"Phải bầu cho Trump"
Trang tin về Triều Tiên NK New đưa tin, bài xã luận được đăng tải trên tờ báo nhà nước Triều Tiên DPRK Today đánh giá, Donald Trump là người có thể thực hiện khẩu hiệu "Yankee Go Home" (tạm dịch: "Người Mỹ biến về nước" - cách bày tỏ giận dữ trước sự hiện diện của Mỹ ở nước ngoài) và cuối cùng là giúp thống nhất bán đảo Triều Tiên.
Khi nhắc tới đề nghị của Trump về một cuộc đàm phán trực tiếp với Kim Jong Un - đề nghị trước đó từng bị Triều Tiên lên án, bài xã luận ca ngợi ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa là một "chính trị gia khôn ngoan" và "nhìn xa trông rộng".
Tờ này dẫn lời ông Han Yong Mook - học giả Triều Tiên chuyên về Trung Quốc nhận định: "Theo ý kiến cá nhân tôi, có rất nhiều khía cạnh tích cực trong các chính sách đầy kích động của Trump. Trump nói rằng ông ta sẽ không bao giờ dính vào cuộc chiến giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Nhìn từ góc nhìn của Triều Tiên, đó chẳng phải điều tốt hay sao?".
DPRK Today cũng hoan nghênh chính sách rút các lực lượng quân sự khỏi Seoul nếu nước này không trả thêm chi phí quốc phòng, từng được Trump đề cập tới trong một bài phát biểu hồi tháng Ba.
"Đúng vậy, hãy thực hiện điều đó... Ai mà biết rằng khẩu hiệu "Yankee Go Home" sẽ trở thành hiện thực theo cách này? Cái ngày mà khẩu hiệu "Yankee Go Home" trở thành sự thực sẽ là ngày thống nhất bán đảo Triều Tiên".
"Vị Tổng thống mà người dân Mỹ phải bỏ phiếu lựa chọn không phải là bà Hillary tối dạ kia - người đã tuyên bố sẽ áp dụng mô hình Iran để giải quyết các vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Đó phải là Trump, người đã nói về việc tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với Triều Tiên".
Donald Trump từng ca ngợi Kim Jong Un là thiên tài
Lời nhắc nhở kịp thời cho Mỹ
Trang tin chuyên về Triều Tiên NK News dẫn lời ông John Feffer, Giám đốc hãng tư vấn chính sách Foreign Policy In Focus cho rằng, bài xã luận mới trên DPRK Today cho thấy, Bình Nhưỡng mong muốn phá vỡ chính sách chiến lược của Washington.
"Ông ta (Donald Trump) là một Dennis Rodman (cựu siêu sao bóng rổ Mỹ, một người bạn của Kim Jong Un) trong chính trường Mỹ. Ở thời điểm này, ông ta cũng chỉ là người ngoài cuộc.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng hi vọng hoặc ông ta sẽ được bầu (và thực hiện đúng cam kết của mình) hoặc tuyên bố của ông ta sẽ thay đổi trò chơi chính trị ở Mỹ, gây ảnh hưởng tới cách mà đảng Cộng hòa và quan điểm chủ đạo trong đảng Dân chủ nhìn nhận các vấn đề về Triều Tiên".
Học giả Aidan Foster-Carter từ Đại học Leeds thì nhận định, động thái của DPRK Today "rất đáng chú ý" và có bàn tay của chính phủ Triều Tiên đứng sau, dù "phải thừa nhận rằng, đó chính xác thì không phải là những gì Bình Nhưỡng, hay ít nhất là chính phủ Triều Tiên nói chính thức".
"Đối với tất cả chúng ta, đây là một lời nhắc nhở kịp thời - nếu không muốn nói là cần thiết, về việc làm thế nào nào kế hoạch của Trump lại hoàn toàn xé bỏ chính sách đã được thiết lập của Mỹ trong khu vực, cũng như mối đe dọa từ người đàn ông thiếu trách nhiệm, thiếu suy nghĩ này".
Bài xã luận chưa từng có trong tiền lệ của Triều Tiên xuất hiện trong bối cảnh Bình Nhưỡng nhiều lần kêu gọi đối thoại với Seoul và Washington. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc đã bác bỏ lời yêu cầu này và cho rằng nó không đủ chân thành.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hồi giữa tháng Năm, ứng viên tỉ phú Donald Trump khẳng định: "Tôi sẽ nói chuyện với ông ấy (Kim Jong Un). Tôi chẳng thấy có vấn đề gì khi nói chuyện với ông ấy... Cùng lúc, tôi sẽ gây nhiều áp lực lên Trung Quốc bởi về mặt kinh tế, chúng tôi là cường quốc rất lớn, vượt xa Trung Quốc".
Đáp lại, Đại sứ Triều Tiên tại Anh Hyon Hak Bong nói rằng Bình Nhưỡng không quan tâm tới đề xuất trên và rằng, Triều Tiên "coi đề xuất đó như sự kiện phóng đại của một diễn viên nổi tiếng".
Theo ông này, các ứng viên tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ luôn nêu quan điểm thù địch đối với đất nước ông.