Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (Ảnh: Kremlin)
Ông Lavrov cáo buộc Ấn Độ chịu sự thao túng của phương Tây để gia nhập "trò chơi chống Trung Quốc" và quay lưng với Moskva - theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Ngoại trưởng Nga tuyên bố, "cùng với việc quốc gia phương Tây có ý đồ lôi kéo Ấn Độ tham dự trò chơi chống Trung Quốc" - như cơ chế Đối thoại an ninh chiến lược bốn bên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, New Delhi đã trở thành "mục tiêu của các chính sách dai dẳng, hiếu chiến và mưu mô từ các nước phương Tây".
"Đồng thời, phương Tây đang mưu đồ phá hoại quan hệ đối tác thân cận và quan hệ ưu tiên giữa chúng tôi với Ấn Độ. Đây chính là mục đích khiến Mỹ gia tăng gây sức ép đối với New Delhi," ông Lavrov phát biểu tại Hội đồng Nga về các vấn đề đối ngoại (RIAC).
Ông Sergei Lavrov từng nhiều lần chỉ trích nhóm "bộ tứ kim cương" (Quad) - gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia. Phát ngôn mới nhất của ông được đưa ra giữa bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ leo thang bởi những vụ đối đầu tại biên giới tranh chấp từ tháng 5 năm nay.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Ảnh: AP)
Đáp trả Ngoại trưởng Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava ngày 14/12 nói rằng nước này "luôn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập trên nền tảng lợi ích quốc gia" và "quan hệ [của Ấn Độ] với mỗi nước là độc lập với quan hệ của chúng tôi cùng nước thứ ba". Ông Srivastava khẳng định New Delhi không cho rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trực tiếp nhắm vào bất kỳ nước nào.
Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Kanwal Sibal, bình luận trên tờ The Hindu: "Nếu Nga lo ngại việc Mỹ lôi kéo Ấn Độ vào quỹ đạo của họ thì [Moskva] nên bày tỏ lo ngại công khai về sự hung hăng không thể chấp nhận được nhằm vào Ấn Độ, liên quan đến vấn đề lãnh thổ."
Trong một dòng tweet, ông Sibal chỉ trích phát ngôn của ông Lavrov là "sự dung túng động thái của Trung Quốc, coi đây là phản ứng nhằm vào sự thao túng của Mỹ đối với Ấn Độ".
"Trung Quốc đóng vai trò là nạn nhân chứ không phải là Ấn Độ. [Phát biểu của ông Lavrov] không phải là thông điệp đúng đắn đối với Ấn Độ," ông Sibal nêu.
Vào thứ Năm tuần trước, 13/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng nêu thái độ liên quan đến quan điểm của ông Sergei Lavrov về việc "không khuất phục trước trật tự thế giới đơn cực". Bà Hoa nói lập trường này "phản ánh tiếng nói chung của nhiều nước trong xã hội quốc tế".
Đại sứ Ấn Độ tại Moskva giai đoạn 2014-2016, ông P.S. Raghavan, cho rằng Moskva nhận thức được những thách thức trong quan hệ Trung-Ấn. Moskva cũng hiểu New Delhi tin rằng họ có vai trò quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sau giai đoạn cảm thấy bị "ra rìa" trong những cuộc thảo luận về các vấn đề của châu Á-Thái Bình Dương.
New Delhi hiện không phải là thành viên - hoặc tham gia muộn - trong nhiều tổ chức quy tụ các quốc gia khu vực, bao gồm APEC.
Với hơn 60% vũ khí nhập từ Nga, Ấn Độ cảm thấy yên tâm rằng trong vấn đề đối đầu với Bắc Kinh, Moskva sẽ không gián đoạn nguồn cung quốc phòng của họ, thậm chí việc bàn giao có thể nhanh hơn.
"Không nghi ngờ gì rằng Nga chú ý đến sự tăng cường quan hệ đối tác Mỹ-Ấn Độ với sự lo ngại rằng điều này sẽ tác động đến quan hệ đối tác Nga-Ấn," cựu Đại sứ Ấn Độ nói.
Các nhà phân tích nhận xét, việc ông Lavrov nhắc lại chỉ trích nhằm vào quan hệ Mỹ-Ấn cho thấy Moskva dự đoán Tổng thống sắp nhậm chức của Mỹ, ông Joe Biden, sẽ theo đuổi chính sách cứng rắn hơn để phản đối đồng minh/đối tác của Washington mua khí tài quân sự từ Nga.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus