Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị của Ủy ban Trung ương đảng Lao động, tại Bình Nhưỡng, ngày 31/12/2022. Ảnh: KCNA/Reuters
Hãng tin Yonhap dẫn thông báo từ Hãng thông tấn chính thức Triều Tiên KCNA ngày 1/1/2023 cho biết, Triều Tiên đã tiến hành cải tổ các quan chức quân sự hàng đầu, trong đó có việc thay thế Bí thư Ủy ban Trung ương đảng Lao động cầm quyền kiêm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, và bổ nhiệm bộ trưởng quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội mới
Cùng với việc thông báo kết quả phiên họp toàn thể quan trọng của Đảng Lao động Triều Tiên, KCNA cho biết ông Pak Jong-chon đã bị thay thế và cựu bộ trưởng quốc phòng, ông Ri Yong Gil được bầu làm Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (WPK).
Triều Tiên không đưa ra lý do thay thế ông Pak Jong-chon, người đã được thăng hàm nguyên soái quân đội Triều Tiên vào tháng 10 năm ngoái sau khi trở thành tướng 4 sao vào năm 2019.
Cũng theo thông báo của KCNA, ông Kang Sun-nam được bổ nhiệm làm tân bộ trưởng quốc phòng và ông Pak Su-il, Bộ trưởng An sinh xã hội, được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA), thay thế ông Ri Thae-sop. Thay vào đó, Ri Thae-sop được bổ nhiệm làm bộ trưởng công an.
Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh do KCNA công bố ngày 1/1/2023.
Theo các nhà quan sát Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tiến hành những cuộc cải tổ nhân sự cấp cao trong đảng và các cố vấn quân sự thường xuyên hơn trong những năm gần đây trong một nỗ lực nhằm khơi gợi lòng trung thành của họ và củng cố quyền lực.
Trong một diễn biến khác, ngày 1/1/2023, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng cần "sức mạnh quân sự áp đảo" để bảo vệ chủ quyền đất nước.
Đài RT dẫn nguồn hãng thông tấn KCNA cho biết, tại hội nghị của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim Jong-un kêu gọi phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới và tăng cường kho vũ khí hạt nhân trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên.
Theo ông, Bình Nhưỡng cần "sức mạnh quân sự áp đảo" để tự bảo vệ mình khi Washington và Hàn Quốc tìm cách "cô lập và bóp nghẹt" Triều Tiên bằng các thiết bị hạt nhân của Mỹ được triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Tại hội nghị, nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh rằng, Triều Tiên phải phát triển một ICBM mới có khả năng “phản đòn hạt nhân nhanh chóng”. Ông Kim Jong-un nhấn mạnh tầm quan trọng của "vũ khí hạt nhân chiến thuật sản xuất hàng loạt", nói rằng "sự gia tăng theo cấp số nhân kho vũ khí hạt nhân của đất nước" sẽ là "định hướng chính" trong chiến lược phòng thủ của Triều Tiên vào năm 2023.
KCNA cho biết thêm, Bình Nhưỡng cũng đang lên kế hoạch phóng vệ tinh quân sự đầu tiên “vào thời điểm sớm nhất có thể” và hiện đang ở giai đoạn phát triển.
Trong ngày cuối cùng của năm 2022, Triều Tiên đã phóng ba tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào Biển Nhật Bản. Tham mưu trưởng liên quân (JCS) của quân đội Hàn Quốc cho biết, ba quả tên lửa được bắn vào khoảng 8 giờ sáng từ tỉnh Bắc Hwanghae của Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên khu vực này được sử dụng làm địa điểm phóng tên lửa đạn đạo.
Cùng ngày 31/12/2022, Chủ tịch Kim Jong-un đã ca ngợi ngành công nghiệp quốc phòng của đất nước vì đã cung cấp 30 bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn 600mm mới cho quân đội. Ông mô tả hệ thống có khả năng hạt nhân này là “vũ khí tấn công cốt lõi” của đất nước, có thể tấn công bất cứ nơi nào ở Hàn Quốc bằng các vụ phóng chính xác và bất ngờ.
“Chúng ta đã tuyên bố ý chí kiên quyết đáp trả bằng hạt nhân đối với hạt nhân và một cuộc đối đầu tổng lực đối lại đối đầu tổng lực", KCNA dẫn cảnh báo của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Theo tính toán của các phương tiện truyền thông phương Tây, Triều Tiên đã thực hiện số lượng vụ thử tên lửa kỷ lục vào năm 2022, một số vụ liên quan đến ICBM. Washington và Seoul cho rằng Triều Tiên đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 2017.