Trợ cấp công nghệ - lằn ranh đỏ trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Bảo Nam |

Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã phàn nàn về các khoản trợ cấp công nghệ của chính quyền Bắc Kinh, thậm chí cáo buộc các hoạt động thương mại của Trung Quốc đang 'cưỡng hiếp' nền kinh tế Mỹ.

Washington từ lâu đã phàn nàn về trợ cấp của nhà nước Trung Quốc. Ông Trump thường hướng sự giận dữ của mình vào ngành công nghiệp nặng, ví dụ việc thép giá rẻ của nước này tràn ngập thị trường Mỹ, thậm chí cáo buộc các hoạt động thương mại của Trung Quốc đang "cưỡng hiếp" nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng trên thực tế, điều mà Mỹ lo ngại nhất lại chính là việc chính quyền Bắc Kinh đang âm thầm trợ cấp cho các ngành sản xuất công nghệ cao. Chúng được thể hiện qua sự phát triển nhanh và mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây của những gã khổng lồ như Huawei hay ZTE.

Trên thực tế, mọi chuyện bắt đầu từ năm 2015, khi Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra kế hoạch Made in China 2025. Nội dung của nó là dành 10 năm để trợ cấp và thúc đẩy cho các lĩnh vực công nghệ chủ chốt như CNTT và robot dẫn đầu thế giới. Bởi về lý thuyết, cả Trung Quốc và Mỹ đều biết rằng bất cứ ai thống trị được các công nghệ như 5G, robot, xe điện và điện toán đám mây, đều có thể chiếm thế thượng phong trong ở hai khía cạnh quan trọng là thương mại và quân sự trong nhiều thập kỷ tới.

Trung Quốc rất coi trọng các lĩnh vực công nghệ này, bởi cho rằng nó là chìa khóa để thúc đẩy nền kinh tế sản xuất tăng lên theo chuỗi giá trị và tránh được bẫy thu nhập trung bình.Do đó, trợ cấp được bơm liên tục vào các ngành công nghiệp có liên quan.Trong lĩnh vực xe điện (Electric Vehicle), Trung Quốc đang bắt đầu giảm trợ cấp, nhưng chỉ ở giai đoạn mà các công ty nước này đã đứng ở vị trí dẫn đầu. Năm 2017, quốc gia này đã sản xuất nhiều xe điện hơn so với toàn bộ phần còn lại của thế giới, khoảng 579.000 chiếc so với 200.000 ở Mỹ và 98.000 ở Nhật Bản.

Trợ cấp công nghệ - lằn ranh đỏ trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung - Ảnh 1.

Năm 2017, Trung Quốc sản xuất nhiều xe điện hơn so với toàn bộ phần còn lại của thế giới.

Theo các chuyên gia, nếu Bắc Kinh chấp nhận bỏ dần tham vọng thực hiện kế hoạch Made in China 2025 thông qua việc trợ cấp, Mỹ có thể giảm bớt sức ép trong lĩnh vực thương mại. Nhưng dường như không ai trong số hai nhà lãnh đạo Trung – Mỹ chấp nhận nhún nhường. Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, tổng thống Donald Trump đã thẳng thắn lên tiếng phản đối kế hoạch này và tuyên bố đây là hành vi xúc phạm đối với người Mỹ. Có thể nói, trợ cấp các ngành công nghệ cao giờ đây có thể xem như một ranh giới đỏ trong cuộc đám phán giữa hai cường quốc thế giới này để chấm dứt chiến tranh thương mại.

Với lĩnh vực sản xuất robot, một trong 10 ngành công nghiệp chính nằm trong kế hoạch Made in China 2025, nó đã nhận được hàng loạt khoản trợ cấp "nhiệt tình" từ chính phủ nước này. Năm ngoái Trung Quốc là nhà sản xuất robot công nghiệp lớn nhất thế giới, dẫn đầu trong năm thứ 6 liên tiếp, với 147.682 dây chuyền máy móc tự động hóa được sản xuất, theo số liệu của OFWeek. Tuy nhiên một số người cho rằng chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa làm hết khả năng của mình.

Sun Kai, giám đốc công nghệ của Elite Technology, một nhà sản xuất robot công nghiệp thuộc sở hữu tư nhân đã mở một nhà máy sản xuất tại Tô Châu vào năm ngoái. Ông đã được chính phủ hỗ trợ tài chính, tuy nhiên con số này là không đủ và muốn nhận được nhiều hơn nữa. "Các khoản trợ cấp không có ý nghĩa gì trong việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển đối với các công nghệ trong lĩnh vực robot công nghiệp", ông nói.

Trợ cấp trong lĩnh vực robot công nghiệp có nhiều hình thức khác nhau, nhưng chúng được thực hiện cùng lúc bởi tất cả các cơ qua chính phủ trên khắp Trung Quốc. Chỉ riêng trong năm 2014 và 2015, hơn 36 thành phố của Trung Quốc đã đưa ra tổng cộng 77 chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực này, theo Liên minh Công nghiệp Robot Trung Quốc.

Điều này dẫn đến sự bùng nổ của một loạt các công ty trong ngành, như Elite Technology hay Gree, một tập đoàn sản xuất thiết bị gia dụng đã tạo ra một công ty con vào tháng 9/2015 để sản xuất robot công nghiệp. Trong lĩnh vực mới, Gree đã tập trung nghiên cứu và phát triển các thiết bị thông minh.

Các khoản tiền trợ cấp từ chính phủ cũng có thể được trao cho các công ty khác, để những đơn vị này mua sản phẩm từ Elite hay Gree. Tuy nhiên, theo Sun Kai thì ông thích các quỹ trực tiếp đổ tiền cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển của họ hơn. Ông cũng hé lộ rằng 10% ngân sách của công ty mình đến từ các khoản trợ cấp của chính phủ.

Trợ cấp công nghệ - lằn ranh đỏ trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung - Ảnh 2.

Năm 2018, Trung Quốc là nhà sản xuất robot công nghiệp lớn nhất thế giới với 147.682 chiếc.

Dẫu vậy nếu so sánh với châu Âu hay Mỹ, Nhật và Hàn Quốc thì ngành công nghiệp sản xuất robot của Trung Quốc vẫn đang tụt lại phía sau. Bởi nếu đánh vào thị trường cao cấp, các công ty này cần phải có các thành quả đặc biệt về nghiên cứu phát triển. Mà chúng, theo một cách nào đó đều có thể quy ra tiền, với một số lượng khổng lồ. Các công ty Trung Quốc đang cần thời gian và tiền bạc, để chuyển đồi từ khả năng sản xuất lớn sang việc nắm giữ khả năng sản xuất mạnh. Và hướng đi phù hợp nhất hiện tại là hướng tới các thiết bị thông minh.

Chen Hongbo, phó chủ tịch của Jaten Robot & Automatic, một nhà sản xuất robot tại Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, cho rằng xu hướng kinh tế và thương mại toàn cầu không có lợi cho việc đổi mới trong lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc. Bởi ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại đang khiến công ty của ông khó đầu tư vào nghiên cứu phát triển. Một nhà sản xuất ở Quảng Đông cũng thừa nhận rằng các khoản trợ cấp của chính phủ đã giúp hình thành nên khoảng 30% ngân sách nghiên cứu phát triển của công ty, vốn chiếm tới 20% doanh thu của công ty.

Có thể nói, thông điệp từ lĩnh vực sản xuất robot là khá rõ ràng. Trung Quốc sẽ tiếp tục trợ cấp cho các công ty cho đến khi không còn tiền, hoặc khi những công ty này năm được công nghệ trong tay, tự duy trì được vị thế trên thị trường.

Nhưng chính phủ Mỹ không thích điều đó và coi đây là sự độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh. Dẫu rằng trên thực tế, cả Mỹ hay các nước châu Âu cũng có các khoản trợ cấp của chính phủ và nhiều chương trình hỗ trợ tài chính trong lĩnh vực phát triển công nghệ tiên tiến. Nhưng rõ ràng, cách làm của Trung Quốc rõ ràng, mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng nhiều hơn. Các công ty nước ngoài cảm thấy lo sợ bởi một khi Trung Quốc chiếm được vị trí dẫn đầu, họ có thể bán sản phẩm thấp hơn giá thị trường và khiến các đối thủ lớn phá sản, từ đố độc chiếm toàn bộ thị phần. Lĩnh vực xe điện là minh chứng rõ ràng nhất, khi ngành công nghiệp này đã dẫn đầu và có sức ảnh hưởng tới cả thế giới, chính phủ sẽ dừng hỗ trợ và chuyển khoản tài chính đó sang các ngành công nghệ cao khác.

Tất nhiên các khoản trợ cấp chỉ là một cách định hướng. Chính phủ Trung Quốc cuối cùng sẽ để thị trường đóng vai trò lớn của mình. Nhưng điều đó cũng không đủ để các tập đoàn nước ngoài bớt lo lắng bởi khi điều đó xảy ra, mọi giải pháp phản ứng lại có thể là đã quá muộn.

Có thể nói, các vấn đề khác liên quan đến công nghệ trong cuộc chiến thương mại như chấm dứt vi phạm sở hữu trí tuệ hay bắt buộc chuyển giao công nghệ là những khía cạnh mà trung Quốc có thể chấp nhận đàm phán trong trung hạn. Tuy nhiên, vì nỗ lực trở thành cường quốc toàn cầu trong các công nghệ mới, Bắc Kinh dường như ít có khuynh hướng đáp ứng yêu cầu của Mỹ về vấn đề trợ cấp.

Tham khảo SCMP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại