công nước Mỹ bằng vũ khí hạt nhân".
"Một bước ngoặt lớn chỉ có thể đạt được nếu hai nhà lãnh đạo [Mỹ và Triều Tiên] thực sự đối thoại được với nhau", giáo sư Zhao đánh giá.