1. Kém tròn 1 tháng hai năm về trước, khi quốc thiều Việt Nam được cử lên trên sân Mỹ Đình trong trận bán kết lượt về giữa Việt Nam và Indonesia ở AFF Cup 2016, người ta đã thấy những giọt nước mắt của Công Vinh. Và khi trận đấu kết thúc, trong trận đấu cuối cùng của mình ở ĐTQG, tràn trên khuôn mặt của tiền đạo người Nghệ An là những dòng nước mắt tuôn trào. Ngày ấy, bóng đá Việt Nam chia tay một huyền thoại.
Mười năm sau chức vô địch AFF Cup 2008 mà Công Vinh là người hùng đưa bóng đá Việt Nam đến với đỉnh cao duy nhất từng đạt được, những Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải... lại thêm lần nữa đi tìm lại đỉnh cao vinh quang của ngày ấy. Và giờ đây, rất nhiều người đã quên mất Công Vinh - huyền thoại xứng đáng của bóng đá Việt Nam.
Thực ra, ở một nền bóng đá khác, một nền văn hóa khác, Công Vinh hoàn toàn xứng đáng là hình ảnh đại diện cho giới cầu thủ - một nghề tử tế như mọi nghề khác. Nhưng tiếc cho Vinh, thất bại thảm thương của Hữu Thắng ở AFF Cup 2016 đã phủ bóng đen lên ngày chia tay của tiền đạo từng nằm trong top 10 cầu thủ ghi bàn cho ĐTQG vẫn còn thi đấu, cầu thủ nội từng có giá chuyển nhượng cao nhất Việt Nam này.
Công Vinh chắc hẳn không ngạc nhiên với điều ấy. Suốt 12 năm cống hiến cho ĐTQG, chưa bao giờ tiền đạo gốc Quỳnh Lưu này được đóng vai "nhân vật chính" trong lòng người hâm mộ, ngoại trừ thành công ở AFF Cup 2008 - chiến tích không ai phủ nhận nổi. Bởi đơn giản, trong một nền bóng đá "chưa được tử tế", Vinh là kẻ to gan dám làm một cầu thủ tử tế.
Hơn mười năm về trước, có ai như Công Vinh không? Lọt thỏm giữa giới cầu thủ trong mắt người hâm mộ chỉ biết ăn và chạy, ngày đá cho hay để được khen, nhưng tối phải rượu chè gái mú, có tiền rồi phải hút hít cờ bạc, ngoài 30 phải bệ rạc từ đá "phủi" đến bán độ, thậm chí vào tù, rồi gia đình ly tán... Công Vinh chẳng khác nào từ hành tinh khác rơi xuống.
Mới không lâu trước ngày hôm nay thôi, người hâm mộ Việt Nam không khỏi trầm trồ trước khả năng "bắn" tiếng Anh như gió của Xuân Trường. Rất nhiều năm về trước, Công Vinh làm điều đó mà chẳng cần bầu Đức phải cho đi học đại học, thuê thầy về dạy dỗ tử tế, bởi với Vinh, muốn "đi ra biển lớn", ngoại ngữ là ngưỡng cửa đầu tiên phải vượt.
Bàn thắng lịch sử của Lê Công Vinh tại AFF Cup 2008
Trận đấu đầu tiên của ĐTQG Việt Nam ở AFF Cup 2018 là với Lào, và đích nhắm năm nay của thầy trò HLV Park Hang-seo, cũng như người hâm mộ Việt Nam là chức vô địch. Thắng Lào ở trận khai màn là điều tất nhiên, nhưng ai sẽ là cây ghi bàn chủ lực của Việt Nam ở giải đấu này, đấy lại là một câu hỏi khó, mà có lẽ đến HLV Park Hang-seo cũng đang phải trăn trở tìm câu trả lời.
Suốt 12 năm sự nghiệp quốc tế của mình, Công Vinh chưa bao giờ khiến người hâm mộ phải đặt câu hỏi ấy, bởi anh chính là câu trả lời, những bàn thắng của tiền đạo người Nghệ An là câu trả lời.
2. Công Vinh sinh bất phùng thời, đấy là điều chắc chắn. Công Vinh chỉnh chu, nỗ lực và kín tiếng ở cái thời mà người ta cần những pha bóng mang đậm chất "thiên tài" của Văn Quyến, sự khôn ngoan đầy ấn tượng của Quốc Vượng, chất "quái kiệt" của Như Thành. Vinh ghi bàn, nhưng chẳng thể khiến cổ động viên phải ồ à, phải "say lòng" bởi những màn trình diễn đầy mãn nhãn.
Công Vinh sinh bất phùng thời, bởi ngày ấy, người hâm mộ Việt Nam chưa "đổi gu" trầm trồ trước những cầu thủ theo tiêu chuẩn của bầu Đức - vừa giỏi chuyên môn, vừa rạng ngời đạo đức. Người ta trầm trồ trước sự ngoan hiền của những cầu thủ HAGL như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... mà quên rằng ngày ấy, Công Vinh "ngoan" nào có kém, dẫu môi trường anh phải kinh quá khắc nghiệt hơn nhiều, nặng tính tranh đấu hơn nhiều.
Nền bóng đá "chưa được tử tế" ngày ấy mà Công Vinh từng kinh qua, giờ đã "tử tế" chưa? Có lẽ sự "tử tế" giờ đây đã được cải thiện hơn nhiều, nhưng để đạt đến nghĩa đen của từ ấy, có lẽ sẽ còn phải rất lâu nữa. Một nền bóng đá mà Quang Hải phải nhận những lời chửi bới thậm tệ chỉ bởi... đá trượt luân lưu, có thể nào là một nền bóng đá chuẩn "tử tế"?
Ở cả hai kỳ tích của bóng đá trẻ Việt Nam mới đây - chức Á quân U23 châu Á và thành công ở Asiad 2018, Quang Hải là ngôi sao góp công lớn, trong khi đó, Công Phượng là ngôi sao nhạt nhòa nhất trong chức Á quân châu Á của thầy trò HLV Park Hang-seo, và thậm chí còn không được ra sân ở trận đấu cuối quyết định chiếc huy chương Asiad của U23 Việt Nam. Điều gì tạo nên sự khác biệt ấy?
Ở CLB Hà Nội, liệu Quang Hải chắc chắn có được vị trí chính thức? Chưa chắc. Mỗi trận đấu ở V.League của CLB Hà Nội, Quang Hải đều phải nỗ lực hết mình để chứng minh năng lực, để cạnh tranh.
Còn Công Phượng, cũng như Xuân Trường, vị trí xuất phát ở HAGL là điều không cần phải bàn cãi, và dư âm để lại từ thời U19 đình đám khiến tiền đạo đồng hương của Công Vinh này luôn là ngôi sao lớn trong lòng người hâm mộ, với sự hỗ trợ cực kỳ hiệu quả của đội ngũ truyền thông xung quanh.
Trên hệ quy chiếu mang tên Công Vinh, sự khác biệt giữa Công Phượng và Quang Hải là cực kỳ rõ rệt. Những thứ làm nên một huyền thoại mang tên Công Vinh đang giúp Quang Hải khẳng định mình trên con đường chinh phục vinh quang, và sự nỗ lực, bản lĩnh ấy cũng là điều mà Công Phượng ngày càng thiếu, để rồi dần chìm trong vòng tay của bầu Đức, của cả HLV Park Hang-seo, và nhất là người hâm mộ.
Nên nhớ, ngày bằng tuổi Quang Hải, Công Vinh đã nắm trong tay hai Quả bóng Vàng của bóng đá Việt Nam, và ngày bằng tuổi Công Phượng, Công Vinh đã là tâm điểm trong vết son chói lọi duy nhất, huy hoàng nhất của bóng đá Việt Nam - chức vô địch AFF Cup.
Công Phượng chẳng còn trẻ, Quang Hải cũng đã bước qua ngưỡng 20 để trưởng thành. So với Công Vinh ngày xưa, chẳng còn sớm sủa gì để cả hai cầu thủ sáng giá này xác định cho mình con đường bước tiếp. Và con đường ấy, có lẽ nào sẽ rẽ làm đôi, và kỳ AFF Cup 2018 này sẽ là ngã rẽ lớn nhất, với cả hai?