Kênh CNBC (Mỹ) dẫn nguồn thạo tin cho biết dựa theo nội dung báo cáo của tình báo Mỹ, Trung Quốc đang thử nghiệm súng điện từ trên chiến hạm có khả năng tấn công mục tiêu ở cách xa 200 km với vận tốc 2,5km/giây.
Do vậy, tình báo Mỹ so sánh vận tốc khai hỏa của súng điện từ này có thể tương đương với việc di chuyển từ Washington, D.C. tới bang Philadelphia trong 90 giây.
Súng điện từ hoạt động trên nguyên lý dựa vào năng lượng điện từ để phóng đạn với tốc độ Mach 7 (gấp 7 lần vận tốc âm thanh). Dòng điện sản sinh ra từ trường tạo lực phóng đầu đạn qua đường ray kép để thoát khỏi nòng súng.
Về lý thuyết, súng điện từ rẻ hơn tên lửa Tomahawk vốn có mức giá khoảng 1,4 triệu USD/quả. Tên lửa Tomahawk có phạm vi hoạt động rộng hơn nhưng thường gặp rủi ro bị bắn hạ hoặc mắc kẹt. Một chiến hạm có thể chở theo số lượng lớn đầu đạn của súng điện từ.
Nguồn tin giấu tên của CNBC còn tiết lộ Trung Quốc đã thử nghiệm súng điện từ từ năm 2014 và loại vũ khí này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2011. Trong khoảng thời gian 2 năm từ 2015-2017, Trung Quốc đã cải tiến để súng điện từ mở rộng tầm tấn công, gia tăng khả năng sát thương. Đến tháng 12/2017, Trung Quốc đạt thành công trong việc gắn súng điện từ vào tàu chiến và bắt đầu thử nghiệm trên biển.
Tạp chí The National Interest (Mỹ) cho biết tình báo Mỹ ước tính mỗi khẩu súng điện từ của Trung Quốc có giá vào khoảng 25.000-50.000 USD.
Kênh RT (Nga) cho biết vào ngày 31/1, một bức ảnh về tàu đổ bộ lớp 072 III Haiyangshan của Hải quân Trung Quốc đã được đăng trên trang web Navy Recognition. Nhiều nhà quan sát cho rằng vũ khí xuất hiện trong bức ảnh về tàu Haiyangshan có thể là súng điện từ.
Bức ảnh làm dấy lên nghi vấn Trung Quốc sở hữu súng điện từ. Nguồn: navyrecognition
Có ý kiến cho rằng Trung Quốc đầu tư công sức và tiền bạc để phát triển súng điện từ một phần vì thấy Mỹ cũng quan tâm đến loại vũ khí này.
Quân đội Mỹ cũng đã dành hơn một thập niên để nghiên cứu và sản xuất súng điện từ. Dự án chủ lực mang tên Mẫu thử súng Điện từ Hải quân Đổi mới được Cơ quan Nghiên cứu Hải quân Mỹ khởi động từ năm 2005. Mục đích của dự án này là tạo ra loại vũ khí có tốc độ 32 megajoule và phạm vi hoạt động 160 km.
Cơ quan Nghiên cứu Hải quân Mỹ đánh giá súng điện từ thực sự là “chiến binh” thay đổi cuộc chơi nhờ đặc tính phản ứng nhanh, phạm vi hoạt động rộng. Cơ quan Nghiên cứu Hải quân Mỹ còn nhận xét rằng những chiến hạm được trang bị súng điện từ sẽ được gia tăng phạm vi tấn công và tính sát thủ.
Tháng 3/2018, công ty quân sự General Atomics (Mỹ) tuyên bố đã được Lầu Năm Góc lựa chọn làm đối tác cho hợp đồng kéo dài 3 năm phát triển vũ khí điện từ. Đại diện của General Atomics chia sẻ:
“Súng điện từ nhận trọng trách phối hợp với các hệ thống vũ khí hiện hành của quân đội Mỹ, bổ sung năng lực tiêu chuẩn, chống máy bay, tên lửa hành trình, rocket của kẻ địch cũng như các mối đe dọa khác”.
Tuy nhiên, trong năm 2017, trang tin Task and Purpose của Mỹ cho rằng Hải quân quốc gia này đang giảm chi phí dành cho nghiên cứu súng điện từ để đầu tư cho các công nghệ khác như đạn siêu tốc và laser có thể phóng từ súng thông thường.
Ở thời điểm hiện tại vẫn có vấn đề vướng mắc cần giải quyết đối với súng điện từ. Do phải chống đỡ hiện tượng hao mòn khi phóng hỏa, súng điện từ nhiều nguy cơ có tuổi thọ ngắn. Một vấn đề khác là năng lượng.
Hệ thống súng điện từ cần nguồn năng lượng dồi dào để hoạt động nên hiện nay chỉ có tàu khu trục lớp Zumwalt to lớn của Mỹ với hệ thống năng lượng 78 megawatt mới đáp ứng được nhu cầu này.
Như vậy việc Trung Quốc tạo ra vũ khí điện từ lắp đặt trên tàu có thể là dấu hiệu cho thấy công nghệ quốc phòng của Bắc Kinh đang mạnh lên hoặc quốc gia này đã dành thêm nhiều kinh phí cho nghiên cứu súng điện từ.
https://baotintuc.vn/quan-su/trong-7-nam-toi-trung-quoc-co-the-so-huu-vu-khi-hai-quan-manh-nhat-the-gioi-20180707133800489.htm