Trước tình hình tai nạn giao thông (TNGT) phức tạp như thời gian qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ nghiên cứu, đưa ra quy định mới có tính ràng buộc trách nhiệm chủ doanh nghiệp với tài xế.
Đối với tài xế để xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng có thể xem xét thu hồi bằng lái xe vĩnh viễn.
Có nhiều tranh cãi quanh đề xuất này, nhất là trong giới tài xế lái xe đường dài.
Tài xế TRẦN NGON, có kinh nghiệm tám năm lái xe tải đường dài:
Không nên đưa vào luật quy định tước bằng vĩnh viễn
Tài xế TRẦN NGON
Pháp luật hiện hành không có quy định tước bằng lái xe vĩnh viễn mà chỉ cấm hành nghề có thời hạn. Đã làm cái nghề lái xe thì không một ai mong muốn mình bị gặp sự cố cả. Tuy nhiên, ngày nào chúng tôi cũng phải đối mặt với đường sá, xe cộ, con người… và việc va chạm là không thể tránh khỏi.
Đôi lúc chúng tôi cũng mệt mỏi và căng thẳng lắm nhưng đây là cái nghề nên chúng tôi phải theo. Vì thế, theo tôi việc một tài xế gây tai nạn nghiêm trọng mà bị tước bằng lái vĩnh viễn thì quá nặng, bởi bằng lái là chén cơm của họ. Sau này, khi các tài xế gây tai nạn chấp hành án xong, trở về với cộng đồng thì họ sẽ sống bằng nghề gì? Tôi nghĩ đánh kẻ chạy đi chứ đâu ai đánh người chạy lại. Chưa kể, nếu sự cố như xe mất thắng, đường trơn trượt khiến tai nạn xảy ra thì đâu phải do lỗi chủ quan của tài xế. Theo tôi, không nên đưa vào luật hình thức tước bằng lái vĩnh viễn. Tôi mong trước khi đưa ra những quy định trên thì các ngành chức năng cần xem xét toàn diện vấn đề.
TRƯƠNG MINH LUẬN, tài xế xe tải tuyến Trà Vinh - Bạc Liêu:
Không cần đến luật đã có những người tự bỏ nghề
Tài xế TRƯƠNG MINH LUẬN
Theo tôi, nếu trường hợp tài xế vô tình gây tai nạn thì nên thu bằng lái có thời hạn.
Trường hợp tài xế gây tai nạn do có sử dụng chất ma túy hay nồng độ cồn cao mà gây tai nạn thì thu bằng lái với thời gian dài hơn, điển hình như 10-20 năm (chứ không phải đến năm năm như hiện nay).
Những tài xế gây tai nạn nghiêm trọng thường hay bị cắn rứt lương tâm, nếu ai không đủ vững vàng tâm lý, tay nghề để lái xe trở lại thì tự họ sẽ bỏ nghề chứ không cần đến luật điều chỉnh.
Trước kia tôi có một người bạn làm tài xế, vô tình gây tai nạn, sau đó công ty cũng đã giải quyết mọi thủ tục cho anh nghỉ việc.
Một thời gian dài sau anh không dám lái xe nữa vì ám ảnh vụ tai nạn đó.
Anh NGUYỄN HOÀNG CƯỜNG, giáo viên dạy lái xe tại một trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe ở TP.HCM:
Tai nạn nghiêm trọng còn do nhiều nguyên nhân
Những trường hợp gây TNGT nghiêm trọng thường có ba dạng nguyên nhân: Một là do không tập trung, chủ quan thiếu quan sát; hai là xe bị hư hỏng, chẳng hạn như mất thắng; ba là tài xế sử dụng chất kích thích như ma túy, không kiểm soát được hành vi của mình khi lái xe.
Khi tài xế rơi vào ba hình huống ấy mà gây tai nạn nghiêm trọng thì theo tôi chỉ nên tước bằng lái vĩnh viễn tài xế sử dụng chất kích thích, bởi họ thừa biết khi sử dụng chất này vào rất dễ gây nguy hiểm cho chính mình và cho người khác.
Họ nên được chuyển sang một nghề khác thích hợp hơn, không gây hại cho người vô tội.
TRƯƠNG THANH TIẾN, tài xế xe container
TRƯƠNG THANH TIẾN, tài xế xe container tuyến Sóc Trăng - TP.HCM:
Cần tước bằng vĩnh viễn đối với tài xế chơi ma túy
Tôi ủng hộ Bộ trưởng Thể một nửa, đó là cần phải tước bằng lái vĩnh viễn đối với những tài xế sử dụng chất kích thích khi tham gia giao thông. Đối với những người sử dụng rượu bia, ma túy mà không rút bằng lái của họ chẳng khác nào chúng ta đã vô tình đưa dao, súng để họ làm công cụ giết người. Theo tôi, nên sớm đưa vào luật vấn đề thu bằng lái vĩnh viễn với những người gây tai nạn mà có sử dụng bia rượu hoặc chất kích thích, không thể chỉ cấm lái có thời hạn như hiện nay.
Ông NGUYỄN BẬT HẬN,Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM: Cần tăng thời hạn tước bằng người sử dụng chất kích thích Các quy định xử phạt hành chính về giao thông đường bộ hiện nay không có việc thu bằng lái vĩnh viễn. Các tài xế phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung tại khoản 72 Điều 1 BLHS 2017), tùy mức độ thiệt hại xảy ra mà bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm. Trong vấn đề TNGT, thường là lỗi hỗn hợp (tức lỗi nhiều bên), có lỗi khách quan và chủ quan. Vì thế, phải phân biệt rõ ra mức độ gây lỗi để có hình thức xử lý thích đáng cả hành chính và hình sự. Không thể là cứ gây tai nạn nghiêm trọng là tước bằng lái được. Theo tôi, đối với những tài xế sử sụng ma túy, chất kích thích… mà gây thiệt hại cho người khác thì cần phải tăng cả hình thức xử phạt lẫn hình phạt, trong đó có việc xem xét tăng thời hạn tước bằng lái đối với những đối tượng này. Bằng lái là hình thức thể hiện quyền mưu sinh của người dân (nhất là đối với những người chuyên hành nghề lái xe) mà hiến pháp đã quy định, không thể có chuyện tước vĩnh viễn. Ngay như BLHS mới ban hành cũng quy định sau thời gian đối tượng chấp hành xong thì vẫn được cho hành nghề trở lại, vì thế nên luật này không thể chồng chéo với luật kia. LƯU ĐỨC ghi Đức: Thường xuyên uống bia rượu, bị cấm lái xe vĩnh viễn Ở Cộng hòa Liên bang Đức có hai kiểu cấm lái xe: Một là bị cấm tạm thời, hai là tịch thu bằng lái tạm thời. Cấm lái xe tạm thời thì sau thời hạn ghi trên giấy là ra lấy bằng lái về hoặc bằng lái được gửi về tận nhà và tự động được lái xe trở lại. Trường hợp bị tịch thu bằng lái tạm thời thì sau thời hạn mà tòa ra án quyết, người lái xe còn phải đệ đơn xin lại bằng hoặc thậm chí phải học lại từ đầu mới được nhận lại bằng lái. Trong trường hợp bị cấm lái xe tạm thời, nếu người vi phạm vì công việc phải dùng đến xe thì có thể đệ đơn xin thay thế bằng cách nộp phạt tiền. Trường hợp bị tịch thu bằng tạm thời thì không lý do gì có thể thay thế được. Theo luật thì tùy mức độ nặng nhẹ, người vi phạm có thể bị tịch thu bằng từ ba tháng đến năm năm. Sau đó, có thể đệ đơn xin làm lại bằng và nhiều người còn phải qua xét nghiệm của bác sĩ tâm lý. Ở Đức không có quy định nào về việc tước bằng lái xe vĩnh viễn. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những trường hợp bị tịch thu bằng vĩnh viễn khi người tham gia giao thông không còn đủ năng lực pháp lý (có vấn đề về sức khỏe không thể điều khiển xe) hoặc thường xuyên uống bia rượu, dùng thuốc phiện và đã bị phạt rất nhiều lần. Có người bị bệnh tiểu đường sau vài lần đang lái xe bị ngất giữa đường, xảy ra va chạm nhẹ cũng bị tước bằng vĩnh viễn. ĐỖ THIỆN |