Trào lưu 'Like là làm': Nhân cách, trí tuệ chỉ dành để trang trí?

Minh Giang |

"Không bố mẹ nào đẻ con ra với mục đích con sống cho người ta bấm like. Vậy thì tại sao người trẻ lại dùng like làm thước đo của cuộc sống? - nhà văn Trang Hạ nói.

Đủ like (lượt thích) sẽ tẩm xăng tự thiêu, khỏa thân chạy quanh sân trường, quay clip nóng, đốt trường… đang trở thành trào lưu của một bộ phận giới trẻ.

Đủ like là bất chấp

Trào lưu "Like là làm" đang gây cơn sốt trong giới trẻ. Trước đó, mở đầu trào lưu này là sự việc một chàng trai có tài khoản Facebook N.T đăng chia sẻ: "Bức hình này đủ 40.000 like sẽ đổ xăng từ trên người xuống, lấy hộp quẹt tự đốt người rồi nhảy cầu Tân Hóa! Đủ like sẽ làm, tôi nói là làm.

Share mạnh để có cái hay hấp dẫn mà xem".

Bài viết thu hút gần 100.000 like (thích) cùng hàng nghìn bình luận cổ vũ lẫn thách thức.

Giữ đúng lời hứa “nói là làm”, tối ngày 20/9, N.T này có mặt tại cầu Tân Hóa (TP.HCM) thực hiện thử thách. Được biết, sau khi tẩm xăng đốt, do kịp thời nhảy xuống dòng kênh ngay cạnh nên N.T chỉ bị bỏng nhẹ.

Tiếp đó, hàng loạt người trẻ khác đua nhau đăng status (dòng trạng thái) thách thức dân mạng theo cú pháp quen thuộc: “Chỉ cần đủ like tôi sẽ…” và khẳng định chắc nịch “nói là làm”.

Một số thanh niên sẵn sàng đổi like lấy những hành động gây sốc như: mặc đồ lót, nhảy xuống và uống hết một ca nước sông, mặc quần áo con gái đi ra đường…

Thậm chí, ngày 23/9, một thanh niên còn đưa ra lời thách thức ngoài sức tưởng tượng: “Nói là làm, đúng 8 giờ tối sẽ ăn chất thải của chính mình”.

Người này đã khiến dân mạng kinh hãi khi đăng clip đang ăn “vật lạ” được mang ra từ bồn cầu.

Còn các cô gái, họ không ngại ngần đem “vốn tự có” ra để thách thức dân mạng. Họ tuyên bố, chỉ cần đủ like sẽ khỏa thân chạy 7 vòng quanh trường đại học, đăng ảnh lộ nguyên vòng một, đăng clip sex…

Gần đây nhất, một nữ sinh lớp 8 đã tẩm xăng đốt trường học tại TX Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Điều đáng nói, hành động của nữ sinh lớp 8 này lại được rất nhiều bạn bè ủng hộ và đi theo để quay lại.

Hiện tại, "nữ sinh đốt trường" Trần Thị Ngọc Trâm, 13 tuổi, học sinh lớp 8 trường THCS Nguyễn Tri Phương, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa hiện đang phải điều tại bệnh viện vì hai chân bị bỏng.

Theo lời Trâm, chỉ vì lỡ "câu like" trên Facebook cá nhân với lời thách thức nếu được 1.000 like thì sẽ châm lửa đốt trường học mà cô phải chịu hậu quả.

Khi trang Facebook cá nhân đạt số like nêu trên, Trâm đã bị nhiều bạn bè ép đi mua xăng đốt trường THCS Phạm ngũ Lão, nếu không sẽ bị đánh.

Like ảo nhưng hậu quả khôn lường

Xung quanh vấn đề này, dưới góc nhìn của một nhà văn, Trang Hạ chia sẻ: “Tôi không ngạc nhiên với sự ngông cuồng của một bộ phận thanh niên trên mạng.

Tuy nhiên tôi vẫn phải kinh hãi trước những hành vi thiếu nhân văn của người biết bấm like này.

Trào lưu Like là làm: Nhân cách, trí tuệ chỉ dành để trang trí? - Ảnh 4.

Nhà văn Trang Hạ: "Hóa ra nhân cách và trí tuệ chỉ dành để trang trí, còn giá trị sống của bạn là mong người ta bấm like?"

Nói về hành động đám đông nhiệt tình like ủng hộ trào lưu, nhà văn Trang Hạ bày tỏ: "Tôi nghĩ bản thân những kẻ bấm like xô đẩy sự dại dột lỡ miệng trở thành một hành động ngu xuẩn hoặc phạm pháp cũng làm tổn thương xã hội chẳng kém gì những bạn trẻ đang lấy câu hát 'Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép!' bào chữa cho bản thân".

Trang Hạ cho rằng, không bố mẹ nào đẻ con ra với mục đích con sống cho người ta bấm like.

Vậy thì tại sao người trẻ lại dùng like làm thước đo của cuộc sống? Nhân tiện, làm luôn thước đo của việc tự thiêu hay những việc như đốt trường, chạy truồng…

Hóa ra nhân cách và trí tuệ chỉ dành để trang trí, còn giá trị sống của bạn là mong người ta bấm like?

"Tôi đọc thấy có ý kiến đề xuất phương án xử lý tống em bé mười bốn tuổi đốt trường vào trung tâm giáo dưỡng.

Nhưng tôi nghĩ những kẻ like, share, comment (thích, chia sẻ, bình luận - PV), thậm chí mua xăng dúi vào tay em, cầm điện thoại quay phim... mới là những người nên gửi đi trường giáo dưỡng.

Hay nói một cách khác, tôi thấy rất nhiều cá nhân vị thành niên hoặc đã trưởng thành nhưng không hề biết cách nào thoát ra khỏi cơn khủng hoảng giao tiếp của họ!

Các trường học ở nhiều nước tiến bộ đều có một giáo viên hỗ trợ tư vấn tâm lý và tinh thần, giúp các em từ tuổi Mầm Non cho tới bậc học Thạc sĩ! Còn tại Việt Nam, việc hỗ trợ tâm lý, tinh thần, tình cảm cho học sinh, sinh viên trong suốt quá trình các em trở thành một người trưởng thành có nhận thức và trách nhiệm với xã hội, vẫn còn rất đắt đỏ"- Trang Hạ phân tích.

"Năm ngoái, tôi hỏi thử một trung tâm tư vấn tâm lý, xem liệu có thể mời họ làm tư vấn tâm lý qua email và điện thoại cho các em học sinh của một trường học ở vùng quê nghèo, một huyện vùng xa xôi với vài chục lớp học.

Họ báo giá tư vấn là nửa tỷ cho mỗi một học kỳ!", nhà văn Trang Hạ chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại