Trên đường trở thành huyền thoại, Muhammad Ali từng nện The Beatles "tơi tả"

Bình Bồng Bột |

Sau màn trình diễn có sự góp mặt của hai trong số những biểu tượng vĩ đại nhất của thể thao và âm nhạc thế giới - Ali và The Beatles, họ cùng cất cánh lên đỉnh cao danh vọng.

1. Hôm qua là sinh nhật của Ali, tay đấm vĩ đại nhất qua mọi thời đại. Nhưng có lẽ nhiều người chưa biết ông còn là "The greatest showman". Không có ông, chắc chắn sẽ không có Mike Tyson và quyền Anh đã không thể trở thành ngành công nghiệp giải trí triệu đô.

Ngày 7/2/1964, "Tứ quái" The Beatles đáp xuống phi trường New York, lúc này đã có tên là J.F.K để tưởng nhớ cái chết của John F. Kennedy, bị ám sát 11 tháng trước đó. Dân Mỹ đón nhận John Lennon và "đồng bọn" rất dè dặt, trước giờ có nhóm nhạc Anh nào vào được thị trường Mỹ đâu.

The Beatles sang đây là do ông trùm làm show Ed Sullivan nhân một lần sang Anh, thấy đám đông gần như phát cuồng vì nhóm nhạc rock’n’roll này. Ông mới liên lạc với nhóm, hỏi: "Tụi bây sang Mỹ không, lên show của tao, biết đâu một phát lên luôn như Elvis Presley thì sao?".

Trên đường trở thành huyền thoại, Muhammad Ali từng nện The Beatles tơi tả - Ảnh 1.

The Beatles trong lần đầu tiên đến Mỹ.

The Beatles lúc này chỉ mới nổi ở Anh, đang khao khát chinh phục thị trường thế giới. Và chuyến đi Mỹ ấy đã làm thay đổi hoàn toàn lịch sử The Beatles lẫn âm nhạc thế giới.

Nhưng những ngày ở đất Mỹ, "Tứ quái" khá rụt rè, kiểu nói gì thì làm đó. Ban tổ chức thu xếp một buổi chụp hình quảng bá để lôi kéo sự chú ý của dân Mỹ. Nhân trận quyền Anh hạng nặng giữa nhà vô địch Sonny Liston và Cassius Clay sắp diễn ra, họ thu xếp để The Beatles chụp với Sonny Liston một bộ ảnh.

Liston lúc này đang là tay đấm cự phách nhất, giữ đai vô địch hạng nặng 6 lần liên tiếp. Nghe tin bốn ông chơi nhạc gì đó từ Anh thì trề môi. Rolling Stone sau này trích lời nhà vô địch: "Cái lũ mà bữa giờ đám đông la hét chào đón đấy hả? Xin lỗi chứ cái thằng mũi to (ý nói Ringo Starr) chơi trống còn dở hơn con chó nhà tao".

Liston không chụp, Ban tổ chức nhảy qua Cassius Clay liền. Clay là tên của Muhammad Ali trước khi ông cải sang đạo Hồi. Lúc này Ali mới 22 tuổi, có tài, giành HCV Olympic 1960 tại Rome rồi, nhưng mới là tay đấm trẻ. Tỷ lệ cược cho Ali ăn được Lisbon là 7-1 (tức đặt 1 đô ăn 7 đô).

Trên đường trở thành huyền thoại, Muhammad Ali từng nện The Beatles tơi tả - Ảnh 2.

Nghe có mùi showbiz, Ali "OK" liền. Ông để cho The Beatles chờ cả tiếng ở một cái võ đài rồi mới từ từ xuất hiện. Hôm đó là 18/2/1964.

Theo nhà báo Robert Lipsyte có mặt hôm đó, The Beatles bị cho leo cây thì rủa Ali ghê lắm. Ông nói: "Bốn người bọn họ nói với nhau là kiểu gì Liston cũng sẽ đập cho gã ốm nhách ấy mềm xương. Họ còn đấm vào tường vì sốt ruột".

Rồi Ali xuất hiện. Câu đầu tiên ông nói là: "Xin chào, tụi bây chắc không có ngu như bề ngoài heng". John Lennon trưởng nhóm độp liền: "Còn anh thì ngu từ trong ra ngoài". Sau một chốc im lặng, cả đám cùng cười.

Rồi 5 gã đàn ông sẽ sớm trở thành vĩ đại lên đài. Khỏi đạo diễn, khỏi stylist gì sất, Ali làm hết. Ông bảo "Tứ quái" xếp thành hàng, ông đấm một người rồi cả đám ngã xuống theo hiệu ứng domino. Rồi ông bảo cả đám nằm xuống như vừa bị knock-out, các nhiếp ảnh ở ngoài cứ việc bấm lia lịa. Bộ ảnh sau đó được lưu truyền mạnh mẽ, Liston điên lắm, tuyên bố sẽ đập chết Ali sau 3 hiệp.

Trận đấu giữa Muhammad Ali và Sonny Liston

Kết quả sau đó? Ali thắng Lisbon bằng nốc ao kỹ thuật sau 6 hiệp, rồi giữ luôn đai hạng nặng suốt nhiều năm sau đó. Còn The Beatles sau khi rời Mỹ thì đã chính thức bước lên đỉnh cao thế giới, thống trị các bảng xếp hạng âm nhạc hơn chục năm, đĩa in không kịp bán.

"Sự kiện ấy đã tạo ra một hiệu ứng rất lớn", George Harrison sau này nhớ lại, trong phim tài liệu kỷ niệm 50 năm ngày The Beatles sang Mỹ.

2. Đấy là một ví dụ cho thấy Ali bên cạnh là một tay đấm cự phách, còn là một người rất biết cách lăng xê bản thân. Trước đó, các tay đấm luôn tạo cho mình hình ảnh ngầu đời, tránh xa báo chí. Ali là người duy nhất thoải mái khi micro chĩa vào người. Ông nói rất nhiều, và nói rất hay.

Ali không phải là một tay đấm mạnh, nhưng né đòn thì "thiên hạ vô địch thủ". Hai mươi năm đứng trên đài, Ali không có một vết trầy, vết xước chứ đừng nói gãy xương hay đổ máu. Trước khi lên đài, ông tuyên bố sẽ đập đối thủ cho "má nhìn không ra", nhưng cứ vào trận là chân như bôi mỡ, né đông tránh tây. Đối thủ đấm hụt hoài đâm ra sơ hở thì ông chọc lại một cú.

Trên đường trở thành huyền thoại, Muhammad Ali từng nện The Beatles tơi tả - Ảnh 4.

Ông gọi kỹ thuật đánh của mình là "lơ lửng như bướm, chích đau như ong". Có ai ví cú đấm của mình với ong không? AJ Liebling, cây viết số một vào quyền Anh vào lúc đó, viết trên The New Yorker: "Ali không đấm như một nhà vô địch hạng nặng. Những cú đấm của anh ấy thường xuyên trượt mục tiêu. Hãy nhớ anh khởi nghiệp ở hạng cân chỉ có 53 pound".

Search trên Youtube mấy trận đánh của Ali thì thấy đúng vậy thật. Ít khi nào ông ăn bởi nốc ao như Mike Tyson. Nhưng cứ đánh như ong chích và cuối cùng ăn điểm kỹ thuật. Đối phương đấm hụt mãi thì nóng máu, Ali thì cứ cười hề hề, chân nhún nhảy như rock’n’roll. Elvis Presley thời đỉnh cao có lẽ chân cũng không nhanh bằng.

Trên đường trở thành huyền thoại, Muhammad Ali từng nện The Beatles tơi tả - Ảnh 5.

Đánh quyền Anh không bốc, nhưng trên báo thì rất bốc. Ông gọi mình là "The greatest", bảo những cú đánh của mình "làm rung chuyển thế giới". Khi chiến tranh Việt Nam lên cao điểm, Ali từ chối lệnh nhập ngũ, khiến những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc điên tiết, nhưng giúp ông kéo thêm một lượng fan khủng từ những người phản chiến.

Ông bị cấm thi đấu trong 4 năm. Ngày Ali thượng đài trở lại, không chỉ dân Mỹ mà cả thế giới đều dõi theo ông. Ali đã trở thành nhân vật nổi tiếng nhất hành tinh.

Ali là bậc thầy về makerting, ông vào phim ảnh, truyện tranh, văn học. Ông luôn nhớ tên những phóng viên đến phỏng vấn mình, tạo mối thiện cảm, khiến họ chả mấy khi viết bài cay nghiệt về ông cho dù ông cũng dính rất nhiều scandal ngoài đời, chẳng hạn như là một tay bạo hành gia đình có hạng.

Trên đường trở thành huyền thoại, Muhammad Ali từng nện The Beatles tơi tả - Ảnh 6.

Mấy chục năm cuối đời, Ali chiến đấu với bệnh Parkinson. Nhưng những trận thượng đài tranh đai hạng nặng, ông cố hết sức góp mặt để người ta nhắc đến tên mình. Và đã xuất hiện thì phải đẹp. Ông hay ngồi ở nhà, xem lại băng ghi hình của chính mình và hỏi người xung quanh: "Ta đẹp quá phải không con, hồi còn trẻ ta đẹp quá".

Hôm qua là sinh nhật của Ali, người đã đưa quyền Anh lên một tầm cao mới, một showman đích thực của thể thao, một người mà không phải ai cũng có dịp nhìn nhận đúng về sự nghiệp và những tác động của ông đến văn hóa đại chúng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại