Triều Tiên thử vũ khí: Kim Jong Un muốn nhắc nhở, Mỹ không thể bỏ qua

Hùng Cường |

Việc thử vũ khí chiến thuật hiện thực hóa cam kết của ông Kim Jong Un và cũng gửi thông điệp quân sự mạnh mẽ tới Mỹ.

Truyền thông Nhà nước Triều Tiên ngày 18/4 đưa tin, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã giám sát việc thử nghiệm vũ khí dẫn đường chiến thuật mới. Đây là vụ thử vũ khí công khai lần đầu tiên của Triều Tiên kể từ sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.

Cơ quan thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) không mô tả chính xác loại vũ khí nào đã được thử nghiệm hôm qua (17/4) nhưng cụm từ “chiến thuật” hàm ý rằng đây là một vũ khí tầm gần chứ không phải tên lửa đạn đạo tầm xa từng được coi là mối đe dọa đối với nước Mỹ.

KCNA tiết lộ, vũ khí mới có "chế độ dẫn đường chiến đấu khác biệt" và "một đầu đạn uy lực". Cũng theo hãng thông tấn này, Ông Kim Jong Un đã nói rằng, việc hoàn thành phát triển hệ thống vũ khí nói trên là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội Triều Tiên.

Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump được tổ chức tại Hà Nội tháng 2 năm nay đã không đạt được bất kỳ tiến triển nào đối với quá trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Các lệnh trừng phạt chống lại Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng vẫn đang được áp dụng.

Nhận định về vụ thử vũ khí mới của Triều Tiên, chuyên gia quân sự Kim Dong-yub tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Đại học Kyungnam ở Seoul nói rằng, qua mô tả, vụ thử nghiệm đã được thực hiện với nhiều chế độ bắn khác nhau nhằm đến các mục tiêu không giống nhau và nó có thể được phóng từ mặt đất, trên biển và trên không.

Theo ông Kim Dong-yub, có khả năng cao đó là một tên lửa hành trình tầm ngắn không đối đất, không đối hạm, hạm đối đất hoặc tên lửa hành trình đất đối đất.

Tháng 11/2018, ông Kim Jong Un cũng đã giám sát việc thử nghiệm một vũ khí chiến thuật không xác định để góp phần “xây dựng bức tường thép” bảo vệ Triều Tiên. Không rõ liệu vũ khí được thử nghiệm hồi tháng 11 có phải loại vũ khí mà KCNA đề cập trong vụ thử ngày 17/4 hay không.

Sau vụ thử tháng 11/2018, các chuyên gia phân tích đánh gia đây là một phần trong chiến lược của ông Kim để chuyển đổi trụ cột sức mạnh quân sự từ sức mạnh quân sự thông thường sang vũ khí công nghệ cao.

Trước đó, hồi tháng 4/2018, Nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố rằng Triều Tiên sẽ ngừng các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vì khả năng hạt nhân của Bình Nhưỡng đã được xác thực.

Lời nhắc nhở của Triều Tiên

“Điều này thực sự đóng vai trò như một lời nhắc nhở hữu ích về sự thật đó là Chủ tịch Kim Jong Un chưa bao giờ hứa sẽ ngừng thử nghiệm tất cả vũ khí trong kho vũ khí của Triều Tiên mà chỉ ngừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân và ICBM có khả năng tấn công lục địa Mỹ”, chuyên gia Harry Kazianis của Trung tâm vì lợi ích quốc gia có trụ sở tại Washington nhận định.

Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết, theo thông tin ban đầu, Bộ Tư lệnh và Bộ chỉ huy chiến lược phía Bắc của Mỹ không phát hiện bất kỳ một vụ phóng tên lửa nào của Triều Tiên. Các bước kiểm tra tiếp theo đang được tiến hành. Trong khi đó, Nhà Trắng thừa nhận có nắm được thông tin Triều Tiên thử vũ khí mới nhưng không đưa ra bình luận gì thêm.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Trung tá Dave Eastburn cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đã được thông tin về vụ thử. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào.

Theo KCNA, cuộc thị sát phóng thử vũ khí mới diễn ra ngay sau khi ông Kim Jong Un tới thăm một đơn vị Không quân nước này và bày tỏ sự hài lòng trước mức độ “sẵn sàng tác chiến” của lực lượng.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ngày 16/4 đã công bố các hình ảnh từ vệ tinh thương mại cho thấy có thể đang diễn ra hoạt động vận chuyển vật liệu phóng xạ tại cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chưa xác nhận thông tin này.

Theo đó, những hình ảnh vệ tinh ngày 12/4 cho thấy sự xuất hiện của 5 xe chuyên dụng di chuyển gần cơ sở làm giàu urani và phòng thí nghiệm hóa học phóng xạ tại cơ sở hạt nhân Yongbyon. CSIS cho rằng sự di chuyển của những xe này có thể cho thấy hoạt động vận chuyển vật liệu phóng xạ.

Tổ hợp Yongbyon được cho là cơ sở chính sản xuất plutoni phục vụ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2, ông Kim Jong Un đã đề xuất dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon để đổi lấy việc Mỹ giảm bớt các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đề xuất này chưa tương xứng, theo đó ông Trump yêu cầu Bình Nhưỡng hủy bỏ toàn bộ chương trình vũ khí hủy diệt, trước khi có thể bàn tới nới lỏng các lệnh trừng phạt.

Vụ thử được tiến hành chưa đầy một tuần sau khi Tổng thống Trump bác đề xuất của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về việc thực hiện các dự án kinh tế chung nhằm xây dựng lòng tin giữa Bình Nhưỡng và Seoul, cho rằng đây "chưa phải là thời điểm thích hợp". Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton sau đó khẳng định Washington cần thêm bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng đã sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân trước khi tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần 3./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại