Triều Tiên có thể sử dụng hệ thống định vị vệ tinh của Nga để phóng tên lửa

Mai Trang |

Theo các nhà quan sát, Triều Tiên đã phóng tên lửa mà không có sự hỗ trợ của hệ thống định vị toàn cầu Mỹ và có thể đã sử dụng hệ thống định vị vệ tinh của Nga.

Triều Tiên đã phóng tên lửa lần thứ tư kể từ đầu năm 2022, bao gồm hai vụ phóng tên lửa siêu vượt âm ngày 5/1 và 11/1, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu hỏa ngày 14/1 và tên lửa dẫn đường chiến thuật ngày 17/1.

Các vụ phóng tên lửa thường xuyên của Triều Tiên trong những năm gần đây, bao gồm hai lần phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với tầm bắn khoảng hơn 6.000km vào năm 2017, đã vấp phải sự chỉ trích của giới chuyên gia.

Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng đã đạt được những tiến bộ trong chương trình tên lửa, ngay cả khi không sử dụng Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) của Mỹ.

"Không một quốc gia nào đối đầu với Mỹ sử dụng GPS do lo ngại về khả năng bị quân đội Mỹ làm gián đoạn hoặc can thiệp", Andrei Chang, tổng biên tập tạp chí Kanwa Defense Review có trụ sở tại Canada, nói. "Thay vào đó, họ có thể sử dụng hệ thống định vị BeiDou của Trung Quốc hoặc hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu Glonass của Nga", ông Chang cho biết.

Một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho biết, hệ thống BeiDou, hoạt động đầy đủ từ năm 2020, không hỗ trợ các nước khác phóng thử tên lửa. Nguồn tin này cho rằng Triều Tiên đã sử dụng hệ thống của Nga cho các vụ thử tên lửa, dù phạm vi phủ sóng của Glonass không rộng bằng GPS.

"Các chuyên gia ở Bình Nhưỡng đánh giá hệ thống BeiDou của Trung Quốc cũng như hệ thống của Nga, và họ thấy rằng Glonass phù hợp hơn với vị trí địa lý của Triều Tiên với vĩ độ cao khi phóng tên lửa", nguồn tin cho hay.

"Bên cạnh đó, Triều Tiên được thừa hưởng di sản của Liên Xô, bên chuyển giao công nghệ tên lửa tầm trung cho Bình Nhưỡng sau khi ký Hiệp ước Lực lượng hạt nhân Tầm Trung (INF) với Mỹ".

INF, được ký vào năm 1987, yêu cầu Mỹ và Liên Xô loại bỏ tất cả các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500-5.500km. Mỹ đã rút khỏi INF vào năm 2019.

Các cơ quan tình báo ở Mỹ và châu Âu từ lâu cho rằng Triều Tiên đã kết hợp các thiết kế và công nghệ của Liên Xô từ những năm 1960 để phát triển tên lửa./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại