[TRỰC TUYẾN] Chuyên gia, doanh nhân Mỹ, Việt giải mã hiện tượng Donald Trump

Ban Quốc tế |

Hàng loạt chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nhân Mỹ và Việt Nam cùng tham gia giải mã Hiện tượng Donald Trump.

LTS: Cuộc bầu cử ngày 8/11 với kết quả cuối cùng là chiến thắng áp đảo của ông Donald Trump trước bà Hillary Clinton đã khiến thế giới sững sờ. The Guardian gọi đây là "cơn địa chấn". The Time, Wall Street Journal và hàng loạt báo Mỹ ví sự kiện này như việc người Anh bất ngờ đồng thuận rời EU. Trước đó, đại đa số các khảo sát của các nguồn uy tín đều nhận định bà Clinton thắng cử dễ dàng.

Ở Việt Nam, ngỡ ngàng, khó hiểu cũng là tâm lý chung của độc giả, những người quan sát cuộc bầu cử từ xa qua báo chí.

Chúng tôi đã nhận được khá nhiều chia sẻ, thắc mắc của bạn đọc: Vì sao ông Trump có thể lội ngược dòng ngoạn mục? Liệu ông Trump lên làm Tổng thống thì những viễn cảnh đáng sợ mà chính báo chính Mỹ vạch ra trước đây có trở thành hiện thực? Nước Mỹ liệu có thay đổi hoàn toàn chính sách với châu Á - Thái Bình Dương, gây bất lợi cho các nước trong khu vực?...

Nhận thấy nhu cầu thông tin rất lớn của độc giả, chúng tôi đã kết nối nhanh với hàng loạt chuyên gia, doanh nhân người Mỹ và người Việt Nam trong và ngoài nước, đặc biệt là những người đang sống và làm việc tại Mỹ, hiểu và cảm nhận được không khí của cuộc bầu cử. Cuộc trao đổi trực tuyến dưới đây, với phần câu hỏi do chính độc giả gửi đến cho chúng tôi, sẽ giúp giải mã phần nào Hiện tượng Donald Trump.

Tham gia trực tuyến có các chuyên gia:

[TRỰC TUYẾN] Chuyên gia, doanh nhân Mỹ, Việt giải mã hiện tượng Donald Trump - Ảnh 1.

Kính mời quý độc giả đón xem nội dung cuộc trực tuyến sẽ được cập nhật ngay dưới đây.

VÌ SAO DONALD TRUMP THẮNG CỬ?

Độc giả Trịnh Minh Hoàng, Hà Nội: Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao người Mỹ lại chọn Trump? Các cuộc tranh luận trực tiếp, ông Trump đều bị đánh giá thấp hơn. Các cuộc thăm dò trước bầu cử đều cho thấy đa sốngười Mỹ chọn bà Clinton. 370 nhà kinh tế Mỹ ký tên vào một lá thư chỉ trích Trump, cho rằng ông này vớ vẩn, chẳng biết gì về các vấn đề kinh tế. Nhưng cuối cùng ông ấy vẫn thắng lớn.

GS. Trần Cao Sơn: Tôi cho rằng Trump có sự tính toán chính xác và cụ thể là cần bao nhiêu phiếu và ở đâu là đủ.

Ông ta, chính xác là những người cộng sự của ông ta, đã tìm ra được giải pháp để có được đủ số phiếu cần thiết ở từng tiểu bang có nhiều sự do dự.

Ví dụ ở Pennsylvania, Clinton thắng áp đảo ở những nơi đôngdân nhưng lại thua thảm hại ở những vùng khác.

Có thể sự chủ quan của những người làm việc cho Clinton cũng góp phần không nhỏ trong thắng lợi của Trump.

[TRỰC TUYẾN] Chuyên gia, doanh nhân Mỹ, Việt giải mã hiện tượng Donald Trump - Ảnh 2.

Tác giả Hiệu Minh: Hai chữ THAY ĐỔI –CHANGE như thời Obama. Cử tri muốn sự thay đổi, chống lại chính quyền Washington bị cho rằng tham nhũng. Lựa chọn Hillary là tiếp tục Obama thêm một nhiệm kỳ.

Change đưa Obama của đảng Dân chủ vào Nhà Trắng thì Change lần này đưa Trump của đảng Cộng hòa vào ghế Tổng thống.

Dù chưa có vẻ chính trị gia chuyên nghiệp, nhưng cử tri Mỹ nhìn thấy Trump có sứcmạnh có thể thay đổi được hệ thống chính trị tại Washington bị đảng Dân chủ làm hỏng. Clintonexit là một term tôi nghĩ đến Brexit.

Có nhà thơ viết "Quanh quẩn mãi cũng chỉ vài ba dáng điệu//Tới hay lui cũng bằng ấy mặt người." Người Mỹ thích cái mới. Clinton phải ra đi.

Kinh tế: Kinhtế thời Obama đã tốt hơn nhiều, 5% thất nghiệp so với thời Bush con tới 15%. Tin việc làm, lương tăng trước ngày bầu cử là đòn đánh mạnh vào Clinton vì người Mỹ, kinh tế tốt rồi, nhưng sức mạnh toàn cầu yếu thì cử tri bầu cho Cộng hòa. Khi cần kinh tế họ bầu Dân chủ.

Thăm dò, dư luận. Thăm dò là một thông tin tham khảo. Cử tri Mỹ, nhất là miền Trung Mỹ theo Cộng hòa, sống trongmôi trường độc lập suy nghĩ, khó bị định hướng bởi các học giả, chính trị gia hay truyền thông nhộn nhạo câu view xen với quảng cáo.

Doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình: Chúng ta không phải lúc nào cũng hoàn toàn lựa chọn bằng lý trí. Ngay trong kinh doanh , trong khoa học kỹ thuật, từng có những sản phẩm, những doanh nghiệp thành công ngoài dự đoán, ngoài khuôn mẫu, và thậm chí lại trở thành những sản phẩm vô cùng thành công, và đôi khi cũng mang lại bi kịch.

Steve Jobs từngbị nhiều kỹ sư hoài nghi về iPhone, iPad…, hay Akio Morita từng bị hoài nghi về sản phẩm máy nghe nhạc Walkman vì những sản phẩm này nằm ngoài tính toán.

Độc giả Lê Sơn, Hà Nội: Lý do gì khiến ông/bà tin vào việc Donald Trump sẽ dành thắng lợi trong khi rất nhiều người khác tin rằng cơ hội đó là rất nhỏ?

Doanh nhân Đỗ Cao Bảo: Những điều Trump phát biểu trong quá trình tranh cử tôi không đánh giá cao.

Xét về tình cảm, tôi dành sự ưu ái hơn cho bà Clinton, không có những phát ngôn và hành động gây sốc như Trump.

Nhưng về lý trí, tôi tin Trump sẽ thắng cử. Lý do là nhiều năm trước tôi đọc rất nhiều sách về Trump. Tôi nhận thấy ông là một người tài năng xuất chúng về kinh doanh và truyền thông.

Những câu chuyện về Trump cũng rất hay, và không thiếu tính nhân văn. Điển hình là Trump từng được một công ty mời đi diễn thuyết. Các diễn giả khác chỉ yêu cầu trả vài nghìn USD, riêng ông này đòi tới 1 triệu USD. Nhà tổ chức ban đầu không định tiếp tục hợp tác với Trump, nhưng sau khi suy tính, họ đánh cược mời ông nói 1 lần.

Không ngờ, chương trình lại có lãi. Đơn vị tổ chức quyết định mời Trump đi diễn thuyết tại nhiều bang khác, lôi kéo tới 50.000 - 60.000 người nghe tại mỗi điểm. Số tiền trả cho diễn thuyết gia Donald Trump khi ấy cũng nâng từ 1 triệu USD lên 1,5 triệu USD.

Sau vụ hợp tác, Trump nói với nhà tổ chức rằng số tiền mà họ trả cho ông vẫn còn nguyên, chưa hề tiêu đến. Thực ra, trước đây ông đòi lấy số tiền cao chỉ là để dạy họ cách kinh doanh và cách làm ăn lớn, còn bây giờ ông mang tiền đó đi làm từ thiện.

[TRỰC TUYẾN] Chuyên gia, doanh nhân Mỹ, Việt giải mã hiện tượng Donald Trump - Ảnh 3.

Nếu so sánh hình ảnh của Trump trên truyền thông trước và sau cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, ai cũng thấy có những điểm mâu thuẫn và trái ngược lớn. Trump trước và sau trong mắt tôi cũng thế.

Vì Trump vốn là ông vua truyền thông, nên tôi đặt câu hỏi phải chăng đây chỉ là một động tác, chiêu trò của vị tỷ phú này mà thôi?

Trump hiểu rõ cử tri Mỹ cần gì, nên ông nói đúng điều họ mong đợi được nghe.Ông nhắm tới nhóm cử tri người nghèo, người da đen vốn có lá phiếu bình đẳng như những nhóm cử tri khác, tuyên bố và cam kết với họ chuyện tạo ra việc làm, mang lại nhiều lợi ích cho người Mỹ.

Độc giả Nguyễn Thành, Hải Phòng: Ông/bà có cho rằng, chính sự hiện diện của Tổng thống Obama như một cộng sự đắc lực trong quá trình vận động tranh cử lại là điểm yếu, làm giảm tín nhiệm của người dân Mỹ với bà Clinton?

GS. Trần Cao Sơn: Không đâu. Nếu không có Obama, có lẽ Clinton sẽ thua nặng hơn nữa.

Tác giả Hiệu Minh: Có ảnh hưởng vì người muốn thay đổi không thích "Obama thứ 3" trong Nhà Trắng. Những bang đã là Cộng hòa sẽ không bị Obama thuyết phục vì họ bầu cho bất kỳ ứng viên nào của đảng. Lần bầu cử này chưa thấy bang Cộng hòa nào đổi màu. Những cử tri muốn thay đổi và chưa quyết bầu cho ai có thể thấy hiện tượng Obama "ngứa mắt".

Độc giả Ngô Lâm, Hà Nội: Hillary Clinton thua có phải thể hiện vai trò của nhóm cử tri ủng hộ bà (phụ nữ, người nhập cư) ở Mỹ yếu thế hơn ? Có phải người Mỹ không muốn 1 người phụ nữ 70 đã già, yếu lên nắm quyền?

Doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình: Chắc chắn một tỷ lệ cao người Mỹ muốn những nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Người Mỹ thực dụng hơn người Việt, ít yêu chuộng và ủng hộ nữ quyền như chúng ta. Người Mỹ tôn trọng phụ nữ, tôn trọng người già và trẻ em nhưng không có nghĩa họ chọn những người họ e ngại về khả năng lãnh đạo. Trong khi người Việt dễ mang cảm tính hơn.

Độc giả Nguyễn Huy, Hà Nội: Đa số các cuộc thăm dò dư luận và các hãng truyền thông lớn tại Mỹ dự đoán chiến thắng, thậm chí là chiến thắng cách biệt cho Hillary Clinton. Với kết quả là thắng lợi cho Trump, rất nhiều người đang tỏ ra ngờ vực trước những cái gọi là "dự đoán" này. Ông nghĩ sao về điều này?

GS.TS Edward Arke: Khi nhìn vào các con số thăm dò dư luận, rất nhiều người bỏ qua khái niệm gọi là "biên độ sai số" (margin of error). Khi thăm dò ý kiến của một nhóm dân cư, các nhà toán học cho rằng đây là một việc thuộc phạm trù khoa học, nhưng thực chất là "khoa học" trong ngoặc kép.

Nếu một nhóm lớn cử tri bị bỏ qua khi thăm dò dư luận diễn ra thì sao? Hay liệu có phải lúc nào người dân cũng trả lời đúng quan điểm của mình trong phiếu thăm dò? Đây đều là những câu hỏi phải cân nhắc khi nhận định về các con số thăm dò dư luận.

Tôi cho rằng người theo dõi bầu cử nói chung thường quá tập trung vào các con số thăm dò dư luận, họ chỉ muốn biết ai đang thắng, ai đang thua ở ngay lúc đó. Nhưng rốt cục thì cuộc "thăm dò dư luận" duy nhất có giá trị là đêm bầu cử.

Đa phần các cuộc thăm dò dư luận chỉ được thực hiện trên một nhóm vài nghìn người, như vậy thôi đã có sai số rồi. Vậy thử tưởng tượng xem khi hơn 100 triệu người bỏ phiếu thì sẽ thế nào - rõ ràng là biên độ sai số sẽ rất lớn, và đương nhiên sẽ có bất ngờ.

[TRỰC TUYẾN] Chuyên gia, doanh nhân Mỹ, Việt giải mã hiện tượng Donald Trump - Ảnh 4.

Chuyên gia Christopher Markley: Thăm dò dư luận ngày nay đã phát triển hơn nhiều so với trong quá khứ. Bản thân tôi không hề nghi ngờ độ tin cậy hay trung thực của các trung tâm thăm dò dư luận hay các hãng truyền thông.

Nhưng đôi khi đêm bầu cử lại có những diễn biến đi ngược lại hoàn toàn với dữ liệu được các trung tâm thăm dò dư luận và hãng truyền thông thu thập trước đó. Điều này cũng tương tự như việc dự báo thời tiết đôi khi trái ngược hoàn toàn với những gì xảy ra, bởi các nhà khí tượng học không thể lường trước được những thay đổi vi mô trong toàn cảnh những dữ liệu vĩ mô mà họ thu thập được.

Ngoài ra, các trung tâm thăm dò dư luận không chỉ dựa trên các phân tích khách quan, mang tính khoa học từ dữ liệu, mà còn dựa trên cả phản ứng con người nữa, mà yếu tố này thì không bao giờ chắc chắn được cả.

[TRỰC TUYẾN] Chuyên gia, doanh nhân Mỹ, Việt giải mã hiện tượng Donald Trump - Ảnh 5.

Dự đoán của hầu hết người Việt sai, có phải chúng ta chưa hiểu hết người Mỹ?

Tác giả Hiệu Minh: Muốn hiểu Mỹ phải sống ở Mỹ mới biết về bầu cử Mỹ cũng như muốn hiểu Việt Nam phải đến Hà Nội hay Sài Gòn, ăn phở và uống chè chén vỉa hè. 

Người Mỹ thua trận tại Việt Nam do không hiểu hết lịch sử, văn hóa, truyền thống của người Việt "dám đánh tới cùng". 

Người Mỹ đánh trận dựa trên các số liệu thống kê, thấy thiệt hại là họ dừng. Người Việt hiểu điều đó nên đã nhằm vào điểm yếu "thống kê" của các nhà quân sự và chính trị Hoa Kỳ để đánh trận.

Nhưng thời toàn cầu hóa đã khác. Do internet và mạng xã hội, nên thông tin từ nước Mỹ đến nhiều hơn, người Việt biết nhiều hơn về cựu thù bên kia đại dương.

Ủng hộ hay phản đối ai bị giới truyền thông dắt mũi, thông tin sai lệch một chiều rất nguy hiểm. Một lúc nào đó, có kẻ dùng chiêu đó để làm loạn xã hội.

Người Việt "bầu" tổng thống Hoa Kỳ theo ý muốn của người Việt mà không biết rằng cử tri Mỹ không lựa chọn lãnh đạo như thế. Quyền lợi khu vực của họ tại nơi họ sống, công ăn việc làm, quyết định chọn ai, chọn đảng nào, không nghĩ quá xa đến thế giới.

Người Việt cần học cách đánh giá độc lập mà không cần ai định hướng để tránh cái sai chung.

Doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình: Người Việt lựa chọn theo cảm tính và truyền thông nhiều hơn người Mỹ, vốn thực dụng, thực tế và trải nghiệm qua nhiều phong cách lãnh đạo nên ít vồ vập, ít mơ mộng hơn. 

Ngay cả Obama cực kỳ được hâm mộ ở Việt Nam nhưng cũng thắng Mitt Rommney theo cách không dễ dàng chút nào.

SAU BẦU CỬ: TRUMP, NƯỚC MỸ VÀ THẾ GIỚI SẼ RA SAO?

Độc giả Trần Hiệp, Hà Nội: Ông/bà nhận định ông Trump sẽ làm gì sau khi ngồi vào ghế Tổng thống Mỹ ?

Nhà ngoại giao Ngô Quang Xuân: Những phát biểu khi biết mình đã trúng cử cho thấy ông Trump đã tương đối cẩn trọng hơn trong lời ăn tiếng nói. Những nội dung ông đề cập tới cho thấy một mặt ông sẽ cố gắng thực hiện nhưng điều đã hứa với cử tri trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, mặt khác ông sẽ tiếp tục nhưng chính sách ưu tiên truyền thống của nền chính trị Mỹ.

Tổng thống nào cũng hành động như vậy. Đặc biệt đối với ông Trump, người chỉ làm kinh doanh mà chưa tham gia chính trường, việc phải nắm lại các hồ sơ trong các lĩnh vực chính trị an ninh và đối ngoại sẽ là việc bắt buộc và sẽ phải cần thời gian.

Doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình: Về cơ bản, Trump sẽ làm những gì đúng như ông ta đã tuyên bố.

Độc giả Mạnh Quân, Hà Nội: Ông có tin Trump sẽ làm được cho nước Mỹ "Vĩ đại trở lại" (Great Again) như slogan tranh cử không?

Nhà ngoại giao Ngô Quang Xuân: Nói thì dễ nhưng làm mới là khó. Người dân Mỹ sẽ kỳ vọng vị Tổng thống mới của mình sẽ là con người của hành động.

Doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình: Không, tôi không tin.

Độc giả Xuân Hải, Huế: Trump đã theo đuổi một chiến dịch tranh cử dựa trên hình ảnh đi ngược lại với các chính trị gia truyền thống, liệu điều này có khiến chính sách của Mỹ thay đổi theo hướng "phi truyền thống" không?

Doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình: Đìều này khiến cho giới chính trị gia chuyên nghiệp của Mỹ phải tự đánh giá lại mình.

Lãnh đạo của cả 2 đảng phái Mỹ phải tự xem xét và điều chỉnh lại chính sách và hành vi của mình nếu tiếp tục muốn thắng lợi ở kỳ tiếp theo. Thành công của Trump chứng tỏ ông ta được người dân Mỹ ủng hộ, và lãnh đạo đảng Cộng hòa cần điều chỉnh lại suy nghĩ của họ.

Và bất kể thế nào, hai đảng sẽ trở nên "gần dân hơn", câu nói nổi tiếng của Thomas Jefferson "Chính quyền do dân, vì dân, của dân" lại một lần nữa sẽ được nhắc lại và trở thành nguyên lý vận hành của nền chính trị Mỹ: Điều chỉnh theo ý nguyện của người dân. Trump đã làm được điều mà nhiều ứng cử viên độc lập khác như Perrot không làm được.

[TRỰC TUYẾN] Chuyên gia, doanh nhân Mỹ, Việt giải mã hiện tượng Donald Trump - Ảnh 6.

Độc giả Nguyen Hoang, Mỹ: Trump là doanh nhân nên có thể việc điều hành sẽ nghiêng về phía kinh tế. Nhưng phản ứng của các thị trường khá tiêu cực khi Trump đắc cử. Điều này sẽ chấm dứt nhanh và trở về quỹ đạo vốn có chứ?

Doanh nhân Đỗ Cao Bảo: Đúng là trước thềm bầu cử, những phát ngôn của Trump khiến giới đầu tư lo ngại rằng khi đắc cử, ông sẽ thay đổi rất nhiều chính sách của Mỹ, gây cảm giác thế giới bất ổn. Cổ phiếu vì thế sẽ giảm giá.

Nhưng tôi tin rằng khi thành Tổng thống, ông Trump sẽ không thực hiện tất cả những lời ông từng phát biểu bởi những lời nói khi đó chỉ là vì lá phiếu, ví như chuyện ông tuyên bố sẽ bỏ tù bà Hillary.

Chuyện đó sẽ không xảy ra, nên nhiều chuyện khác, có lẽ, cũng sẽ không xảy ra.

Thực tế, con người thật của ông Trump không giống như con người trong những bài phát biểu trước đám đông ủng hộ. Việc tranh cử là để lấy lòng các nhóm cử tri, còn khi làm thật thì tôi tin rằng có những điều Trump sẽ không thực hiện.

Độc giả Mai Nguyên, Vương quốc Anh: Với việc Tổng thống, Thượng viện và Hạ viện đều nằm trong tay đảng Cộng hòa, ông/bà nhận xét gì về định hướng chính sách cũng như khả năng thực thi các chính sách của nước Mỹ trong nhiệm kỳ tới?

Nhà ngoại giao Ngô Quang Xuân: Hiến pháp Hoa Kỳ tương đối cân bằng quyền lực giữa Chính quyền (Tổng thống) và Quốc hội lưỡng viện (gồm cả Thượng viện và Hạ viện).

Nhiệm kỳ tới cả ba lực lượng này đều thuộc phe đảng Cộng hòa nên người ta sẽ nhìn thấy dễ có sự đồng thuận trong định hướng cũng như thực thi chính sách hơn.

Tuy nhiên, lực lượng phe Dân chủ cũng còn rất mạnh nên không phải không có sức cản đối với ông Trump và lưỡng viện.

[TRỰC TUYẾN] Chuyên gia, doanh nhân Mỹ, Việt giải mã hiện tượng Donald Trump - Ảnh 7.

Độc giả Linh Nguyễn, Hà Nội: Liệu nội bộ nước Mỹ phân hóa rõ ràng trong cuộc bầu cử thế này có ảnh hưởng mạnh đến những chính sách của Trump? Khi tranh cử, Trump tuyên bố sẽ ra khỏi các hiệp định thương mại tự do. Theo ông/bà, sau khi đắc cử, vấn đề này sẽ được ông ta xử lý thế nào?Trump sẽ làm gì những người nhập cư? Liệu có vấn đề gì với người Việt nhập cư?

Doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình: Chắc chắn sẽ ảnh hưởng. Trump có thể sẽ mềm dẻo hơn, áp dụng một số quan điểm, chính sách của Hillary chứ khó lòng cực đoan như từng tuyên bố.

Trump sẽ làm đúng như ông ta tuyên bố, không ủng hộ các hiệp định thương mại tự do. Nhưng thể chế Mỹ đủ vững chắc và an toàn (hoặc có thể là quá bảo thủ) để không dễ dàng cho một người tự do làm theo ý họ nếu nó có thể mang lại rủi ro quá lớn.

Hiến pháp Mỹ cho phép và có những quy định để đảm bảo Quốc hội Mỹ có thể cân bằng quyền lực với Tổng thống và bác bỏ những quyết định quá cực đoan của Trump.

Tổng tống Donald Trump không phải có đủ quyền thực thi những gì ông ta mong muốn với toàn nước Mỹ như toàn quyền với Trump Organization của ông ta.

Ông ta sẽ làm đúng những gì ông ta nói, kiểm soát chặt chẽ hơn và bắt hồi hương những người nhập cư bất hợp pháp. Điều này đúng với mọi người nhập cư bất hợp pháp trong đó có người Việt, nhưng số người Việt nhập cư vào Mỹ theo đường này không nhiều, và nhìn chung cũng không có ảnh hưởng gì nghiêm trọng, vì tôi nghĩ đa phần người Mỹ ủng hộ.

GS. Trần Cao Sơn: Trump sẽ chưa làm ngay được. Ông ta sẽ xem cái [hiệp định thương mại] nào có lợi (có thể không phải cho nước Mỹ mà cho một tập đoàn nào theo ông ta) thì sẽ giữ và cái nào hại thì sẽ bỏ.

Sau khi ông Trump thắng thế, nhiều người Việt đổ đi mua vàng thay vì ngoại tệ. Tại sao như vậy, và làm vậy có đúng không ?

Tác giả Hiệu Minh: Người Việt Nam có thói quen hành động theo tin đồn, hỏi han nhau rồi quyết theo bạn bè. Từ tìm thuốc chữa bệnh, tìm trường cho con đến chơi chứng khoán hay đầu tư bất động sản.

Tin Trump thắng cử làm thất vọng người Việt. Vì sợ Mỹ thay đổi quan hệ với Việt Nam làm cho kinh tế chao đảo, tích trữ vàng và ngoại tệ là cách tốt nhất. 

Thị trường chứng khoán thế giới còn bị ảnh hưởng thì Việt Nam không nằm ngoài sự biến động đó. Người Việt cần học cách hành động độc lập, có lý trí và tự chịu trách nhiệm với hành động của mình.  

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI

Độc giả Võ Quân, Hà Nội: Khi ông Trump lên làm tổng thống Mỹ, quan hệ song phương với Việt Nam có thể diễn biến theo chiều hướng nào? Việt Nam có nên hy vọng về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nữa không?

Tác giả Hiệu Minh: Nếu Mỹ coi TPP là đòn bao vây Trung Quốc trong trò chơi địa chính trị thì TPP vẫn có tương lai và quốc gia nào quan trọng trong dây chuyền xuyên Thái Bình Dương sẽ được Trump và đảng Cộng hòa để ý.

Quan hệ song phương phụ thuộc vào sự thay đổi của cả hai phía về tầm nhìn đối ngoại, địa chính trị và đối nội cũng là một yếu tố không thể không tính đến.

[TRỰC TUYẾN] Chuyên gia, doanh nhân Mỹ, Việt giải mã hiện tượng Donald Trump - Ảnh 8.

Chuyên gia Nguyễn Anh Tuấn: Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã có nền tảng vững chắc, và Tổng thống Mỹ nào cũng đi theo đường ray đã định, chỉ có mức độ đậm nhạt khác nhau.

Nhân tố quan trọng nhất cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ chính là nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ. Các nhà lãnh đạo Mỹ, các học giả Mỹ, người dân Mỹ trân trọng những nét đẹp của dân tộc được người dân ViệtNam thể hiện hôm nay: Nhân ái, bao dung, nghĩa hiệp, chân tình và thân thiện.

Do đó tôi tin rằng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ tiếp tục phát triển tốt đẹp trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.

Chúng ta đều ý thức được Mỹ là nguồn lợi,nguồn lực quan trọng cho Việt Nam về sáng tạo công nghệ, tài chính, thị trường, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, là nguồn lực quan trọng để Việt Nam viếtnên câu chuyện thần kỳ phát triển đất nước trong thế kỷ 21. Chính Trung Quốc có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế hôm nay cũng là nhờ vào sự hợp tác với Mỹ.

Vấn đề quan hệ Việt-Mỹ không chỉ từ phía Mỹ mà còn phụ thuộc vào phía Việt Nam. Trong quan hệ đặc biệt này, Việt Nam cũng cần chủ động, thể hiện tâm thế mới, chủ động chỉ ra những lợi ích mà phía Mỹ có được khi hợp tác với Việt Nam, đây là quan hệ win - win, không ai cho ai và không ai xin ai.

Ngoài ra, nếu Tổng thống Donald Trump có những chiến lược kinh tế, chiến lược quan hệ quốc tế mới thì Việt Nam cần chủ động tạo ra những vận hội mới từ sự thay đổi này, trong biến chuyểnsẽ tạo ra những thay đổi, người thông minh, bản lĩnh sẽ nhìn thấy cơ hội cho tổ quốc, cho dân tộc, kể cả trong khó khăn, thách thức cũng sẽ có vận hội đi kèm.

Những bài học nước nhỏ nhưng nhờ tài trí, xác định tâm thế đúng, bản lĩnh, sáng tạo đã tạo ra vị thế quan trọng cho quốc gia của họ như Thụy Sỹ ở châu Âu, hay Singapore ở châu Á.

[TRỰC TUYẾN] Chuyên gia, doanh nhân Mỹ, Việt giải mã hiện tượng Donald Trump - Ảnh 9.

Việt Nam chúng ta có rất nhiều điều kiện, nhiều lợi thế để vượt lên trong nhiệm kỳ tổng thống mới của Mỹ.

Để mở ra những vận hội mới, chuyển những khó khăn, thách thức thành vận hội, chúng ta cần tạo ra một sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, có niềm tin trong chính chúng ta. Lãnh đạo thực sự đoàn kết, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của Tổ Quốc và Dân Tộc, lãnh đạo thực sự tin tưởng và dựa vào nhân dân, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo, mọi năng lực trong nhân dân , nhân dân tin tưởng vào lãnh đạo, vào bộ máy quản lý, điều hành đất nước, người Việt Nam tin và thương yêu nhau…

Nếu làm được điều đó thì chắcchắn Việt Nam sẽ viết nên câu chuyện thần kỳ phát triển đất nước, đó chính là sức mạnh để Việt Nam có tâm thế tốt trong quan hệ với mọi nước lớn, trong đó có quan hệ Việt-Mỹ.

Doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình: Nói chung, Việt Nam chưa phải mối bận tâm của Trump, có thể đến 2018 gì đó Trump mới để ý đến Việt Nam và chúng ta chưa có ảnh hưởng gì nhiều, sẽ chưa có thay đổi gì nhiều trong quan hệ song phương hai nước.

GS. Trần Cao Sơn: Tổng thống nào cũng phải đặt quyền lợi của đất nước họ lên trên hết. Nên tìm ra cách làm việc với họ khi cả hai bên tôn trọng nhau. Chỉ có khi đó các hợp tác mới trở nên bền vững.

GS. William Frasure: Nếu nói ở thời điểm hiện tại, thì với việc Donald Trump trở thành Tổng thống, TPP gần như chắc chắn sẽ "chết". 

Nhưng nên nhớ rằng trong chiến dịch tranh cử của mình, Trump đã nhiều lần nói rằng ông muốn đàm phán ra "những thỏa thuận tuyệt vời" (great deals). Với những điều khoản hiện tại, TPP trong mắt Trump không phải một "thỏa thuận tuyệt vời".

[TRỰC TUYẾN] Chuyên gia, doanh nhân Mỹ, Việt giải mã hiện tượng Donald Trump - Ảnh 10.

Điều tôi hi vọng là các nước thành viên trong TPP sẽ không vì điều này mà đồng loạt rút khỏi hiệp định, đặc biệt tôi kì vọng vào Việt Nam. Trong số các nước thành viên đàm phán TPP, Việt Nam là nước có tỉ lệ người dân ủng hộ hiệp định này cao nhất, và cũng là nước có lợi lớn nhất nếu hiệp định được thông qua. 

Việt Nam lúc này cần sớm có kế hoạch tiếp cận không chỉ Tổng thống mới đắc cử, mà cả ở các tầng lớp chính trị, kinh tế, trí thức,... 

Trump muốn đàm phán ra một "thỏa thuận tuyệt vời", vậy thì phản ứng của Việt Nam sẽ là "OK, vậy thì cùng nhau tạo ra cái 'thỏa thuận tuyệt vời' đó thôi. Các ông cần phía Việt Nam chúng tôi làm gì?" 

Tôi hi vọng đây sẽ là những gì sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Độc giả Hương Nguyễn, Hà Nội: Rất nhiều học sinh sinh viên Việt Nam cũng như phụ huynh của họ đang tỏ ra khá lo lắng với việc Donald Trump đắc cử Tổng thống. Ông có lời khuyên nào cho họ không?

GS.TS Mark Ashwill: Lời khuyên của tôi là đừng lo và cũng đừng sợ. Kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống lần này, dù là một trong những cuộc bầu cử tệ nhất trong lịch sử - với hai ứng viên rất không được lòng dân, song nó sẽ không ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn một triệu sinh viên nước ngoài đang học tập tại Mỹ.

Các vị phụ huynh cũng như các em học sinh sinh viên đang học tập tại Mỹ cần nhớ rằng, người Mỹ vẫn sẽ chào đón các em đến với các trường học tại Mỹ, và đến với các cộng đồng người Mỹ. Giáo viên, đội ngũ hỗ trợ và nhân viên trường học vẫn sẽ có trách nhiệm chăm sóc cho các em học sinh sinh viên Việt Nam cũng như các nước khác, dù Tổng thống của họ có là ai.

[TRỰC TUYẾN] Chuyên gia, doanh nhân Mỹ, Việt giải mã hiện tượng Donald Trump - Ảnh 11.

Với các vị phụ huynh và các em học sinh sinh viên Việt Nam đang có ý định du học tại Mỹ, đừng để kết quả cuộc bầu cử lần này ảnh hưởng tới giấc mơ du học Mỹ của các em.

Mỹ có một trong những hệ thống giáo dục đại học tốt nhất thế giới, và cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống trường học cũng không có gì thay đổi khi Tổng thống Trump lên nắm quyền. Đólà bởi vì đặc trưng hệ thống giáo dục ở Mỹ phân cấp theo từng khu vực chứ không phụ thuộc vào chính phủ liên bang.

Có người nói, Trump lên làm tổng thống sẽ giống với tiên tri của bà Vanga, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc số 1 của thế kỷ 21, và ông Trump góp phần kết thúc thời của người Mỹ, ông nghĩ sao?

Doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình:  Không, tôi hoàn toàn không tin như vậy. Như đã nói, thể chế và hiến pháp Mỹ đủ tốt để có thể loại bỏ vị Tổng thống có thể phương hại đến lợi ích quốc gia, và xa hơn nữa, một quốc gia trở nên hùng mạnh hay không không phụ thuộc vào một cá nhân. 

Có thể Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào Tập Cận Bình song nước Mỹ thì không phụ thuộc vào Trump. Tôi vẫn tin trong nhiều thập niên tới, nước Mỹ vẫn tiếp tục là siêu cường duy nhất của thế giới!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại