Treo giày làm siêu cò, Công Vinh tuyên chiến với “cò dởm”

Mộc Miên |

Theo nhận định của các nhà môi giới cầu thủ chuyên nghiệp của FIFA, Lê Công Vinh - chàng sinh viên Đại học Luật Hà Nội hội tụ đủ những yếu tố cần thiết để trở thành “siêu cò”.

Thị trường thế giới: chọn nhầm cò có khi vào tù

Nghề môi giới ở Việt Nam thường được gọi bằng cái tên rất… đời là "cò". Vậy những cò đất, cò bệnh viện… là xấu hay tốt? Không dám bàn, nhưng trong bóng đá chuyên nghiệp không thể thiếu cò, thiếu những người môi giới chuyên nghiệp, chuyên tâm và có tâm.

Rất cần, vì cò trong bóng đá chuyên nghiệp không chỉ là cầu nối cho cầu thủ đến đến với CLB thông qua TTCN, mà họ còn giải quyết một công việc khổng lồ, từ đàm phán hợp đồng, tìm đội bóng mới, marketing, giải quyết rắc rối phát sinh về hợp đồng, định hướng phát triển, đánh bóng hình ảnh…

Đặc biệt là về tư vấn tài chính và giải quyết các sự cố về mặt đời tư, pháp lý. Về mặt này, chọn sai cò thì đời cầu thủ đôi khi rẽ sang một hướng khác hoặc rẽ vào… nhà tù.

Hai ngôi sao khét tiếng nhất thế giới hiện nay là Lionel Messi và Neymar là một minh chứng.

Lionel Messi chọn cha, ông Jorge Messi làm người đại diện. Ông đã đúng khi đưa Messi đến với lò La Masia từ năm 13 tuổi. Nhưng có điều, với tư cách là người quản lý, ông Jorge lại dùng các mánh khóe trốn thuế cho con trai bằng các công ty ma ở thiên đường thuế như Uruguay, Belize.

Treo giày làm siêu cò, Công Vinh tuyên chiến với “cò dởm” - Ảnh 1.

Chọn cha làm người đại diện cho mình, Messi lĩnh án tù.

Khi sự việc bị phanh phui, ông Jorge Messi - vốn là một tay kinh doanh thép, không thể giải quyết rắc rối này. Rốt cục là, siêu sao Barca lĩnh án 21 tháng tù.

Dù được hưởng án treo nhưng án tích này rõ ràng ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu cá nhân Messi trên thị trường về mặt hình ảnh, quảng bá. Tương tự, Neymar cũng sắp vào tù, cũng vì ông bố đại diện Neymar Senior, không hiểu rõ luật nhưng lại có quá nhiều mánh khóe trốn thuế.

Cristiano Ronaldo và Jose Mourinho mới đây cũng bị cáo buộc trốn thuế. Nhưng siêu cò Jorge Mendes nhanh chóng "bẻ gãy mọi luận điệu buộc tội" bằng những giấy tờ có giá trị pháp lý. Thế mới biết, người đại diện quan trọng cỡ nào.

Tóm lại, bóng đá chuyên nghiệp không thể thiếu cò. Vai trò của những siêu cò trên thế giới như Jorge Mendes, Mino Raiola, Paul Stretford, Pini Zahavi, Pere Guardiola… bao năm qua đã chứng minh điều đó.

Thị trường Việt Nam: "Cò thật" lép vế trước "cò đểu"

Bóng đá Việt Nam đã gắn mác chuyên nghiệp được 16 năm. Nhưng có điều, phải tới năm 2009, Việt Nam mới có một nhà môi giới cầu thủ chuyên nghiệp, được cấp bằng FIFA là ông Nguyễn Hoàng Nguyên.

Và tính cho đến thời điểm này, Việt Nam mới chỉ có hai nhà môi giới cầu thủ hoạt động được FIFA công nhận là ông Nguyễn Hoàng Nguyên và bà Mae Mua.

Vậy câu hỏi đặt ra là, từ trước năm 2009, TTCN cầu thủ ở Việt Nam không có… "cò"? Câu trả lời ai cũng biết, là rất nhiều. Nhưng nếu theo luật của FIFA, họ là những nhà môi giới không hợp lệ, không giấy phép hoạt động, tức là "cò chui", "cò lậu", "cò đểu".

Để trở thành nhà môi giới chuyên nghiệp được FIFA cấp bằng như ông Hoàng Nguyên là không hề đơn giản. Ông Nguyên cho biết: "Ngoài việc phải vượt qua những bài thi sát hạch nghiệp vụ của FIFA, người được cấp giấy chứng nhận của tổ chức này phải đóng bảo hiểm nghề nghiệp và ký quỹ số tiền 100.000 Fr Thụy Sỹ".

Chính vì không dễ vượt qua các kỳ thi của FIFA cũng như các thủ tục liên quan đến tài chính, nhiều người đã chọn cách… "cò chui".

Và cũng vì thế, ai cũng có thể làm cò ở Việt Nam. Có những cầu thủ nước ngoài từng thi đấu ở Việt Nam, không có bằng FIFA nhưng vẫn ở lại làm môi giới nhờ các mối quan hệ như Achilefu, Frank van Eijs… hay Edu.

Edu nói rất sõi tiếng Việt, người đàn ông này thậm chí còn lập hẳn ra một đội bóng gọi là Team Africa. Thực chất đội bóng này là nơi quy tụ của những cầu thủ châu Phi chưa tìm được đội bóng, được Edu đưa sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội.

Treo giày làm siêu cò, Công Vinh tuyên chiến với “cò dởm” - Ảnh 2.

"Cò" Edu và đội bóng "Team Africa".

Nhưng nổi tiếng nhất ở Việt Nam hẳn phải là ông Trần Tiến Đại. Cò Đại dù không có bằng FIFA nhưng lại là đạo diễn của rất nhiều thương vụ chuyển nhượng đình đám trong quá khứ trên TTCN cầu thủ ở Việt Nam.

Ông Trần Tiến Đại thậm chí còn hoạt động môi giới cầu thủ ngay trong thời điểm còn là Giám đốc điều hành của CLB V.Ninh Bình, điều này đương nhiên vi phạm điều lệ FIFA, vì người môi giới theo quy định của tổ chức này không được là thành viên của Liên đoàn hay một đội bóng nào đó.

Những tay "cò chui" phạm luật FIFA nhưng có vi phạm pháp luật Việt Nam? Ông Nguyễn Hoàng Nguyên cho biết: "Về nguyên tắc, là một người đại diện cho cầu thủ thì phải có giấy phép của FIFA cấp, thông qua liên đoàn bóng đá nước sở tại".

"Còn nếu không có, tôi không nói là vi phạm pháp luật, nhưng như vậy rõ ràng không được công nhận bởi FIFA cũng như vấn đề minh bạch về mặt pháp lý ở nước sở tại".

"Những người không có bằng hành nghề, bằng các mối quan hệ, họ cứ làm thôi, đôi khi chẳng có giấy tờ gì hết. Trên nguyên tắc, CLB ký hợp đồng lao động với cá nhân cầu thủ, nếu có chuyện gì xảy ra thì người đại diện cầu thủ đó cũng chẳng có cơ sở pháp lý nào để giải quyết cho anh ta".

Treo giày làm siêu cò, Công Vinh tuyên chiến với “cò dởm” - Ảnh 3.

Jorge là "siêu cò" nổi tiếng nhất thế giới, với những thân chủ như Ronaldo hay Mourinho.

Những tay cò chui, hoạt động không chuyên nghiệp, không đúng chức năng, luôn tìm cách lách luật không chỉ gây tổn hại, thiệt thòi cho giới cầu thủ nếu xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp với CLB, mà còn gây thiệt hại cho… ngân sách quốc gia.

Liên tưởng một chút ra thế giới. Nhắc tới Jorge Mendes, người ta thường nghĩ tới khoản tiền hoa hồng kếch xù mà tay siêu cò này nhận được từ những vụ chuyển nhượng bom tấn, những bản hợp đồng tài trợ, quảng bá siêu khủng của những Cristiano Ronaldo, Radamel Falcao, Jose Mourinho…

Nhưng ít ai để ý rằng, hằng năm, công ty của Jorge Mendes đóng hàng chục triệu euro tiền thuế cho Chính phủ Bồ Đào Nha và kho bạc của một số quốc gia có liên quan.

Còn ở Việt Nam? Dĩ nhiên Nhà nước chẳng nhận được xu tiền thuế nào từ những tay "cò chui", với hàng trăm thủ thuật, mánh khóe, thỏa thuận và quan hệ ngầm.

"Cò Vinh" - Mendes của Việt Nam?

Bao giờ hoạt động môi giới, đại diện cầu thủ mới diễn ra công khai, hợp pháp, hợp lệ theo quy chế FIFA? Liệu Việt Nam sẽ có một siêu cò có tài như Jorge Mendes?

Mười sáu tuổi, bóng đá Việt Nam vẫn chỉ gắn mác chuyên nghiệp. Một nền bóng đá muốn chuyên nghiệp thực sự, trước hết phải có những tay cò chuyên nghiệp, có tài, có tâm và có tiếng.

Và người ta đang kỳ vọng vào Lê Công Vinh - ngôi sao số 1 của bóng đá Việt Nam vừa mới tuyên bố treo giày.

Vì từ lâu đã có tin cho rằng, sau khi treo giày, Lê Công Vinh sẽ không theo đuổi sự nghiệp huấn luyện, mà sẽ thành lập công ty chuyên hoạt động một cách bài bản về tổ chức sự kiện về thể thao và đặc biệt là môi giới cầu thủ.

Đầu năm 2016, Lê Công Vinh đã thi đỗ vào Đại học Luật Hà Nội. Đây được xem là bước chuẩn bị đầu tiên cho tiền đạo xứ Nghệ sau khi giải nghệ với nghề môi giới cầu thủ chuyên nghiệp?

Khi quyết định theo học trường luật, Công Vinh thổ lộ: "Vinh nghĩ trong cuộc sống cần phải có sự am hiểu luật. Kể cả kinh doanh hay làm gì đi nữa thì hiểu luật sẽ tốt hơn".

Treo giày làm siêu cò, Công Vinh tuyên chiến với “cò dởm” - Ảnh 4.

Có chuyên môn, có mối quan hệ và giao tiếp tốt, Công Vinh cực kỳ sáng nước trong công việc môi giới cầu thủ.

Ông Nguyễn Hoàng Nguyên - người Việt Nam hiếm hoi sở hữu tấm bằng hành nghề hợp pháp của FIFA cho rằng: "Bạn nhớ vụ Letard chứ? Làm nghề này nắm rõ luật là rất quan trọng. Những người hiểu biết về pháp luật đương nhiên có lợi thế lớn trong hoạt động môi giới vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt pháp lý".

Công Vinh hội tụ nhiều yếu tố để có thể trở thành một người đại diện chuyên nghiệp của FIFA, vì theo đánh giá của ông Hoàng Nguyên: "Có hai yếu tố cần và đủ để trở thành người đại diện hợp pháp của FIFA, thứ nhất là cần có bằng hành nghề của FIFA, thứ hai là kỹ năng tìm kiếm cầu thủ".

"Theo ý kiến của cá nhân tôi, với vốn ngoại ngữ tốt, khả năng tài chính mạnh, lại am hiểu pháp luật, Lê Công Vinh không khó để có thể thi lấy bằng hành nghề FIFA. Mặt khác, là một cầu thủ chuyên nghiệp, anh ấy rất có lợi thế về kỹ năng tìm kiếm các cầu thủ tài năng".

"Ngoài ra, Lê Công Vinh là ngôi sao của bóng đá Việt Nam bao năm qua, lại không dính bất cứ tỳ vết, tiêu cực gì ở nền bóng đá vốn có quá nhiều tiêu cực. Đó là một lợi thế về mặt hình ảnh, marketing".

 "Trên bình diện quốc tế, Công Vinh từng thi đấu ở nước ngoài, là cầu thủ Việt Nam hiếm hoi được các trang web của FIFA phỏng vấn, đề cập nên cũng rất có lợi thế trong việc phát triển sự nghiệp ở nước ngoài".

Vậy liệu có một "Cò Vinh" thành công trên thị trường môi giới, đại diện cầu thủ một cách chuyên nghiệp, giống như đã từng có một Công Vinh thành công và chuyên nghiệp trên sân cỏ?

Công Vinh từng được ví von như Beckham của Việt Nam, nhờ tài năng sân cỏ cũng như cách xây dựng thương hiệu, hình ảnh. Vậy nên người ta có lý khi cho rằng, Công Vinh hoàn toàn có thể trở thành "Cò Vinh", rồi từng bước nỗ lực thành "Mendes của bóng đá Việt"…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại