Trong ngày lên đường dự Asiad, U23 Việt Nam nhận thông điệp “kỳ cục” từ báo châu Á

Tiểu Mã |

Có vẻ như lời khuyên mà FOX Sports Asia vừa đưa ra cho U23 Việt Nam đang đúng với Thái Lan thay vì với thầy trò HLV Park Hang-seo.

Quan điểm "lạ" của tờ báo châu Á

Tờ FOX Sports Asia vừa đăng tải một bài viết của tác giả người Australia Scott McIntyre cho rằng U23 Việt Nam cần hướng tới Asiad để tạo môi trường phát triển cho các cầu thủ trẻ thay vì tìm kiếm những chiến thắng.

Tác giả Scott McIntyre lấy ví dụ rằng Nhật Bản chỉ cử đội U21 dự Asiad. Đây là dụng ý để HLV Hajime Moriyasu phát triển lứa cầu thủ trẻ nhằm mục tiêu Olympic 2020 trên sân nhà.

Ngược lại, Hồng Kông (Trung Quốc) lại gọi cả 3 cầu thủ trên 33 tuổi, trong đó có tiền đạo 37 tuổi Jordi Torres. Đội chủ nhà Indonesia cũng sẽ sử dụng tiền đạo 37 tuổi Alberto 'Beto' Goncalves…

Với một số quốc gia khác, do không đặt nặng mục tiêu tiến sâu ở một đấu trường được coi là "hạng 2" nên họ chỉ sử dụng toàn bộ các cầu thủ thuộc lứa U23 hoặc trẻ hơn như Saudi Arabia, Thái Lan, Trung Quốc, Iran. Về cơ bản, các đội tuyển hoàn toàn có thể chọn cách tiếp cận Asiad bằng cách tạo môi trường phát triển cho lứa cầu thủ trẻ hay vì tìm kiếm danh hiệu.

Trong ngày lên đường dự Asiad, U23 Việt Nam nhận thông điệp “kỳ cục” từ báo châu Á - Ảnh 1.

Bài viết trên tờ FOX Sports Asia cho rằng U23 Việt Nam cần coi Asiad là cơ hội để phát triển cho các cầu thủ trẻ thay vì hướng tới thành tích.

Như Nhật Bản, họ có thể hài lòng nếu chỉ lọt vào bán kết. Sẽ không có cuộc diễu hành đường phố nào qua Tokyo nếu họ thắng, và cũng chẳng có chuyện CĐV đốt trụ sở của LĐBĐ Nhật Bản (JFA) nếu họ thất bại. Thay vì theo đuổi một mục tiêu ngắn hạn, điều họ cần là sự ổn định trong một mục tiêu dài hơi.

Còn với với Việt Nam, cây bút Scott McIntyre cho rằng, thay vì nghĩ tới danh hiệu thì điều quan trọng nhất là chúng ta cần tận dụng Asiad để nuôi dưỡng và phát triển thế hệ cầu thủ trẻ tài năng.

Giải Asiad là cơ hội để các cầu thủ, đặc biệt là các ngôi sao tấn công của Việt Nam lọt vào mắt xanh của các tuyển trạch viên, từ đó tìm kiếm cơ hội để ra nước ngoài thi đấu ở những môi trường chuyên nghiệp hơn. Đây là điều chưa xảy ra dù nhiều ngôi sao của Việt Nam đã gây địa chấn ở giải U23 châu Á.

Nếu quá đặt thành tích, U23 Việt Nam có thể áp dụng những chiến thuật phòng ngự tiêu cực và điều đó làm giảm đi cơ hội tỏa sáng của các ngôi sao tấn công, vô hình chung làm hẹp đi cơ hội để họ tìm kiếm bến đỗ mới ở nước ngoài.

Liệu có phù hợp với U23 Việt Nam?

Có vẻ như quan điểm mà cây bút Scott McIntyre vừa đưa ra là tương đối "lệch lạc" so với toan tính và tham vọng của thầy trò HLV Park Hang-seo khi lên đường sang Indonesia.

Sau chiến tích ở giải U23 châu Á, đây là lúc Việt Nam dự Asiad không chỉ nhằm mục tiêu "cọ xát, tích lũy kinh nghiệm" cho các cầu thủ trẻ. Việc thầy Park chọn những nhân tố tốt nhất với 3 gương mặt trên 23 tuổi là động thái cho thấy chúng ta đang quyết tâm tiến sâu ở Á vận hội.

Với dàn lực lượng rất mạnh trong tay, tất nhiên thầy trò HLV Park Hang-seo có cơ sở để thi đấu sòng phẳng trước các đối thủ để hướng tới những kết quả khả quan. Khi mà những Xuân Trường, Công Phượng, Quang Hải dần bước vào độ chín của sự nghiệp, nếu đây không phải là thời điểm để U23 Việt Nam hướng tới chiến thắng ở đấu trường châu lục thì còn đợi đến khi nào?

Trong ngày lên đường dự Asiad, U23 Việt Nam nhận thông điệp “kỳ cục” từ báo châu Á - Ảnh 2.

Sau kỳ tích ở giải U23 châu Á, đây là lúc để Việt Nam khẳng định sự lớn mạnh của mình ở đấu trường châu lục bằng tham vọng tiến sâu ở Asiad.

Hơn nữa, thật khó để so sánh giữa Nhật Bản với Việt Nam. Nhật Bản là thế lực hàng đầu ở châu lục và còn là chủ nhà của kỳ Olympic 2020 nên việc họ chọn lứa U21 để dự Asiad 18 là điều dễ hiểu. Ngược lại với Việt Nam, Asiad là môi trường lý tưởng để chúng ta khẳng định sự phát triển của mình ở phạm vi châu lục.

Hơn nữa, quan điểm của cây bút Scott McIntyre cho rằng U23 Việt Nam có thể lựa chọn cách tiếp cận thực dụng, thậm chí tiêu cực để giành mục tiêu tiến sâu có thể làm giảm khả năng tỏa sáng của các ngôi sao tấn công, cũng chưa hẳn đã đúng với U23 Việt Nam.

Như ở giải U23 châu Á, không ít thời điểm U23 Việt Nam chủ động chơi phòng ngự. Song, chính cách tiếp cận này lại là thứ chứng minh cho tài thao lược của HLV Park Hang-seo và giúp Việt Nam tạo cột mốc lịch sử. Cũng chính ở môi trường ấy, những ngôi sao tấn công như Quang Hải, Xuân Trường, Phan Văn Đức, hay cả Công Phượng đều tỏa sáng và gây dấu ấn đậm nét.

Có vẻ như quan điểm mà cây bút của FOX Sport Asia đang phù hợp với Thái Lan hơn khi người Thái muốn dùng lứa U21 để thử nghiệm ở đấu trường Á vận hội. Còn với Việt Nam, đây là thời cơ để HLV Park Hang-seo huy động sức mạnh tổng lực để giành kết quả tốt nhất trên đất Indonesia và chúng ta chẳng có lý do gì để không làm điều đó!

Cúp Tứ hùng 2018: U23 Việt Nam 1-1 U23 Uzbekistan

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại