Ryu Hye Gyong - một cô gái trẻ, hiện đại đang cùng hàng trăm sinh viên nhảy múa trước cửa một trung tâm thương mại Bình Nhưỡng, dưới bức chân dung hai nhà lãnh đạo Triều Tiên, trong tiếng nhạc kêu gọi người dân nước này trung thành với các lãnh đạo.
Chia sẻ với hãng tin AP, cô gái trẻ này khẳng định chắc chắn một điều: Triều Tiên không tồn tại khoảng cách thế hệ. “Tinh thần của giới trẻ vẫn luôn kiên trung, không thay đổi”, Ryu nói. Tuy nhiên theo AP, nếu quan sát tình hình thực tế tại Triều Tiên, sự thật tiềm ẩn còn phức tạp hơn vậy rất nhiều.
Khoảng cách thế hệ manh nha
Ryu Hye Gyong, 19 tuổi. Ảnh AP
Ryu Hye Gyong hiện là một sinh viên đại học 19 tuổi với phong thái tự tin, mái tóc được cắt tạo kiểu khá cẩn thận, sống trong một thành phố đầy những thay đổi hiện đại.
Bình Nhưỡng ngày càng xuất hiện nhiều người giàu lái xe Mercedes và Audi cùng siêu thị bán táo nhập khẩu và tã giấy dùng một lần. Trên vỉa hè - nơi mọi người từng cứng nhắc với những bộ trang phục kiểu cũ đầy tẻ nhạt, giờ đây có những phụ nữ trẻ mặc váy ngắn và những thanh niên đội mũ bóng chày, lệch một bên đậm phong cách K-pop.
Theo AP, ở quốc gia đang bị cô lập sâu sắc này, sự phân hóa thế hệ đang dần gia tăng đằng sau những cuộc tuyên truyền không ngừng. Cuộc sống của giới trẻ, từ khát vọng nghề nghiệp đến thói quen hẹn hò, dần bị định hướng bởi nền kinh tế thị trường đang phát triển và ngành buôn bán lậu những chương trình TV và âm nhạc từ nước ngoài. Sự nhiệt thành với chính trị, điều tồn tại ở nhiều thế hệ trước, bị thay thế bởi những mối bận tâm khác như tiền bạc.
Trong chiếc quần jean bó sát, Han Song Yi, 24 tuổi, người vừa trốn khỏi Triều Tiên năm 2014vui vẻ với sự hào nhoáng và cuộc sống hưởng thụ ở Seoul. Cô thích nói về thời trang và những nhóm nhạc Hàn Quốc mà cô và bạn bè vẫn bí mật nghe khi còn ở Triều Tiên.
Xu hướng thời trang Hàn Quốc ngày càng được giới trẻ Triều Tiên tiếp nhận. Ảnh: AP
Nhưng Han vẫn nói về quê hương mình với sự quan sát tỉ mỉ về những thay đổi đang diễn ra và tìm cách lý giải về chúng. Han chỉ ra trào lưu mặc váy ngắn tại quê hương vào mùa thu năm 2012, chỉ ra những thay đổi từ sự “bắt chước” theo hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un với người vợ quyến rũ và thời trang của ông.
Cô nói: “Triều Tiên trong quá khứ và bây giờ rất khác nhau”. Không ai tại Bình Nhưỡng sẽ nói với người bên ngoài về điều này và lý do thì rất dễ hiểu.
Những hình ảnh nhắc nhở về sức mạnh to lớn của đất nước xuất hiện ở mọi nơi, ở bất kỳ con phố nào tại Bình Nhưỡng. Những tấm chân dung về hai vị lãnh tụ Kim Il-sung và Kim Jong-il vẫn phổ biến trong cuộc sống người dân Triều Tiên. Những khẩu hiệu ca ngợi công lao nhà lãnh đạo đương nhiệm Kim Jong-un vẫn được phát đi phát lại.
“Mọi người vẫn luôn cẩn thận với lời nói của mình”, Han nói.
Một cựu cảnh sát Triều Tiên giấu tên khoảng 45 tuổi hiện đang sống tại Hàn Quốc chia sẻ với AP: “Khi còn trẻ, tôi tin tất cả những điều đó”. Người đàn ông này mâu thuẫn khi vừa chỉ trích Bình Nhưỡng vừa tỏ vẻ xem thường giới trẻ không hiểu ý nghĩa của lòng trung thành.
"Nhưng thế hệ trẻ bây giờ, nhiều người chưa bao giờ tin vào điều đó", ông này nói thêm.
Theo ông, nhiều người lớn tuổi tại Triều Tiên vẫn cảm thấy nuối tiếc. Một phần vì họ nhớ quãng thời gian khi đất nước còn tương đối thịnh vượng, nhà nước cung cấp cho người dân gần như mọi thứ: thức ăn, chỗ ở, quần áo, quà ngày lễ cho trẻ em. Nền kinh tế Triều Tiên từng phát triển hơn Hàn Quốc những năm 1970.
Sự thay đổi về kinh tế bắt đầu vào giữa những năm 1990, khi Bình Nhưỡng không nhận được viện trợ từ Liên Xô và những trận lụt liên tiếp làm nạn đói lan rộng. Hệ thống lương thực thực phẩm quốc gia vốn cung cấp cho người dân suốt nhiều thập kỷ sụp đổ trong khi nạn buôn lậu qua biên giới Trung Quốc phát triển.
Những cô gái với gu thời trang hiện đại xuất hiện trên các đường phố ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AP
Trong khi nhà nước đối phó với nạn đói, các doanh nghiệp tư nhân phát triển và chính quyền nhận ra đó là cách duy nhất để duy trì nền kinh tế. Với những người từng trải qua nạn đói, khi họ nhận ra chính quyền không thể chu cấp toàn bộ, họ đã tập trung làm kinh tế và mua những băng đĩa truyền hình nhập lậu mới nhất.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, người thậm chí còn chưa đến 30 tuổi khi lên nắm quyền sau cái chết của cha ông năm 2011, hiện phải đối mặt với thử thách của chính thế hệ ông với khoảng một phần ba số dân Triều Tiên dưới 25 tuổi.
“Tôi là một trong số các bạn và chúng ta chính là tương lai”, ông Kim liên hệ với thế hệ trẻ trong một bài phát biểu. Đầu năm nay, Bình Nhưỡng đã tổ chức cuộc họp lần đầu tiên của đoàn thanh niên sau 23 năm, một tổ chức quy mô lớn cho tất cả những người Triều Tiên từ 14 đến 30 tuổi.
Hiện nay cũng có cả sự tuyên truyền nhắm vào giới trẻ, như ban nhạc nữ Moranbong, chuyên biểu diễn những bài hát mang tính chính trị trong những bộ váy ôm sát và giày cao gót.
Sức mạnh của đồng tiền
Nền kinh tế Triều Tiên đang dần phụ thuộc vào nền kinh tế tư nhân. Ảnh: AP
Bên cạnh đó, ông Kim cũng cho rằng phim ảnh và âm nhạc nước ngoài là “thuốc độc” và năm 2015, các nhà nghiên cứu tiết lộ, chính quyền Bình Nhưỡng tuyên bố những người bị bắt khi xem, tàng trữ video lậu có thể phải chịu 10 năm tù khổ sai.
Hầu hết giới trẻ Triều Tiên lớn lên đều ít nhất vài lần tiếp cận với các băng đĩa nhập lậu, có thể là các chương trình truyền hình Trung Quốc, những bộ phim Mỹ hay những chương trình giải trí của Hàn Quốc.
Tại Triều Tiên, những bộ phim truyền hình dài tập lậu của Hàn Quốc được lưu hành hầu hết mang nội dung về tình yêu bị ngăn cấm. Nhưng với nhiều người trẻ, chúng như những cánh cửa đến với thế giới hiện đại, nuôi dưỡng khát vọng trung lưu, thay đổi mọi thứ từ thời trang đến tình cảm.
Ngày nay, cảnh tượng những người phụ nữ trẻ trung trên đường phố Bình Nhưỡng với bộ áo cánh bó sát và váy ngắn - không được ngắn quá 5cm trên đầu gối, những cặp đôi thỉnh thoảng được bắt gặp nắm tay nhau trong công viên dọc sông Taedong không còn quá xa lạ. Ở một nền văn hóa mà hôn nhân sắp đặt là tiêu chuẩn thì cho đến gần đây, những người trẻ tuổi đã hẹn hò một cách công khai và tự chọn đối tượng cho mình.
Tuy nhiên, một số thứ vẫn không thay đổi như sức mạnh của mạng lưới an ninh quốc gia nên dù khoảng cách thế hệ đang lớn dần nhưng những dấu hiệu về sự phản đối của giới trẻ không xuất hiện. Thanh niên Triều Tiên luôn tránh đề cập về đề tài chính trị, họ chỉ chia sẻ điều đó với gia đình và bạn thân.
Vì vậy, chính trị không phải là điều quan trọng trong khoảng cách thế hệ.
Lee, một người từng bán thức ăn đến từng nhà, bây giờ theo học ngành văn học của một trong những trường đại học hàng đầu Hàn Quốc, nói: “Vấn đề không nằm ở chế độ. Vấn đề nằm ở tiền bạc”.
Hiện nay, nhiều tuyên truyền nhắm vào giới trẻ nhằm củng cố lòng trung thành của họ với lãnh đạo và quốc gia. Ảnh: AP
Han, người có bố từng kinh doanh gỗ rất phát đạt nói: “Bây giờ tất cả mọi người đều muốn kiếm tiền”. Ở quê nhà của cô, nơi có những ngôi nhà và những nhà máy nhỏ dọc biên giới sông Yalu với Trung Quốc thì gia đình cô thuộc diện giàu có.
Cô nói: “Tôi đã lớn lên như một công chúa”, gia đình cô có một chiếc TV, hai máy tính, có thể dễ dàng xem những video K-pop.
Tiền bạc đang thay đổi Triều Tiên, làm lung lay một thế giới mà những thế hệ trước đó ở đây dường như không bao giờ nghĩ sẽ thay đổi. Giới chuyên gia cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm khoảng một nửa nền kinh tế đất và người dân Triều Tiên ít nhiều phụ thuộc tài chính vào nó.
Một chuyên gia đánh giá, thanh niên Triều Tiên “tất cả lớn lên trong nền kinh tế thị trường": "Họ hướng đến những giá trị khác, những ước mơ khác”.
Theo AP, hầu hết những người nước ngoài không thể tiếp cận với thị trường chính nhưng theo lời kể của người tị nạn và hình ảnh vệ tinh cho thấy, các thương nhân Triều Tiên buôn bán mọi thứ từ rượu lậu đến những phụ tùng ô tô Trung Quốc trên khắp cả nước.
Lee nói: “Trong quá khứ, mọi người đều muốn trở thành một công chức, đó là giấc mơ số một. Nhưng ngày càng nhiều người nhận ra rằng, tiền bạc có thể giải quyết mọi thứ. Ngày càng nhiều người quan tâm đến thị trường, đến việc kinh doanh kiếm tiền.”
“Những phụ nữ trẻ tuổi không muốn làm việc ở những trang trại nhỏ nữa. Họ muốn lên thành phố, rồi yêu một anh chàng giàu có thành thị, giống như trong những bộ phim truyền hình Hàn Quốc”, Lee cho biết thêm.
Ở Bình Nhưỡng, họ không bao giờ nói về điều này. Không công khai. Và chắc chắn không nói với những phóng viên nước ngoài - đối tượng vẫn luôn bị theo dõi bí mật.
Vào một buổi chiều mùa xuân đầy nắng, trong buổi lễ kỉ niệm lòng trung thành với lãnh đạo, một sinh viên ngành toán tại trường đại học nổi tiếng của Triều Tiên nói về cuộc sống đã thay đổi như thế nào khi mẹ cô còn trẻ.
Nhiều phụ nữ trẻ Triều Tiên muốn bỏ quê lên thành phố để yêu một anh nhà giàu thành thị như những câu chuyện lãng mạn trong các bộ phim Hàn Quốc. Ảnh: AP
Jang Sol Hyang, 19 tuổi, nói: “Có một sự thay đổi. Mẹ tôi sống dưới thời đại của lãnh tụ Kim Il-sung và Kim Jong-il, còn tôi sống trong thời đại vĩ đại của lãnh tụ Kim Jong-un”.
Khi cô nói, một người đàn ông ăn mặc chỉnh tề với ánh mắt sắc lẹm bước đến nghe, đứng chỉ cách đó vài bước. Có thể anh ta là một nhân viên chính phủ, có thể anh ta là cảnh sát ngầm hay đơn giản anh ta chỉ là một người qua đường tò mò. Nhưng không ai hỏi.
Thay vào đó, Jang vẫn tiếp tục nói về vinh quang tổ quốc, về nhà lãnh đạo trẻ tiếp tục dẫn dắt thế hệ trẻ trong tương lai.