Khi nhắc tới trí tuệ nhân tạo, nhiều cá nhân giàu trí tưởng tượng hình dung ra một binh đoàn những cỗ máy vô tri đang chiếm lấy quyền kiểm soát Trái Đất, trói buộc số phận của nhân loại trong mạng lưới những phép toán lạnh lùng. Nhưng thực tế mà nói, robot chỉ là máy tính biết đi.
Gạt đi nỗi sợ hãi đó, phóng viên Tristan Greene của The Next Web đặt ra câu hỏi sâu hơn cho trí tuệ nhân tạo: sẽ ra sao khi AI có được nhận thức trọn vẹn theo cách mà sự sống đã làm, tức là sở hữu một cơ thể hữu cơ thay vì máy móc cứng nhắc?
Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm của anh, đồng thời vẽ ra một viễn cảnh một phần thú vị mà nhiều phần ám ảnh.
Não cũ, não mới
Trong não bộ tồn tại một phân vùng có tên "hạch nền" có liên kết sâu sắc với khả năng vận động của cơ thể. Đã từ lâu, các nhà khoa học tin rằng hạch nền hoạt động độc lập với thùy trán nằm ở phía trước của não, là khu vực được cho là nơi sản sinh ý nghĩ, hành động tương thích với mục tiêu cá nhân, là chỗ quyết định đưa hành động như lên kế hoạch, tạo quyết định, xử lý trí nhớ ngắn hạn hay đơn giản là đi lại.
Hạch nền.
Ta có ý tưởng chủ đạo dẫn dắt lối hiểu về cách hoạt động của não bộ như sau: cơ quan quan trọng bậc nhất của cơ thể người có nhiều phần, có chỗ thực hiện các công việc như xử lý các kích thích từ bên ngoài hay điều hướng sự chú ý, còn có bộ phận lại điều khiển các chi.
Một người bình thường hay hiểu sai về cách hoạt động của não là vì người ta hay ví von não bộ với “bản đồ”. Thực tế, các hoạt động của nơ-ron thần kinh diễn ra khắp các phần của não bộ, và thông thường, một trải nghiệm đơn lẻ có thể lập tức tác động tới cùng lúc nhiều vùng não khác nhau. Não chúng ta không phải hoạt động theo kiểu hệ thống cho chạy những file .exe sẵn có, những dòng code đã lập trình sẵn, mà là một cỗ máy tính lượng tử mới đang được tìm hiểu dần.
Theo cách hiểu này, sự hình thành của nhận thức sẽ có liên quan tới cái mà khoa học gọi là “liên kết cơ thể-não bộ”. Nhận thức hoàn toàn có thể hình thành dựa trên trải nghiệm của sinh vật. Nếu điều này là đúng, rất có thể nhận thức nhân tạo chạy bằng phần mềm sẽ không khả thi, bởi lẽ một bộ não đang được ngâm chất bảo quản hay một con chip máy tính đều không thể hành động tương tác với thực tại.
Đời thực giống như một phiên bản ngược của bộ phim Ma Trận, nơi con người đang lừa dối máy tính, bắt chúng sống trong một môi trường giả lập. Với hiểu biết hiện tại, nhận định này vẫn đang đúng.
AI không thân thể
Những nghiên cứu về mối tương quan giữa não bộ và cơ thể cho thấy chúng sở hữu một mối liên hệ sâu sắc. Trong báo cáo mang tính đột phá do các nhà khoa học MIT thực hiện, hạch nền và thùy trán đều có tham gia vào khả năng chú ý - thứ có thể là viên gạch nền xây nên tòa tháp ý thức.
Nghiên cứu chỉ ra rằng:
Để đưa ra quyết định phù hợp với hoàn cảnh, sinh vật sống phải lọc dữ liệu đầu vào có được nhờ giác quan, tăng cường tín hiệu liên quan và kìm nén những nhiễu loạn.
Thùy trán (PFC) thực hiện một phần quá trình này bằng cách điều chỉnh hoạt động của đồi thị* thông qua một mạng lưới cấp thấp của các nhân đồi thị (TRN). Tuy nhiên, bởi lẽ PFC không trực tiếp xử lý các cảm biến mà mạng lưới TRN mang lại, hoạt động điện não của phá trình nãy vẫn còn là ẩn số.
Trong nghiên cứu này, sử dụng phương thức lần dấu kết cấu, thao túng chức năng và xác định quang học của các neuron PFC, chúng tôi thấy rằng PFC điều chỉnh hoạt động tiếp nhận cảm giác của đồi thị thông qua một đường dẫn của hạch nền.
*Đồi thị: vùng não gồm nhiều chức năng trong đó có kiểm soát nhận thức, giấc ngủ và trạng thái cảnh giác, bên cạnh điều khiển tứ quan trừ khứu giác.
Nói một cách khác, chúng ta thường nghĩ rằng thùy trán chiếu ánh đèn tập trung vào những thứ quan trọng trong thực tế, những thứ mà ta cần hướng sự chú ý tới. Nhưng hiện tại khoa học tin rằng não bộ gửi đi một loạt những tín hiệu cảm biến đầu vào thông qua một loạt những lớp lọc dữ liệu, trong đó có hạch nền - phần não xử lý quá trình vận động.
Não bộ là một tấm lọc dữ liệu phức tạp.
Thay vì chiếu đèn vào vật cần nhận thức chú ý, não lọc bỏ toàn bộ những dữ liệu không liên quan. Dựa vào việc hạch nền có liên quan tới quá trình lọc này, có thể phỏng đoán việc hình thành ý chí con người, hay ý định thực hiện hành động khi có tương tác, có liên quan tới chức năng vận động của cơ thể.
Nhận thức vận hành nhờ vùng não điều khiển hoạt động cơ thể. Một cỗ máy là tổ hợp của 0 và 1 không biết vận động, không sở hữu khả năng tự vận động thì sẽ không thể hình thành nhận thức.
Chúng ta đang cố đạt được một Trí tuệ Nhân tạo Chung (General AI - một AI có trí khôn ngang ngửa con người) từ con số “không” bằng cách dạy nó cách hành động như một đứa trẻ nhỏ. Nhưng không may cho máy móc, một đứa trẻ đã sở hữu một bộ não về cơ bản là đủ đầy. Những bộ não non nớt sẽ sinh trưởng, sẽ học bằng cách trải nghiệm các dữ liệu đầu vào do cơ thể tiếp nhận, não sẽ sinh trưởng bằng cách tự mình hành động.
Về mặt triết học mà nói, có thể đưa nhận định rằng ý chí, hành động và trải nghiệm đều thiết yếu cho sự hình thành nhận thức.
AI không có cơ thể thì không hình thành được nhận thức?
Nhưng AI thì lấy đâu ra những trải nghiệm đó? Dù tiên tiến nhường nào, hay có thể đưa ra quyết định để đạt được trạng thái đúng với tiềm năng của nó, máy móc không sở hữu ngũ quan để nếm, nhìn, ngửi, nghe hay cảm thấy gì. Ta có thể cắm thêm mic, camera, cảm biến, LIDAR hay thiết bị phân tích cấu tạo hóa học của thực phẩm, nhưng đó vẫn chỉ là một hệ thống bắt chước chức năng của hệ thần kinh, không phải là một hệ thần kinh.
AI mà không sở hữu liên kết não bộ-cơ thể gắn với thực tại, thì nhiều khả năng sẽ không thể tự phản ánh suy nghĩ bản thân. Như nhà nghiên cứu vật lý lượng tử Tim Andersen từng nhận định, chìa khóa để mở cánh cửa dẫn tới hiểu biết về nhận thức phải đồng thời khiến ta nhận ra tầm quan trọng của “ý chí”.
Có thể trao cho AI quyền truy cập admin vào cơ thể người? Có cơ thể liệu có thể tự hình thành nhận thức?
Tất cả những nhận định này mới mang tính học thuật, bởi lẽ chặng đường xây dựng một AI có nhận thức có thể phải kéo dài cả thế kỷ hoặc hơn. Một Trí tuệ Nhân tạo Chung, cũng tương tự như công nghệ dịch chuyển tức thời hay động cơ bẻ cong không gian , vẫn nằm gọn gàng trong phạm vi “khoa học giả tưởng”.
Nhưng những công nghệ tựa năng lượng hợp hạch , tinh thể thời gian hay cơ quan hữu cơ nhân tạo ngày một hiện hình rõ. Thủy triều tiến bộ có thể nâng cao mọi con thuyền dù là nặng nhất.
Nếu như ta có thể phát triển một hệ thống AI lượng tử có khả năng bắt chước một cách chính xác cơ chế vận hành của não bộ, nó có thể là bước tiến lớn để ta tạo ra nhận thức nhân tạo. Về nhiều mặt, thích nghi với hoàn cảnh thường sẽ hiệu quả hơn sáng tạo ra cách giải quyết, và cơ thể người thì vốn dĩ hiệu quả hơn nhiều bất cứ hệ thống robot nào con người từng tạo ra.
Một giao diện não bộ-máy tính đủ mạnh (như những gì Neuralink đang cố gắng hoàn thiện) sẽ còn có thể sản sinh ra một thứ ngôn ngữ riêng để trò chuyện giữa các hệ thống. Khi mà sức mạnh xử lý của máy tính không cần phải tự hành động nữa, mà đã có thể tương tác trực tiếp với não bộ và dữ liệu não có được, thì một AI có trí khôn ngang ngửa con người hoàn toàn có thể viết lại cấu trúc não bộ, và tạo ra một mô hình phù hợp với nó hơn.
Và khi máy tính đã xâm chiếm được cả não như thế, thì kháng cự cũng vô ích.