Bảng E Asian Cup 2019: Lebanon 4-1 Triều Tiên (nguồn AFC)
Gần 45 năm về trước, ở World Cup 1974, trên sân Parkstadion Gelsenkirchen của Đông Đức (cũ), trong trận đấu cuối cùng vòng bảng giữa Brazil và Zaire, khi tỷ số trận đấu đang là 3-0 nghiêng về đội bóng Nam Mỹ và giờ thi đấu chính thức chỉ còn chừng 5 phút nữa, người ta được chứng kiến một pha bóng được coi là lố bịch nhất trong lịch sử các VCK World Cup.
Brazil được hưởng một quả đá phạt trực tiếp các khung thành đối phương chừng 25m. Các cầu thủ Brazil đặt bóng, lùi lại, chuẩn bị thực hiện cú sút phạt. Khi ấy, tỷ số đang là 3-0 nghiêng về họ.
Đột nhiên, từ hàng rào của đội nhà, Mwepu Ilunga - hậu vệ của Zaire lừ lừ bước lên, lấy đà rồi co chân sút mạnh quả bóng về phần sân của Brazil. Các cầu thủ Brazil, trọng tài, khán giả trên sân, tất thảy đều ngạc nhiên cực độ. Trọng tài rút thẻ vàng phạt Mwepu Ilunga và cho Brazil thực hiện lại quả đá phạt.
Triều Tiên mới là đội bóng mở tỷ số trận đấu.
Cả thế giới cười vào mặt Mwepu Ilunga, cả thế giới cười vào mặt bóng đá châu Phi, như thể họ "mới từ rừng rú bước ra". Cho đến tận bây giờ, vẫn còn rất nhiều người cười lăn lộn khi xem lại pha bóng ấy. Nhưng ít người biết rằng đằng sau pha bóng "lố bịch" ấy, là một sự thật quặn lòng, liên quan đến nước mắt, máu và cả sinh mạng của rất nhiều người.
Giải đấu ấy, tương tự như Triều Tiên ở Asian Cup 2019, Zaire thua 2 trận đấu đầu tiên của mình, không ghi được bàn nào và đến lọt lưới đến 11 bàn.
Nhà độc tài Mobutu - tổng thống Zaire, cực kỳ xấu hổ và tức giận, đã gửi đội cận vệ của mình đến để đưa ra tuyên bố với các cầu thủ, rằng nếu họ để thua cách biệt 4 bàn trở lên ở trận đấu cuối với Brazil, thì đừng vác mặt về quê hương nữa, kèm theo đó là tính mạng của người thân ở quê nhà sẽ bị đe dọa.
Đấy là lý do mà Mwepu Ilunga đã thực hiện pha bóng "lố bịch" ngày ấy.
"Tôi cố tình làm như thế đấy chứ. Dĩ nhiên là tôi biết rõ luật. Nhưng tôi không thể tiếp tục đá khi kẻ độc tài ấy ngồi trên khán đài và đem mạng sống của những người thân yêu của tôi ra đánh cược. Tôi không thể tiếp tục thi đấu như thế nữa. Tôi làm để để thà nhận thẻ đỏ rời sân còn hơn là tiếp tục phải đá trong sự sợ hãi tột cùng này.
Tôi nắm luật rất rõ. Trọng tài đã khá nhẹ tay khi chỉ rút thẻ vàng cảnh cáo. Cả đời mình, tôi chưa từng hối tiếc về việc làm ấy", Mwepu hồi tưởng lại khoảnh khắc sinh tử ấy.
Trong giây phút ấy, chàng trai trẻ 25 tuổi chỉ nghĩ được có mỗi một điều, rằng hành động ấy là "ngón tay thối" chĩa thẳng vào mặt nhà độc tài trên ghế VIP khán đài, mọi điều khác - không quan trọng.
Ngày hôm nay, trên sân Shajiah, trong hoàn cảnh tương tự với Zaire ngày nào - chỉ ở kết quả hai trận đấu đầu tiên của họ ở giải đấu thôi nhé, các cầu thủ Triều Tiên chắc hẳn muốn có một trận đấu "rửa mặt", để gỡ lại danh dự cho đội bóng mới trước đây hơn 8 năm còn lọt vào đến tận VCK World Cup, và chắc hẳn có chút ít là để giúp Việt Nam - đất nước mà người Triều Tiên có ít nhiều tình cảm.
Người hâm mộ Việt Nam mong đội tuyển Triều Tiên không để thua Lebanon trên 3 bàn, đúng bằng với yêu cầu của Mobutu với các cầu thủ Zaire ngày nào. Và các cầu thủ Triều Tiên thậm chí còn làm được hơn thế, họ thậm chí còn là người ghi bàn thắng mở tỷ số, đưa số bàn thắng đối phương phải ghi được để có cửa giành vé đi tiếp của thầy trò HLV Park Hang-seo lên con số 4.
Bàn thắng ấy đến sớm, ngay ở phút thứ 9 và là một cú sút phạt đẹp mắt. Bóng được Pak Kwang-Ryong sút chìm vào góc xa, đi không xa với thủ thành Mehdi Khalil, nhưng cũng đủ để cú đổ người của anh chỉ kịp chạm vào bóng, chứ không thể cản phá.
Song nếu như người hâm mộ Việt Nam từng rất ngạc nhiên với màn thể hiện trong trận giao hữu hòa 1-1 với đội tuyển Việt Nam của các cầu thủ Triều Tiên trên sân Mỹ Đình hồi tháng trước, thì trước Lebanon, người ta hiểu vì sao Triều Tiên lại thua đậm đà ở hai trận đấu đầu tiên của giải đấu này đến thế.
Chơi bóng đầy cảm tính, các cầu thủ Triều Tiên mắc vô số sai lầm tai hại, từ thủ môn cho đến các hậu vệ. Khi 45 phút đầu tiên của trận đấu trôi qua, khán giả Việt Nam chắc hẳn phải thở hắt ra khi tỷ số là 1-1, bởi nếu Lebanon tận dụng được hết các cơ hội của mình, tỷ số nghiêng về họ là điều tất nhiên, và thậm chí còn khá đậm là đằng khác.
Nhưng cũng trong hiệp đấu đầu tiên, họ làm được một điều nữa ngoài bàn thắng mở tỷ số: kiếm được 1 chiếc thẻ vàng cho đối phương, để Lebanon phải thắng với cách biệt ít nhất 4 bàn mới có thể giật chiếc vé vào vòng 1/8 của Việt Nam.
Chẳng ai ngạc nhiên với bàn thắng nâng tỷ số lên 2-1 của Lebanon, với cú volley bóng sống chân trái cực đẹp của Hilal Alhelwe ở phút 65, thay vào đó, tất cả những ai theo dõi trực tiếp trận đấu này chắc hẳn sẽ ngạc nhiên với việc Triều Tiên không bị thủng lưới thêm, trước sức ép kinh hoàng đến nghẹt thở của đối phương.
Họ chiến đấu chẳng khác nào các chiến binh, lăn xả và chẳng hề sợ sệt, dù cho kém hơn thấy rõ. Thậm chí, nếu pha phản công 2 đánh 3 ngay trước vòng cấm địa của Lebanon được tận dụng tốt, Triều Tiên lẽ ra đã có được bàn thắng gỡ hòa 2-2 ở phút thứ 75.
Trước trận đấu này, số lượng thẻ của đội tuyển Việt Nam và Lebanon là bằng nhau. Chiếc thẻ vàng mà Robert Melki phải lĩnh ở phút 30 sau pha phạm lỗi ngay trước vòng cấm địa Triều Tiên là yếu tố quyết định chiếc vé đi tiếp vào vòng 1/8 cho thầy trò HLV Park Hang-seo
Gần 45 năm về trước, rốt cuộc Zaire của Mwepu Ilunga cũng cầm cự thành công ở 5 phút cuối cùng của trận đấu với Brazil, khiến tỷ số trận đấu dừng lại ở con số 0-3, và cả đội bóng ấy được trở về quê hương với gia đình.
Hôm nay, 18 phút cuối cùng của trận đấu quyết định chiếc vé vào vòng 1/8 của thầy trò HLV Park Hang-seo - tính từ bàn thắng từ chấm phạt đền của Lebanon ở phút 80, diễn ra còn nghẹt hở hơn thế nhiều, nhưng trước nỗ lực khôn cùng của các cầu thủ Triều Tiên, Lebanon chỉ có thể tìm kiếm được bàn thắng nâng cách biệt lên 3 bàn vào những giây cuối cùng, trước khi tiếng còi kết thúc trận đấu nổi lên.
Biết sao không, đội tuyển Việt Nam đặt chân vào vòng 1/8, bằng chênh lệch với Lebanon chỉ đúng 1 chiếc thẻ vàng. Kịch tính thật là kinh khủng, nhưng vỡ òa như thế mới là bóng đá!
Tỷ số: Lebanon 4-1 Triều Tiên
Ghi bàn
Lebanon: George Felix Melki (27'), Hilal Alhelwe (65', 90'+8), Hassan Maatouk (80')
Triều Tiên: Pak Kwang-Ryong (9')