Xã Quang Sơn nằm ở phía tây huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Xã Quang Sơn có diện tích đất tự nhiên là 1.431,68 ha, dân số năm 2020 là 6.217 người. Quốc lộ 1B kết nối giữa hai tỉnh Lạng Sơn và Thái Nguyên đi qua phần phía nam của xã.
Quang Sơn là xã miền núi. Địa hình phức tạp, hình thành bởi đồi núi đất xen lẫn núi đá, có hệ thống khe, suối nhỏ, xen lẫn là những khu dân cư và đất bằng sản xuất.
Về khí hậu, mùa đông ở đây lạnh ít mưa, mùa hè nắng ẩm mưa nhiều, xã Quang Sơn thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình năm 23,8 độ C. Nhiệt độ cao trung bình cao 35 - 37 độ C (tháng 6 - tháng 8), nhiệt độ cao nhất là 40 độ C vào tháng 7, thường kèm theo mưa to. Nhiệt độ trung bình thấp nhất của năm xuống dưới 10 độ C, thậm chí xuống dưới 8 độ C, có khi kèm theo sương muối.
Với địa hình phức tạp cùng khí hậu khắc nghiệt, Quang Sơn là một trong những xã khó khăn bậc nhất của huyện Đồng Hỷ.
Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, nhờ sự tích cực của tất cả các cấp chính quyền, kinh tế tại Quang Sơn đã dần được cải thiện, đời sống của người dân cũng bớt khó khăn.
Đời sống người dân Quang Sơn đã được cải thiện, có đường bê tông và cả lưới điện về xã.(Ảnh: Báo Thái Nguyên).
Cụ thể, những dãy núi đá vôi sừng sững, chiếm đa phần diện tích tự nhiên ở xã Quang Sơn gây không ít khó khăn cho việc trồng lúa, ngô cho người dân địa phương. Địa hình bị chia cắt khiến bà con không chủ động được nguồn nước tưới cho sản xuất, nên năng suất thấp trồng cây rất thấp.
Do địa hình phía Đông của xã Quang Sơn nằm giáp ranh với xã La Hiên (Võ Nhai) - vùng trồng na nổi tiếng của tỉnh, nên bà con các xóm quanh khu vực này như La Giang, Trung Sơn đã mạnh dạn đưa cây na về trồng trên đồng đất Quang Sơn.
Nhận được sự hỗ trợ của Đề án phát triển kinh tế - xã hội, 2 xóm La Giang và Trung Sơn được tiếp nhận nguồn hỗ trợ giống cây, phân bón và được tập huấn khoa học kỹ thuật, phát triển cây na thành một sản phẩm có thương hiệu và chất lượng không hề thua kém na La Hiên.
Theo thống kê của Thái Nguyên, toàn xã Quang Sơn đã có gần 50ha trồng na, trong đó, riêng xóm Trung Sơn có đến gần 20ha na. Những diện tích này trước kia trồng một vụ ngô/năm, thu nhập thấp, nay đã hình thành những vườn na xanh tốt bao phủ trên sườn núi, hốc đá.
Nhiều gia đình có diện tích trồng Na từ 2.000 - 5.000 m2. Quả na to, ngọt. Cây Na ở đây đã tạo được uy tín, thương lái đến tận nơi để thu mua nên ít phải đem đi chợ bán. Đến mùa thu hoạch, tư thương tìm lên tận xóm thu mua, giá na trung bình ở mức 20.000 - 25.000 đồng/kg, góp phần cải thiện đời sống cho nhân dân. Thậm chí, na đang trở thành loại cây thoát nghèo và làm giàu cho bà con nông dân nơi đây. Nhờ những cây na này mà nhiều hộ đã có tiền xây nhà, trang trải cuộc sống và có cuộc sống khấm khá hơn.
Điển hình như hộ gia đình ông Hứa Văn Phương trồng 8 - 9 sào na trên núi, mỗi năm cho thu nhập 120 - 150 triệu đồng. Nhờ trồng na, gia đình ông Phương có điều kiện xây nhà, mua sắm vật dụng phục vụ sinh hoạt gia đình...
Tính đến hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ở xã Quang Sơn đạt trên 40 triệu đồng/năm, tăng hơn 5 triệu đồng so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 7,1%; hệ thống điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân... Cách đây 10 năm, Trung Sơn có tỷ lệ hộ nghèo ở xóm vẫn là 100% thì đến nay toàn xóm có chỉ còn 4 hộ nghèo trên tổng số 110 hộ.