Trò chơi cân não của Tập Cận Bình sau phán quyết PCA

Phạm Văn Thông |

Kể từ phán quyết vụ kiện biển Đông của PCA, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bước vào "trò chơi cân não" trong cố gắng duy trì sự ổn định của giới lãnh đạo Trung Nam Hải.

Bầu không khí buổi hội kiến tối hôm 12/7 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tại nhà khách Điếu Ngư Đài, thủ đô Bắc Kinh có chút căng thẳng.

Bởi lúc 17h chiều cùng ngày, Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan vừa ra phán quyết bác bỏ tuyên bố "chủ quyền lịch sử" của Trung Quốc ở biển Đông.

Trong bài báo đăng hôm 20/7, tờ Nikkei Asian Review (Nhật Bản) mô tả, xuất hiện trên truyền hình với bộ vét xanh đen thường thấy, chiếc cà vạt màu đỏ và bằng âm điệu điển hình, ông Tập tuyên bố trắng trợn : "Từ cổ chí kim, các hòn đảo ở Biển Đông đều là lãnh thổ của Trung Quốc".

Tập Cận Bình ngang ngược nói: "Trung Quốc sẽ không bị chi phối bởi quyết định của PCA hoặc không chấp nhận bất kỳ hành động hoặc tuyên bố nào dựa trên phán quyết của tòa trọng tài".

Ngồi đối diện với chủ tịch Trung Quốc, ông Tusk bày tỏ sự không hài lòng của mình trước những lời nói của ông Tập về phán quyết PCA, ông ấn ngón tay trỏ vào thái dương của mình, đôi khi cao giọng.

Kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc đã đưa tuyên bố trắng trợn của ông Tập lên tiêu đề trong chương trình thời sự 19h của ngày hôm đó, nhưng bỏ qua tuyên bố của ông Tusk rằng EU tin tưởng vào phán quyết của tòa trọng tài.

Sau ông Tập, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, người cũng tham dự cuộc họp, đứng trước ống kính máy quay và nhấn mạnh rằng phán quyết này là không thể chấp nhận.

Philippines, quốc gia đệ đơn kiện Trung Quốc lên PCA, và các nước láng giềng đã đánh giá cao quyết định "lịch sử" của tòa trọng tài, kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế.

Tại hội nghị thượng đỉnh Á – Âu (ASEM) tại Mông Cổ 3 ngày sau, trong phiên thảo luận quốc tế lớn đầu tiên diễn ra sau tuyên bố của tòa trọng tài, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu, phán quyết của tòa trọng tài phải được sử dụng làm cơ sở cho việc giải quyết những căng thẳng trên Biển Đông. Nhật Bản cũng là quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, Bắc Kinh tiếp tục làm ngơ trước những lời kêu gọi này.

Trò chơi cân não của Tập Cận Bình sau phán quyết PCA - Ảnh 1.

Hình ảnh trong chương trình thời sự 19h ngày 12/7 của Trung Quốc, đưa tin ông Tập Cận Bình trắng trợn phủ nhận phán quyết của PCA.

Duy trì ổn định

Nikkei bình luận, trong khi ông Tập Cận Bình ngày càng lo lắng về việc Trung Quốc bị cô lập trên trường quốc tế, thì Tổng thống Mỹ Barack Obama chưa đưa ra bất kỳ một tuyên bố công khai nào về vấn đề này.

Theo các nguồn tin ngoại giao, ông Obama đã kêu gọi các quốc gia châu Á tránh phương hại đến Trung Quốc vì lợi ích của sự ổn định trong khu vực.

Việc Mỹ có lập trường thận trọng là điều dễ hiểu. Khi quan điểm sử dụng vũ lực đang lớn dần trong quân đội Trung Quốc và dư luận nước này, thậm chí có quan điểm kêu gọi một cuộc chiến ở biển Đông.

Mỹ lo ngại quân đội hoặc các phe phái của Trung Quốc có thể phản ứng thái quá nếu Bắc Kinh bị dồn vào chân tường.

Nhà Trắng cũng bày tỏ quan ngại về tình hình trong nước của Trung Quốc.

Hôm Chủ nhật (17/7), một người đàn ông ở tỉnh Hà Bắc đứng trước một nhà hàng thức ăn nhanh của Mỹ và xua đuổi khách hàng, hét lên "Anh là kẻ phản bội nếu ăn ở đây bởi vì Mỹ đang xâm chiếm Biển Đông!".

Các cuộc kêu gọi tẩy chay sản phẩm Mỹ đang tăng lên.

Nếu chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc, bị kích động bởi sự bất mãn đối với phán quyết PCA, chuyển hướng thành sự chỉ trích nhằm vào các lãnh đạo Trung Nam Hải, nó có thể gây ra sự bất ổn tại quốc gia này.

Đô đốc Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc hôm 18/7 gọi quyền lợi ở biển Đông là "lợi ích cốt lõi" và ảnh hưởng đến "nền tảng quản lý đất nước" của đảng Cộng sản Trung Quốc - như một sự ngầm thừa nhận về khả năng gây bất ổn của tình hình hiện nay.

Cùng ngày 18, Tập Cận Bình có chuyến khảo sát khu tự trị dân tộc Hồi ở Ninh Hạ, một trong những "thánh địa" của cuộc cách mạng Cộng sản Trung Quốc.

Trong lần xuất hiện công khai đầu tiên kể từ sau phán quyết, ông nhấn mạnh rằng tinh thần cách mạng, không sợ hy sinh của Trung Quốc có thể giúp họ vượt qua mọi khó khăn.

"Bằng mọi giá, chúng ta phải phục hưng sự vĩ đại của dân tộc Trung Hoa," Tập Cận Bình kêu gọi.

PCA đã ra phán quyết của mình, bây giờ vấn đề này phụ thuộc vào cộng đồng quốc tế nhằm tìm ra một giải pháp để khéo léo kiềm chế sự nổi dậy của Trung Quốc.

Trò chơi cân não của Tập Cận Bình sau phán quyết PCA - Ảnh 2.

Các tàu thuộc "quân đỏ" trong cuộc tập trận trái phép của Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, từ 5-11/7. (Ảnh: 81.cn)

Trong cuộc chiến

Trong việc theo đuổi lợi ích quốc gia, Trung Quốc sử dụng khái niệm "ba cuộc chiến" – thông tin, tâm lý và pháp lý.

Cuộc chiến thông tin là việc phổ biến các thông tin nhằm lái dư luận quốc tế theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc, trong khi cuộc chiến tâm lý là nhằm mục đích đánh giá khả năng và năng lực quốc phòng của các quốc gia và các mối đe dọa khác.

Cuộc chiến pháp lý là giành ủng hộ của cộng đồng quốc tế thông qua các quyết định của tòa án và biện pháp pháp lý khác có lợi cho mình.

Phán quyết vụ kiện biển Đông là một bước ngoặt bất lợi trên mặt trận pháp lý của Trung Quốc.

Kể từ mùa xuân, khi bắt đầu nhận thấy dấu hiệu một phán quyết không như ý, Bắc Kinh đã "bung sức" trên mặt trận thông tin và tâm lý. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại là rất ít.

Vào hôm 8/7, Trung Quốc đã tổ chức trái phép một cuộc tập trận hải quân lớn chưa từng có trên Biển Đông ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), huy động hơn 100 tàu chiến và sử dụng ngư lôi, các vũ khí hiện đại khác.

Tình huống đưa ra là một khu vực được bảo vệ bởi "lực lượng hải quân màu đỏ" bị xâm chiếm bởi một "lực lượng hải quân màu xanh". Một số nhà phân tích cho rằng kịch bản tập trận được mô phỏng như một cuộc đụng độ với Mỹ.

Theo Nikkei, một phần mục đích của cuộc chiến tâm lý này nhằm cho thế giới thấy rằng, Trung Quốc không ngần ngại sử dụng vũ lực nếu các nước khác xâm phạm đến lợi ích của Bắc Kinh bằng cách dựa vào phán quyết.

Tuy nhiên, cuộc tập trận đã vấp phải phản ứng của xã hội quốc tế, coi đó là "hành động khiêu khích". Ngoài ra, Indonesia và Singapore, các quốc gia trước đây trung lập trong vấn đề biển Đông, đang nghiêng nhiều hơn về phía chỉ trích Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại