Hối thúc trở lại Cam Ranh!
Hôm 12/8, nhân ngày truyền thống của Không quân Nga, hãng tin RIA Novosti đã phỏng vấn cựu Tư lệnh Không quân Nga (thời kỳ 1991-1998), Đại tướng Petr Stepanovich Deynekin.
Ông cho biết ngoài việc tái trang bị vũ khí một cách quy mô cho lực lượng không quân, nghiên cứu sản xuất máy bay thế hệ mới, thì "mạng lưới sân bay của chúng ta đang được phục hồi không chỉ tại Bắc Cực mà cả ngoài biên giới của Nga: ở Việt Nam, tại các đảo trên Thái Bình Dương và tại Syria".
Câu trả lời của vị cựu tư lệnh Không quân Nga ngay lập tức thu hút sự chú ý của các chuyên gia chính trị và quân sự. Phải chăng đại tướng Deynekin có ngụ ý rằng Nga sẽ trở lại Cam Ranh, để xây dựng nơi đây một trạm đảm bảo kỹ thuật hậu cần (gọi tắt là PMTO) như dưới thời Liên Xô?
Căn cứ Cam Ranh (Việt Nam) từng là nơi đồn trú của Không quân và Hải quân Nga.
Các chuyên gia lập tức lên tiếng!
Phó giám đốc Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới (TSAMTO) Vladimir Shvarev bình luận: Hiện có nhiều tướng lĩnh đương chức và về hưu của Nga bằng cách này hay cách khác, thường "gợi ý" về sự trở lại Cam Ranh của Nga - để thể hiện vị thế địa chính trị của Nga trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Và không chỉ có thế. Ông Shvarev nói:
"Có thể các công việc nào đó đang được diễn ra, để sử dụng cảng và sân bay với công năng như thời Xô Viết. Trong cuộc đối đầu hiện nay với Mỹ, khi họ tiến hành xây dựng các căn cứ quanh biên giới chúng ta, thì Nga phải hoàn thiện công nghệ phòng không không quân, cũng như phát triển các căn cứ ở nước ngoài.
Trong một cuộc xung đột toàn cầu, chúng ta có thể tấn công kẻ thù không chỉ từ sân bay trên lãnh thổ Nga".
Chuyên gia quân sự Aleksey Leonkov bình luận ý kiến của Đại tướng Deynekin:
"Tôi cho rằng, dấu hiệu đầu tiên cho thấy Nga có thể quay lại các căn cứ từng có thời Liên Xô, đó là quyết định, theo đó căn cứ không quân Hmeymim (Syria) sẽ là căn cứ chính thức triển khai lực lượng Không quân - vũ trụ của Nga.
Có khả năng, căn cứ quân sự tiếp theo của Nga ở nước ngoài sẽ là Cam Ranh. Dưới thời Liên Xô, quân cảng này không chỉ là nơi sửa chữa tàu chiến, mà còn là điểm tập kết, điều phối các tàu ngầm làm nhiệm vụ ở khu vực Thái Bình Dương.
Căn cứ Cam Ranh cho phép hạm đội Thái Bình Dương kiểm soát phía Nam Thái Bình Dương và cả Ấn Độ Dương. Vì thế, tôi không loại trừ, trong tương lai, Cam Ranh sẽ được Quân đội Nga sử dụng."
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng còn quá sớm để nói đến việc Nga quay trở lại căn cứ Cam Ranh. Và cần phải hiểu đúng ý của Đại tướng Deynekin.
Cam Ranh từng là một trong những căn cứ quân sự ở nước ngoài lớn nhất của Nga.
Tổng biên tập tạp chí "Xuất khẩu vũ khí" Andrey Frolov bình luận:
"Không có gì bí mật, rằng Rostekh đã nhiều năm cung cấp cho Việt Nam các trang thiết bị đảm bảo thông tin liên lạc với các máy bay chiến đấu và dân sự. Ví dụ như tổ hợp thông tin НКВС-27 và các máy móc thay thế cho tổ hợp này vv .
Ở đây, tôi đang nói đến các trang thiết bị mà Việt Nam mua để hoàn thiện các sân bay của mình, tức cho mục đích của họ. Chưa chắc Việt Nam đã cho phép sửa chữa, hiện đại hóa hệ thống sân bay của họ cho mục đích của chúng ta.
Tôi cho rằng một số báo chí đã bắt đầu diễn giải ý của cựu Tư lệnh (Deynekin), là dường như Nga sẽ phục hồi gần như toàn bộ sân bay của Việt Nam. Như thế là tách câu nói ra khỏi ngữ cảnh".
Ông Vasily Kashin từ Viện Viễn Đông (Viện hàn lâm khoa học Nga) cũng cho rằng việc Nga quay trở lại Cam Ranh là "khó xảy ra". Chuyên gia này lý giải:
Thứ nhất, chúng ta không việc gì phải dấn sâu vào tình hình khá phức tạp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thứ hai, so với thời Liên Xô, biên chế Hạm đội Thái Bình Dương đã giảm đi đáng kể. Trong vòng 10 năm trở lại đây, Hạm đội này của Nga không thực hiện nhiệm vụ nào đáng kể. Còn các tàu của Hạm đội, hoạt động chống cướp biển ở Ấn Độ Dương cũng có thể vào tiếp dầu ở Cam Ranh.
Ông Kashin cũng nêu ra một tình huống khá "trớ trêu": "Một mặt, chúng ta đang phục hồi "cái gì đó" ở Việt Nam, còn mặt khác, tháng 9 này chúng ta sẽ diễn tập với Trung Quốc ở Biển Đông đang có tranh chấp".
Chuyên gia Mikhail Aleksandrov từ Trung tâm Nghiên cứu quân sự chính trị - Trường ĐH Quan hệ quốc tế Moskva cho rằng phát biểu của tướng Deynekin chưa chắc đã ngụ ý việc Nga quay lại Cam Ranh.
Theo ông này, Nga không thu được lợi ích gì nếu hiện diện quân sự tại Việt Nam, khi mà Hà Nội nhiều lần phản đối mạnh mẽ các hành vi gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông, còn lãnh đạo Nga thì đang cố gắng giữ quan hệ đối tác với cả Việt Nam và Trung Quốc.
"Trong tình huống này, (việc triển khai) căn cứ Nga ở Việt Nam rõ ràng là không phù hợp. Nhưng sẽ là việc khác hoàn toàn, nếu như ở đây có một nơi để các máy bay tiếp dầu, máy bay chiến đấu của chúng ta có thể hạ cánh.
Hiện nơi đó đang hoạt động, và vẫn sẽ tiếp tục hoạt động. Điều đó giúp đơn giản hóa nhiệm vụ của không quân chiến lược".