Trẻ hóa Man United: Bước đi kế thừa Sir Alex hay một sai lầm trong tuyệt vọng của Solskjaer?

Nam Khánh |

Solskjaer đang cố gắng tạo cơ hội cho các tài năng trẻ. Nhưng liệu các tài năng trẻ ấy có đủ sức cáng đáng Man United?

1. Cuộc đối đầu giữa Manchester United và Southampton vào thứ 7 sẽ là trận đấu thứ 3979 liên tiếp của đội chủ sân Old Trafford có sự góp mặt của những cầu thủ tốt nghiệp từ lò đào tạo của họ trong đội hình.

Mỗi một trận đấu của Man United kể từ tháng 10 năm 1937 đều có sự góp mặt của ít nhất một cầu thủ như thế. Nhiều khả năng, Ole Gunnar Solskjaer sẽ chọn ra 6 sản phẩm của học viện để đưa vào đội hình xuất phát trong trận đấu với Southampton, và 3 cái tên khác ngồi trên ghế dự bị.

Làn sóng của những “gà nhà” này, chắn hẳn sẽ khiến nhiều người nhớ lại ký ức của năm 1995 một lần nữa. Mùa hè năm đó, huấn luyện viên Sir Alex Ferguson đã quyết định đẩy đi ba cái tên luôn chắc suất trong đội hình của mình – Mark Hughes, Andrei Kanchelskis và Paul Ince – và thay thế họ bằng những gương mặt trẻ trung hơn.

Vào thời điểm ấy, đã có rất nhiều sự nghi ngờ và lo ngại nổi lên xung quanh Ferguson vì động thái đầy liều lĩnh và mạo hiểm này của ông. Cựu cầu thủ của Liverpool, Alan Hansen đã khẳng định chắc nịch: “Bạn sẽ không thể đạt được bất cứ thứ gì với những đứa trẻ đâu.”

Thế nhưng, lời tuyên bố đó đã mau chóng trở thành một trò hề khi mà những đứa trẻ của ngày hôm ấy đã cùng Man United giành được một cú ăn ba vào 4 năm sau.

Giờ đây, Solskjaer có vẻ như đang cố gắng tái hiện lại những gì Ferguson đã từng làm được trong quá khứ. Kể từ khi nắm quyền tại Old Trafford, ông đã “tháo dỡ” đội hình mà mình được thừa kế một cách cương quyết.

Marouane Fellaini, Antonio Valencia, Ander Herrera, Romelu Lukaku và Matteo Darmian đều đã bị đẩy đi; Alexis Sanchez và Chris Smalling đã được đem cho mượn; Marcos Rojo và Phil Jones sẽ có một mùa giải để thuyết phục vị huấn luyện viên người Na Uy cân nhắc về tương lai của họ.

Và trong khi Solskjaer đã quyết định chi tiền mạnh tay cho bộ ba tân binh – Daniel James, Aaron Wan-Bissaka và Harry Maguire – những khoảng trống còn lại đã được ông lấp đầy bằng cách đôn lên những cầu thủ từ đội trẻ.

Mặc dù vậy, bối cảnh của hai thời điểm là không hề giống nhau, khi Ferguson đã giải thích về những động thái mà ông thực hiện vào mùa hè năm 1995 là bởi vì ông “không còn cách nào khác”.

Sự phát triển nhanh đến chóng mặt của các tài năng trẻ ở học viện đã khiến ông nhận ra rằng, mình không thể kìm hãm quá trình thăng tiến của họ được nữa, nếu không, ông sẽ có nguy cơ đánh mất bọn họ, đã đến lúc cần phải dọn đường để đưa họ tiến lên đấu trường đẳng cấp nhất.

Thật vậy, đó là một động thái không thể tránh khỏi: Thế hệ 92 là một đội ngũ phi thường, sở hữu tài năng vượt xa những cầu thủ cùng độ tuổi, tỏa sáng rực rỡ tại các đội tuyển quốc gia trẻ và giành được rất nhiều danh hiệu; đó là một ngọn núi lửa đang chờ đợi để bùng nổ.

Trẻ hóa Man United: Bước đi kế thừa Sir Alex hay một sai lầm trong tuyệt vọng của Solskjaer? - Ảnh 1.

Thế hệ 92 lừng danh của Manchester United

Bối cảnh của mùa hè năm 2019 lại hoàn toàn khác: Sẽ rất ảo tưởng khi cho rằng, xu hướng trọng dụng các cầu thủ trẻ của Solskjaer ở hiện tại là một động thái không thể tránh khỏi vì học viện của họ đang sở hữu những con người tài năng đến mức không thể kìm hãm đà thăng tiến thêm nữa.

“Đó không phải là cái thực tế hiện tại,” Tony Park – đồng tác giả của cuốn “những đứa con của United”, viết về lịch sử của học viện của đội bóng này – nhận xét.

“Vào những năm 90, các đội U16 và U18 của chúng tôi có rất nhiều những cầu thủ đã được triệu tập lên các đội tuyển trẻ của Anh. Trong 10 năm qua, hầu như không có một cầu thủ nào của Manchester United góp mặt ở các đội tuyển quốc gia trẻ.

Vâng, thỉnh thoảng cũng có một vài cái tên làm được điều đó, nhưng không hề diễn ra với một con số nhất quán và đáng để nhắc đến. Đám cầu thủ U18 hiện tại ở Man United, không có ai là một ngôi sao, cũng không có ai sở hữu tài năng khiến bạn phải ấn tượng cả.”

2. Ông đã nhận định rất chính xác: Ở mùa giải trước, Ricky Sbragia đã bị sa thải khỏi cương vị huấn luyện viên trưởng của đội U23 Man United, sau khi đội bóng mà ông dẫn dắt chỉ thắng được 1 trận trong 10 trận đấu cuối cùng của họ, họ đã thua Southampton, Stoke, Reading, Norwich, Wolves, Fulham và bị Aston Villa đánh bại với tỷ số 5-1.

Và đó là một đội bóng bao gồm những cái tên Angel Gomes, Tahith Chong, James Garner và Mason Greenwood, tất cả những gương mặt có thể sẽ xuất hiện trong đội hình của Solskjaer trong cuộc đối đầu với Southampton.

“Mọi chuyện đã trở nên khó khăn hơn so với năm 1995,” Andy Mitten, biên tập viên của United We Stand, cho biết: “Khi Ferguson đến, ông ấy đã đảm bảo rằng Man United phải có một hệ thống tuyển dụng cầu thủ trẻ chất lượng nhất nước Anh; ông ấy đã tự mình ký hợp đồng với Ryan Giggs ngay trước mũi Manchester City.

Giờ đây, tất cả những đội bóng khác đều đã hoàn tất việc nâng cấp mảng này; Chelsea, Southampton, Liverpool, Man City: Tất cả bọn họ đều đã chi rất nhiều tiền để mở rộng mạng lưới trinh sát của họ.

Không chỉ ở Anh: Paris Saint-Germain đang chi ra hàng triệu dollar cho công tác này và Barcelona vừa ký hợp đồng với một tài năng trẻ đến từ Wes Bromwich Albion. Còn Man United thì ngược lại, họ đã không còn chú trọng đầu tư cho mảng này nữa và bị tụt lại phía sau.”

Tony Park cũng đồng ý với quan điểm trên. “Ngay từ trước khi Fergie nghỉ hưu, công tác tuyển dụng cầu thủ trẻ tại Man United cũng đã xuống cấp trầm trọng,” Ông nói. “Điều đó đã thể hiện rõ ràng qua mạng lưới trinh sát châu Âu của chúng tôi.

Có thể là chúng tôi không có đủ nhân sự, hoặc cũng có thể là chúng tôi đã thuê sai người, nhưng kể từ khi các câu lạc bộ được phép ký hợp đồng với những cầu thủ trẻ nước ngoài ở tuổi 16, chúng tôi đã mang về 50 cái tên và chỉ có một trong số đó – Paul Pogba – là thi đấu trên 50 trận cho câu lạc bộ. Đó là một sự thật đầy tồi tệ.”

Trẻ hóa Man United: Bước đi kế thừa Sir Alex hay một sai lầm trong tuyệt vọng của Solskjaer? - Ảnh 2.

Paul Pogba là cầu thủ trẻ người nước ngoài duy nhất có hơn 50 trận cho Man United kể từ khi các câu lạc bộ được phép ký hợp đồng với những cầu thủ trẻ nước ngoài 16 tuổi

Hơn nữa, ngoài Gerard Pique ra, không một cầu thủ trẻ nước ngoài nào có thể đạt được một sự nghiệp thành công và lâu dài ở những đội bóng khác sau khi rời Man United. Những cái tên như Frederico Macheda, Adnan Januzaj và Giuseppe Rossi cũng chỉ vụt sáng trong một thời gian ngắn và sau đó hoàn toàn lụi tàn.

Vào năm 2000, trong những cầu thủ U16 của Man United đã có sự góp mặt của Darren Fletcher, Wes Brown và John O’Shea, còn năm 2006, họ có Pogba, Jesse Lingard và Ravel Morrison.

Kể từ đó, Marcus Rashford, Greenwood và Axel Tuanzebe chỉ đơn giản là những người vượt trội nhất được chọn ra một cách rải rác chứ không phải là một phần của một đội ngũ xuất sắc. Trong khi đó, Chelsea, Man City và Southampton đã thiết lập một hệ thống vượt trội để phát hiện ra những tài năng trẻ.

Kể từ khi ngồi vào chiếc ghế HLV của Man United, Solskjaer đã dành cho học viện đào tạo trẻ một sự quan tâm lớn hơn bất kì ai trong ba nhà cầm quân tiền nhiệm.

Ông đã đề nghị thăng chức cho Nicky Butt từ giám đốc Học Viện lên một vai trò mới – có nhiệm vụ tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa học viện và đội một.

Một loạt trinh sát viên đã được tuyển dụng về CLB dưới sự giám sát của ông, nhiều người trong số họ có hồ sơ rất ấn tượng. Họ cũng đã bắt đầu hành động để tiếp cận và theo dõi một số gương mặt trẻ triển vọng đang nổi lên trên toàn thế giới.

Trẻ hóa Man United: Bước đi kế thừa Sir Alex hay một sai lầm trong tuyệt vọng của Solskjaer? - Ảnh 3.

Đội ngũ của Solskjaer đang cố gắng nâng tầm công tác tuyển dụng tài năng trẻ của Man United.

Nhưng đó là chuyện của tương lai: Nhiệm vụ chính của Solskjaer bây giờ là phải đối phó với hiện tại và kiểm tra kỹ hơn những cái tên mà ông đã đưa vào đội một. Không phải năm 1995, mà một cột mốc khác của lịch sử Man United sẽ là một sự so sánh hợp lý hơn với hiện tại.

Trở lại năm 1989, Ferguson, với sự tức giận vì “những gã vô dụng” mà ông phải thừa kế từ huấn luyện viên tiền nhiệm, đã cho những cầu thủ trẻ - Lee Martin, Russell Beardsmore, Mark Robins, Tony Gill và Deniol Graham – cơ hội để thi đấu cho đội một.

Đội bóng đó mau chóng được đặt biệt danh là: Những chú chim non của Fergie, với niềm hy vọng sẽ là thế hệ tiếp bước “Những cậu bé của Busby” khi trước. Thế nhưng, kết cục của đội hình đó là: Họ đã không thể gánh vác được trọng trách kế thừa những người tiền nhiệm và sớm bị đẩy đi nhiều nơi khác nhau.

Liệu Solskjaer đang tạo đất diễn cho những tài năng trẻ sáng giá hay đó chỉ đơn giản là sự lựa chọn duy nhất trong hoàn cảnh ông không có trong tay những quân bài “sáng sủa”? Chúng ta sẽ sớm được biết cái thế hệ “những cậu bé của Solskjaer” là một chiến lược thực tế và rõ ràng của vị HLV người Na Uy, hay chỉ đơn giản là một bước đi sai lầm khác trong thời kì hậu Ferguson.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại