Theo Business Insider, hoạt động của lính Mỹ tại Syria đã bị xáo trộn sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh rút quân đội nước này khỏi khu vực, vô tình "tạo điều kiện" cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến đánh các vị trí của người Kurd ở biên giới với Syria.
Quân đội Mỹ có nhiều căn cứ và điểm quan sát dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ với nhiệm vụ dẫn dắt Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - với người Kurd là thành phần nòng cốt - trong cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Tuy nhiên, hiện tại, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mới là mối lo ngại đáng kể nhất tại khu vực. Theo phóng viên có mặt tại hiện trường, quân đội Mỹ đang mắc kẹt giữa những đợt đạn pháo từ Thổ Nhĩ Kỳ. Một số vị trí của Mỹ tại Syria bị tấn công trong khi các tuyến đường di chuyển quanh thành phố liên tục bị các phe khác kiểm soát.
Ngày 15/10, ít nhất 1 đơn vị lính Mỹ - ước tính từ 50 tới 100 người - đã bị kẹt giữa hai lực lượng đối đầu nhau: quân Thổ Nhĩ Kỳ ở dọc đường biên giới và quân chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn. Các thành phố Raqqa, Manbij, Kobani, Qamishli và Ayn Issa từng thuộc quyền kiểm soát của người Kurd hiện nay đã được chính phủ Syria tiếp quản.
Cờ Syria và cờ Nga tại Manbij, Syria. Ảnh: REUTERS/Omar Sanadiki
"Hai trạm quan sát được đặt ở khu vực xung quanh Kobani. Nhóm binh sĩ này bị vây bởi đợt tiến công của quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Rojava và bởi quân chính phủ ở Manbij," một quan chức Mỹ đề nghi giấu tên tiết lộ.
"Họ sẽ phải tìm cách rút lui giữa lúc quân Syria và quân Thổ Nhĩ Kỳ giao tranh tại các khu vực có tranh chấp căng thẳng nhất".
"Chiến dịch chống khủng bố thành công nhất trong lịch sử quốc tế đã thành công, nhưng kẻ giành chiến thắng lại là Syria và Nga," vị quan chức nói.
"Mỹ và Anh hiện tại không thể cứu vãn được chương trình chống IS, họ chỉ có thể hi vọng lính của mình rút lui được trước khi có thương vong."
Theo người quan chức này, lệnh rút lui được thực hiện theo 3 giai đoạn cụ thể. Đầu tiên, toàn bộ lính Mỹ sẽ ngừng mọi chiến dịch nhưng vẫn đề cao cảnh giác. Tiếp theo, quân lính sẽ rút quân cục bộ. Cuối cùng, rút lui toàn bộ lính khỏi Syria, kết thúc nhiệm vụ 5 năm và tổng kết thành tích tiêu diệt hàng chục nghìn tay súng IS, giải phóng các trung tâm ở miền đông Syria khỏi sự đe dọa của khủng bố IS.
"Anh và Pháp cũng có những đơn vị đặc nhiệm tại Syria, nhưng số binh sĩ nhỏ hơn Mỹ rất nhiều và do đó họ cũng không gặp nhiều rắc rối khi rút lui. Nhưng Mỹ có tầm ảnh hưởng, trang thiết bị và quy mô binh sĩ lớn hơn nhiều.
Những chỉ huy của Mỹ phải nhận trách nhiệm rất lớn. Họ phải dần cắt giảm các chiến dịch, bảo vệ và dỡ bỏ toàn bộ trang thiết bị hậu cần, đưa 1.000 lính ra khỏi vùng giao tranh một cách an toàn. Đây là yêu cầu nặng nề - thậm chí đối với lực lượng được đào tạo bài bản nhất - vì thời gian quá ngắn và tình hình giao tranh quá hỗn loạn".