“Vật thể lạ” dùng để trả miếng
Sáng 25/7, Triều Tiên phóng ra phía biển Nhật Bản hai “vật thể lạ”. Trước khi rơi xuống biển, vật thể thứ nhất bay được hơn 430 km trong khi vật thể thứ 2 bay xa hơn một chút. Sau đó, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) trích dẫn bản phân tích của giới chức tình báo Hàn Quốc và Mỹ cho biết vật thể thứ 2 mà Triều Tiên phóng đã bay được 690 km và được xem là "loại tên lửa mới" chưa từng xuất hiện.
Trong một phát biểu được hãng tin CNN trích dẫn, Phó Giáo sư khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) Vipin Narang cho rằng vụ phóng thử tên lửa sáng 25/7 "không khiêu khích hơn trước" so với các vụ thử tương tự mà Bình Nhưỡng đã tiến hành hồi tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, hành động này rõ ràng vẫn là “ăn miếng trả miếng”.
Ngày 16/7, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố trong cuộc gặp cuối tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác nhận với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là sẽ hoãn cuộc tập trận chung. Nhưng 3 hôm sau, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung như kế hoạch vào tháng tới.
Đối với Bình Nhưỡng, việc này rõ ràng là vi phạm thỏa thuận của hai nhà lãnh đạo. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã ra tuyên bố gọi các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc là “diễn tập chiến tranh", đồng thời cảnh báo Bình Nhưỡng có thể xem xét lại quyết định ngừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nếu cuộc tập trận Mỹ-Hàn được tiến hành.
Một chỉ dấu khác rất đáng chú ý, đó là việc Bình Nhưỡng mới đây trình chiếu hình ảnh ông Kim đi kiểm tra tàu ngầm. Vì thế, theo ông Joel Wit, một thành viên cao cấp của Trung tâm Stimson và là Giám đốc trang 38 North, một website chuyên theo dõi về Triều Tiên, vụ thử tên lửa sáng 25/7 có lẽ không phải là động thái cuối cùng mà Bình Nhưỡng sẽ thực hiện. Triều Tiên sẽ còn có những hành động cho thấy họ là những người cứng rắn, mạnh mẽ và không chịu khuất phục trước bất kỳ ai.
Bên cạnh đó, việc Triều Tiên quyết định phóng thử tên lửa có thể xuất phát từ thực tế rằng cuộc gặp giữa ông Trump với ông Kim hồi cuối tháng 6 vừa qua tại Khu Phi quân sự (DMZ) và những bước chân lịch sử của Tổng thống Mỹ đương nhiệm trên đất Triều Tiên không mang lại bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào về tiến trình ngoại giao đối với mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mà Mỹ đã tuyên bố.
Tới nay, người ta không thấy có lịch trình cụ thể cho các cuộc đàm phán liên quan, dù chỉ là ở cấp chuyên viên. Cho nên, khi Mỹ-Hàn tiếp tục tập trận thì Triều Tiên vẫn thử tên lửa.
Ngoài ra, giống như vụ thử tên lửa hồi tháng 5/2019 (vụ thử tên lửa đầu tiên của Triều Tiên kể từ năm 2017), vụ thử tên lửa sáng 25/7 dường như để thể hiện sự thất vọng rõ ràng của ông Kim đối với Mỹ.
Trong khi các cuộc đàm phán hạt nhân tên lửa Triều Tiên đã bế tắc kể từ khi ông Trump rời hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội hồi tháng 2/2019, ngày 29/6 vừa qua, một bức thư chung của 4 nước Mỹ, Anh, Pháp và Đức đã được gửi tới mọi quốc gia thành viên của Liên hợp quốc.
Bức thư kêu gọi tất cả các nước thực thi những điều khoản trừng phạt, tới cuối năm 2019 sẽ hồi hương toàn bộ lao động Triều Tiên đang làm việc tại nước họ. Hạn chót cuối cùng cho việc hồi hương mọi lao động Triều Tiên là ngày 22/12/2019.
Theo phái đoàn Triều Tiên tại Liên hợp quốc, bức thư cho thấy Mỹ "trên thực tế vẫn kiên quyết thực thi những hành vi thù địch" với Triều Tiên, ngay cả khi nước này đang tìm kiếm đối thoại.
Triều Tiên đã có nhiều động thái "dằn mặt" Mỹ và Hàn Quốc sau khi thông tin về cuộc tập trận chung của hai nước này được công bố. Ảnh: KCNA.
Mặt trận đấu tranh “con dao hai lưỡi”
Triều Tiên phóng thử tên lửa, đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn bế tắc, Mỹ khó có khả năng nới lỏng hay gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Vấn đề ở chỗ lệnh trừng phạt Triều Tiên gần đây dường như đang hình thành mặt trận đấu tranh mới giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo AFP ngày 23/7, một bồi thẩm đoàn liên bang ở New Jersey đã truy tố Chủ tịch Tập đoàn Phát triển Công nghiệp Đan Đông Hồng Tường (DHID) Mã Hiểu Hồng cùng ba lãnh đạo khác thuộc công ty Trung Quốc này với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Triều Tiên.
AFP dẫn lời Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Demers cho hay các bị cáo nêu trên đã sử dụng hơn 20 công ty bình phong để che giấu những giao dịch tài chính bất hợp pháp cho các thực thể của Triều Tiên bị trừng phạt do liên quan tới hoạt động phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Trước đó Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc 3 ngân hàng Trung Quốc, gồm: Ngân hàng Viễn thông, Ngân hàng Thương mại Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải hợp tác với một công ty Hồng Kông bị cho là đã rửa tiền với số lượng hơn 100 triệu USD cho Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên.
Một thẩm phán Mỹ cho rằng các ngân hàng trên đã không thực hiện lệnh của tòa án liên quan đến cuộc điều tra về vi phạm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Động thái này được coi nhìn nhận sẽ giáng đòn mạnh vào hệ thống tài chính Trung Quốc.
Nguyên nhân là do nếu bị trừng phạt các ngân hàng nêu trên có thể sẽ mất khả năng tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ. Bởi điều 309 của Luật Yêu nước Mỹ cho phép Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Tư pháp nước này có quyền ra lệnh chấm dứt tất cả các giao dịch bằng đồng USD của các ngân hàng vi phạm. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi.
Trên thực tế, việc cấm mọi hoạt động giao dịch bằng đồng USD của các ngân hàng Trung Quốc vi phạm lệnh trừng phạt Triều Tiên sẽ khiến các giao dịch bên ngoài của các ngân hàng này khó có thể tiến hành vì đại đa số giao dịch quốc tế đều sử dụng đồng USD, nhưng ngược lại sẽ làm tổn hại tới vị trí chủ đạo của Mỹ trong hệ thống tài chính tiền tệ toàn cầu. Bởi nó có thể thúc đẩy Trung Quốc tìm tới lựa chọn khác để tránh rủi ro do sử dụng đồng USD và hệ thống tài chính Mỹ.
Theo Giáo sư Julian Ku thuộc Đại học Hofstra ở New York, điều này xảy ra đồng nghĩa với việc vai trò chủ đạo của đồng USD và vai trò chủ đạo của Mỹ trong hệ thống tài chính thế giới dần bị suy yếu.
Cho nên, Mỹ cần phải thận trọng trong việc trừng phạt nhằm vào các ngân hàng Trung Quốc. Đó có thể là lý do khiến Bộ Tài chính Mỹ và Bộ Tư pháp Mỹ chưa thực sự yêu cầu đóng băng tài khoản bằng đồng USD của các ngân hàng Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Triều Tiên.
Hiện nay, Mỹ mới chỉ dừng ở việc phát đi thông điệp “nhắc nhở” Trung Quốc rằng Mỹ vẫn đang là nền kinh tế lớn nhất thế giới, nắm giữ toàn bộ giao dịch tiền tệ trên toàn cầu.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Julian Ku, chiến lược của Mỹ đã nhận được sự chú ý của chính phủ Trung Quốc và phán quyết của tòa án cũng giúp Washington có vũ khí mới trừng phạt Trung Quốc. Nếu chiến lược đó thực sự được áp dụng, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ nghiêm túc xử lý các yêu cầu mà phía Mỹ đề ra, thúc đẩy Trung Quốc hợp tác với Mỹ trên nhiều vấn đề.