Hiện tại, na Chi Lăng đang vào mùa rộ nhất, giá na rất đa dạng nhưng phổ biến nhất của na ở khoảng giá 30-40.000 đồng/kg (loại na đẹp, khoảng 300gram/ quả). Loại na được trồng nhiều nhất và gần như độc tôn là na dai với nhiều đặc tính tốt như thịt quả ngọt, màu sắc đẹp, dễ vận chuyển.
Nhưng có mặt tại đây những ngày này, người viết bắt gặp nhiều người đang cố gắng lùng sục na bở nhưng gần như loại na này không xuất hiện tại chợ. Ngay cả một số thương lái cũng lùng sục vào tận các vườn tìm mua nhưng số lượng thu gom được không đáng kể.
Theo tìm hiểu của người viết, hiện tại ở Hà Nội, giá na bở được chào cao gấp đôi, gấp ba na dai, có nơi chào bán tới 100 ngàn đồng/kg.
Những trái na bở thường có vỏ xù xì cứng hơn na dai và màu trắng đục. Na bở thịt màu trắng lại chứa nhiều hạt, thậm chí nhan nhản hạt trong quả na. Loại na này ăn thường kém thơm hơn và vị ngọt cũng kém hơn hẳn na dai.
Na bở khó ăn bởi khó bóc vỏ hơn vì sát vào thịt, khi bóc ra nhìn vỏ không dóc. Khi nhằn múi na ra khỏi hột cũng khó hơn vì nhiều hạt và hạt dính vào thịt. Múi na cũng bở hơn, không dai bằng na dai.
Chị Yến (Chi Lăng, Lạng Sơn) đang đi tìm một ít na bở để ăn cho biết: “Trước đây na bở có nhiều nhưng người ta chê vì rất khó ăn, hạt nhiều, lại bở tơi.
Nhưng đối với người ăn được và thích ăn thì họ lại cho rằng na bở ăn thích hơn na dai bởi thịt quả ngọt thanh, ăn mát. Tôi đã đi từ ngoài chợ ngoài đường cho đến chợ tập trung cũng không tìm nổi 1 kg na bở nào”.
Dạo một vòng quanh chợ na tập trung tại Chi Lăng, từ đầu chợ đến cuối chợ rất nhiều na dai nhưng tuyệt nhiên rất hiếm có na bở, thỉnh thoảng mới có một vài quả na bở chen vào giữa những thúng na dai to lớn. Bản thân các chủ vườn cũng xác nhận na bở hiện rất hiếm.
Chị Hoa (một chủ vườn na chia sẻ): “Trước đây, na bở cũng được trồng khá nhiều tại đây. Nhưng cũng nhiều năm rồi không ai trồng na bở nữa vì nhu cầu loại na này không cao.
Hiện nhà tôi có khoảng gần 1000 gốc na nhưng cũng chỉ còn khoảng 2-3 cây na bở lẫn vào mà bản thân mình cũng không biết. Ở nhiều vườn, chủ vườn phát hiện còn na bở cũng chặt bỏ luôn để tránh việc thụ phấn nhầm sang cho những cây na dai khác”.
Cách đây nhiều năm, những gốc na bở đã được chặt bỏ để nhường chỗ cho canh tác na dai. (Trong ảnh là một quả na dai khủng có khối lượng lên tới 800 gram).
Lý giải cho chuyện này, ông Hoàng Văn Lạng (50 tuổi, phố Sập, Chi Lăng, Lạng Sơn) cho biết: “Na bở ít xuất hiện bởi trước đây nhu cầu ít nên người trồng na đã chặt bỏ toàn bộ để chuyển qua trồng na dai.
Lí do chính là na bở không thể bán ra ngoài được bởi không có cách nào để vận chuyển. Na bở đúng như tên gọi của nó, khi chín sẽ trở nên bở nhũn, cầm trên tay cũng đã mềm oặt và bở ra không thể vận chuyển bằng xe ô tô như na dai.
Thỉnh thoảng trong vườn có lẫn một vài cây, thu hoạch chỉ được khoảng 10kg, bán vẫn được giá 35.000-40.000 đồng/kg như na dai”.
Nhiều chủ vườn cho biết, na bở tại Chi Lăng gần như không còn nhưng thời gian gần đây lại có nhiều người hỏi mua. Hiện tại, khu vực vẫn còn sót lại một ít na bở là ở khu vực thị trấn Đồng Mỏ.
Chị Triệu Thị Hạnh (Chủ một vườn na tại Chi Lăng) cho biết: “Ở Đồng Mỏ vẫn còn nhiều na bở, nhưng thực chất chỉ nhiều hơn ở Chi Lăng một chút bởi vì ở đó không phải vùng chuyên canh nên nhiều người vẫn giữ lại. Tuy nhiên, chất na bở ở Đồng Mỏ lại không ngon bằng ở Chi Lăng, thịt quả mềm hơn, chát hơn”.
Chị Nguyễn Thị Liên (một thương lái na) cho biết: “Nhu cầu thị trường na chủ yếu là na dai, vẫn có nhu cầu về na bở nhưng ít hơn.
Vấn đề lớn nhất đối với thương lái là không thể vận chuyển được na bở nên khi thu mua na, lúc lựa thấy có quả na bở nào lẫn giữa na dai là họ cũng bỏ ra luôn. Trước đây, nhà tôi cũng đã từng có một vài quả na bở lẫn vào thùng hàng, vận chuyển về đến Hà Nội là dập nát hết”.
Na bở đã từng là một loại na phổ biến cùng với na dai, sau một thời gian dài bị kì thị, nhiều người lại chuyển qua thích ăn và tìm mua na bở nhưng rất khó tìm. Một vài hộ gia đình vẫn còn giữ vài cây trong vườn nhưng ít khi đem ra bán mà chỉ để ở nhà ăn.
Trong khi đó, thị hiếu nhiều người lại đang săn lùng loại na bở này. Từ một loại quả phổ biến, na bở đột nhiên lại trở thành mặt hàng quý hiếm giữa vương quốc na Đồng Bành (Chi Lăng, Lạng Sơn).