Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Muốn giảm sự phụ thuộc vào USD nhưng rất cần USD
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo đồng cấp từ Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi thành lập New Development Bank - có trụ sở tại Thượng Hải, đã được 8 năm. Hiện tại, NDB gần như đã ngừng cung cấp các khoản vay mới và gặp khó khăn trong việc huy động vốn bằng USD để trả nợ.
NDB lại là ngân hàng nhỏ hơn so với Asian Infrastructure Investment Bank (AIIB), cũng là 1 ngân hàng cho vay đa phương. Vấn đề ở cả 2 ngân hàng đang cho thấy những khó khăn mà Bắc Kinh đang đối mặt. Trong đó, mục tiêu của Trung Quốc là lập lại trật tự quốc tế nơi phương Tây không còn chiếm ưu thế.
Cả AIIB và NDB đều được thành lập với mục đích là giảm sự phụ thuộc của các nước đang phát triển đối với nguồn tài trợ là đồng USD. Họ mong muốn đưa ra lựa chọn thay thế cho IMF, từ đó hỗ trợ một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
AIIB hoạt động trên quy mô lớn hơn nhiều so với NDB, ở nhiều nước phương Tây như Anh và Canada, có hơn 100 thành viên. Mới đây, ngân hàng này vướng phải những rắc rối khi Canada cho biết sẽ tạm dừng mọi hoạt động với AIIB để xem xét cáo buộc về việc ngân hàng được kiểm soát quá mức bởi chính phủ Trung Quốc.
Trong khi đó, NDB lại đang đấu tranh cho sự tồn tại của mình khi chịu rủi ro lớn vì sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh.
Ngay sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, NDB đã đóng băng toàn bộ khoản vay mới cho Nga để đảm bảo họ tuân thủ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, Phố Wall nhanh chóng trở nên cảnh giác việc cho vay với 1 ngân hàng được Nga rót 20% vốn. Ngoài ra, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc cũng là một yếu tố nhạy cảm khác.
Kể từ đó, NDB đã phải gánh các khoản nợ ngày càng lớn để tái cấp vốn cho các khoản vay cũ và duy trì thanh khoản. Theo nguồn tin thân cận, để tăng cường nguồn lực, ngân hàng đang đàn phán với Ả Rập Xê Út, Argentina và Honduras về việc kết nạp thành viên.
Hồi tháng 4, khi NDB phát hành trái phiếu trị giá 1,25 tỷ USD, chi phí đã đắt gấp 5 lần so với những khoản vay trước đó.
Luciana Acioly, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Ứng dụng ở Brazil, cho hay: “Ngân hàng này nên lo ngại về việc họ không thể tiếp cận thị trường vốn. Đó không phải là vấn đề có thể giải quyết một sớm một chiều.”
NBD thông báo, họ tin rằng thị trường “vẫn quan tâm đến việc ngân hàng phát hành trái phiếu” và cho biết các nguồn thanh khoản và nguồn lực cho vay vẫn mạnh mẽ.
Quá trình phát triển không thể thiếu dòng vốn USD
Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ vào năm 2012, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của đồng NDT trên toàn cầu để thúc đẩy nền kinh tế và có sự phòng vệ trước những lệnh trừng phạt của phương Tây. Do đó, NDB rất phù hợp với chương trình nghị sự này của ông Tập.
Sau khi thành lập chi nhánh tại Thượng Hải vào năm 2015, với 10 tỷ USD vốn từ các 5 nhà sáng lập, các thành viên lại nhận thấy sẽ rất khó nếu chỉ dựa vào ngân hàng này và thị trường vốn của Trung Quốc. Họ bắt đầu đi vay hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư tổ chức trên Phố Wall và các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc.
Một số khoản vay của NDB được thực hiện bằng đồng NDT, nhưng 2/3 vẫn được định danh bằng USD. Điều này lại không phù hợp với mục tiêu ban đầu của họ là loại bỏ sự phụ thuộc của các thành viên vào đồng USD.
Tuy nhiên, khi đã có đủ vốn, họ bắt đầu cho vay. NDB tăng trưởng nhanh chóng, các khoản vay cam kết (committed loan) chỉ ở khoảng 1 tỷ USD vào năm 2017 đã tăng lên khoảng 30 tỷ USD vào đầu năm ngoái. Hơn 10 tỷ USD trong số đó được dùng để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng cho các chương trình cứu trợ Covid-19 trong khối BRICS.
Sau đó, mâu thuẫn Nga - Ukraine lại khiến Phố Wall cảnh giác với 1 ngân hàng có 40% vốn của Nga và Trung Quốc.
BRICS gặp khó khi vẫn phụ thuộc vào đồng USD
Tháng 7/2022, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng tín dụng của NDB do những thách thức của ngân hàng gặp phải khi tiếp cận trái phiếu USD. Các ngân hàng đầu tư cho biết chi phí lãi vay mới của NDB có thể cao hơn gấp 4 lần so với thời điểm trước khi cuộc xung đột xảy ra, theo đó họ phải dừng một số kế hoạch huy động vốn.
Chi phí lãi vay tăng mạnh như vậy là một điều hiếm khi xảy ra với 1 ngân hàng phát triển. Ở các tổ chức cho vay đa phương, các nước thành viên thường tập hợp nguồn lực và tận dụng chúng để đi vay lãi suất thấp. Nếu chi phí đi vay của ngân hàng phát triển tăng, thì lãi vay với các thành viên cũng tăng lên và điều này không phù hợp với mục tiêu ban đầu.
Kể từ sau khi xung đột xảy ra, NDB đã phải tăng gấp đôi mức phí bảo hiểm khoản vay cho các thành viên đi vay và việc giải ngân cũng bị kéo dài. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chần chừ trong việc huy động thêm vốn để tăng ngân sách cho NDB trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Một vấn đề phức tạp hơn nữa là, theo quy định, quốc gia tiếp theo giữ chức chủ tịch luân phiên của ngân hàng này là Nga. Các nhà phân tích cho rằng, Tổng thống kế nhiệm của Nga, thay thế ông Putin vào năm 2025, sẽ rút lại lệnh cấm cho vay của NDB với Kremlin vì nước này đã đóng góp số vốn hơn 2 tỷ USD.
Hiện tại, ít dấu hiệu cho thấy các cuộc thảo luận với Ả Rập Xê Út hay các quốc gia khác mang lại tiềm năng về một đợt rót vốn lớn mới. Điều này khiến NDB vẫn mắc kẹt trong “vũng lầy” hiện tại.
Acioly nhận định: “Khối BRICS cần đoàn kết lại và đối mặt với những khó khăn này. Nhưng vấn đề là họ sẽ rất khó để vượt qua nếu mâu thuẫn ở Ukraine vẫn tiếp diễn.”