"Quân át chủ bài cuối cùng của Triều Tiên"
Triều Tiên đã bắt đầu những bước thiết thực trong lời cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân sau khi tuyên bố sẽ phá hủy các cơ sở hạt nhân trước sự chứng kiến của các chuyên gia và giám sát viên nước ngoài.
Tuy nhiên, dù động thái này đã đem lại tín hiệu lạc quan về hòa bình và ổn định khắp vùng Đông Bắc Á, mục tiêu phi hạt nhân sẽ tốn nhiều thời gian để hoàn thành bởi chưa ai biết những số phận những nhà khoa học Triều Tiên sẽ đi về đâu.
Các chuyên gia Hàn Quốc và thế giới tiết lộ rằng việc "giải thể nhân sự nghiên cứu tên lửa và hạt nhân" là một phần trong kế hoạch phá hủy và đóng cửa khu thử nghiệm Punggye-ri vào ngày 23-25/5 tới.
Ước tính, Triều Tiên có tới 10.000 nhà khoa học - bao gồm 200 cán bộ lãnh đạo, 2.000 chuyên gia và 6.000 kĩ sư - tham gia nghiên cứu và phát triển chương trình tên lửa, hạt nhân của nước này.
Korea Times nhận định, nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ khó lòng đồng tình với kế hoạch nói trên bởi ông coi những nhà khoa học là "quân át chủ bài cuối cùng của Triều Tiên".
Gặp gỡ người Triều Tiên ở Hà Nội : Ôi vui lắm , sắp thống nhất rồi
Theo Asahi Shimbun, khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới thăm Triều Tiên và gặp mặt ông Kim để đàm phán về cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới, Washington đã yêu cầu Bình Nhưỡng đưa các nhà khoa học Triều Tiên ra nước ngoài và hủy toàn bộ kho dữ liệu về chương trình hạt nhân nhằm đảm bảo quá trình phi hạt nhân hóa được thực hiện hiệu quả nhất.
Chính quyền ông Trump mong muốn thực hiện việc giải trừ theo tiêu chí phi hạt nhân hóa "hoàn toàn, giám sát được và không thể đảo ngược" (PVID).
Theo phía Mỹ, nếu các nhà khoa học vẫn còn ở trong nước, Bình Nhưỡng có thể tái khởi động chương trình hạt nhân bất cứ lúc nào. Hôm thứ 2 (14/5), Văn phòng chính phủ Hàn Quốc yêu cầu Bình Nhưỡng phải "hoàn toàn tiêu hủy vũ khí hạt nhân hoặc đưa tàn dư hạt nhân sang một quốc gia thứ ba".
Bài học lịch sử
Theo các chuyên gia, Bình Nhưỡng có thể công khai các nỗ lực tuân thủ PVID và tận dụng lợi thế này để thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện và thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế Triều Tiên.
Korea Times nhận xét, nếu các nhà khoa học chủ chốt vẫn ở lại, Triều Tiên có thể sẽ khởi động lại chương trình hạt nhân nếu không nhận được đủ viện trợ nước ngoài.
"Tại thượng đỉnh Mỹ-Triều, vấn đề được thảo luận chính sẽ là đàm phán để đưa vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, uranium và những nguyên liệu hóa học cần thiết khác cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên sang nước ngoài," Chung Sung-jang - một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Sejong, Hàn Quốc - dự đoán.
"Vấn đề về các nhà khoa học Triều Tiên sẽ cực kì quan trọng. Tôi nghĩ hai quốc gia sẽ xử lí chuyện này một cách cẩn thận. Lịch sử đã cho thấy việc quản lí các cơ sở và công nghệ hạt nhân sẽ giúp đảm bảo các nhà khoa học không tận dụng chuyên môn của họ để tiếp tục chế tạo vũ khí hạt nhân trở lại."
Đạo luật Nunn-Lugar, một chương trình hợp tác dựa trên Đạo luật Giảm thiếu Đe dọa Hạt nhân Liên Xô năm 1991, đã giúp tìm việc làm cho 58.000 nhà khoa học từng nghiên cứu về vũ khí, và tạo thêm tổng cộng 580 việc làm công nghệ cao vì mục đích dân sinh.
Trường hợp nhà khoa học hạt nhân người Pakistan Abdul Qadeer Khan cho thấy nếu không quản lí chặt chẽ các nhân sự, nguy cơ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân hoạt động trở lại là rất cao.
Trong suốt những năm 1980-1990, Khan đã phát tán các bản thiết kế và những tài liệu liên quan tới việc phát triển công nghệ hạt nhân, bao gồm chu trình làm giàu uranium.
Chính phủ Pakistan đã kết án nhà khoa học này với tội danh phát tán công nghệ vũ khí hạt nhân, và quản thúc tại gia Khan từ năm 2004 tới năm 2009.
Nước Mỹ đã bí mật tiếp nhận hơn 1.600 nhà khoa học, kĩ sư và kỹ thuật viên tên lửa trong giai đoạn năm 1945 và 1959. Nguồn nhân sự nói trên đã cung cấp cho Mỹ một lượng lớn thông tin và nghiên cứu cho dự án bay vào vũ trụ trong cuộc đua với Liên Xô.