Như Infonet đưa tin, ngày 15/8, tại buổi tổ chức ra quân đợt cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông mừng Quốc khánh 2/9 và ngày truyền thống Công an nhân dân do Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) tổ chức, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông đã phát biểu: "Các chiến sỹ CSGT ra đường xử lý vi phạm được các cấp có thẩm quyền cho phép, trên ngực có bảng tên, biển hiệu, có thẻ đàng hoàng nên người dân yêu cầu kiểm tra kế hoạch, chuyên đề hay kiểm tra tem kiểm định của máy bắn tốc độ là không đúng, họ không có quyền như vậy”.
Câu nói này đã thu hút sự chú ý và tạo tranh luận của nhiều người với câu hỏi: Dân có quyền kiểm tra giấy tờ của Cảnh sát giao thông hay không?
Ngay trong giới luật sư cũng có ý kiến trái chiều nhau về vấn đề này. Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư Tp HCM) cho rằng: “Về nguyên tắc khi người vi phạm bị xử phạt thì người vi phạm được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền chứng minh lỗi người vi phạm, được xem, biết và kiểm tra các chứng cứ này.
Nếu người dân không có được những quyền cơ bản này sẽ dẫn đến lạm quyền, phạt không có căn cứ, vô tội vạ”.
Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư TpHCM) lại cho rằng: “Đúng là trao cho người dân cái quyền được kiểm tra ngay tức khắc, ngược lại CSGT là hơi bất tiện và dễ bị người dân lạm dụng.
Nhưng, nếu không trao cho người dân cái quyền này thì CSGT có nhiều cơ hội hơn để lạm quyền. Vì vậy, cần phải nghĩ đến một hình thức khác, mà có muốn cả 2 bên cũng không thể “lạm” được”.
Theo luật sư Hưng người dân có quyền tố cáo kịp thời và khiếu nại sau đó, không nên để tình trạng ai vi phạm cũng “kiểm tra ngược” CSGT”.
Để có cái nhìn đa chiều về vấn đề này, Infonet đăng tải nội dung 2 luồng ý kiến. Dưới đây là cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư Tp HCM).
Thưa luật sư Nguyễn Kiều Hưng, theo ông, nội dung Thiếu tướng Trần Sơn Hà (Cục trưởng Cục CSGT) nói như trên có đúng tinh thần "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" không?
Tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" được thể hiện và thực hiện bằng nhiều hình thức trên nguyên tắc phù hợp với quy định của pháp luật và không gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác.
Đúng là trao cho người dân cái quyền được kiểm tra ngay tức khắc, ngược lại CSGT là hơi bất tiện và dễ bị người dân lạm dụng.
Nhưng, nếu không trao cho người dân cái quyền này thì CSGT có nhiều cơ hội hơn để lạm quyền. Vì vậy, cần phải nghĩ đến một hình thức khác, mà có muốn cả 2 bên cũng không thể “lạm” được.
Theo quy định tại Thông tư 01/2016 của Bộ Công an có 5 trường hợp CSGT được dừng xe, trong đó có trường hợp phải có kế hoạch tuần tra, hoặc theo chuyên đề, hoặc theo mệnh lệnh. Người dân có được biết giấy tờ này không?
Về nguyên tắc là được biết, nhưng biết lúc nào và trong trường hợp nào thì chưa có quy định cụ thể.
Nếu không cho người dân xem, lực lượng CSGT làm thế nào để đảm bảo cán bộ chiến sĩ có thẻ, có trang phục, có biển tên làm nhiệm vụ không được phân công?
Khi phát hiện có dấu hiệu nghi vấn CSGT đang thực hiện nhiệm vụ sai quy định, quy trình, người dân có đầy đủ các quyền của mình để biết điều đó.
Đó là quyền tố cáo đến thanh tra của ngành công an, quyền yêu cầu CSGT ghi trong biên bản các thông tin cần thiết như tên, chức vụ, số hiệu biển tên, ngày giờ, địa điểm nơi phát hiện vi phạm và lập biên bản.
Khi các thông tin này được ghi nhận trong biên bản, thì người dân có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện CSGT ra tòa.
Bên cạnh đó, chuyện CSGT giả cũng không phải là chưa từng xảy ra, vậy cứ có biển tên, thẻ tuần tra kiểm soát là không cho người dân kiểm tra thì có phòng ngừa được vấn đề này không?
Theo tôi, có thể phòng ngừa, bằng cách gọi ngay cho đường dây nóng của công an địa phương hoặc thanh tra của ngành công an, khi có nghi vấn.
Tuy nhiên, cũng có hiện tượng, người vi phạm là hoạnh họe, đòi kiểm tra ngược CSGT. Vậy theo luật sư, cần cơ chế giám sát thế nào để người dân cứ vi phạm là hoạnh họe đòi kiểm tra lại cảnh sát giao thông?
Tôi đồng ý là không nên trao cho người dân quyền kiểm tra ngược lại CSGT ngay tức khắc, mà CSGT và các hoạt động tuyên truyền cần hướng dẫn người dân quyền tố cáo kịp thời, quyền khiếu nại sau đó.
Xin cảm ơn luật sư!
Luật sư Trần Minh Hùng (Hãng luật Gia Đình, Đoàn luật sư Tp HCM):
"Người dân có quyền được biết giấy tờ này là có cơ sở và người xử phạt phải cung cấp cho người vi phạm, tránh lạm quyền"
Theo tôi việc Thiếu tướng Trần Sơn Hà nói "người dân yêu cầu kiểm tra kế hoạch, chuyên đề hay kiểm tra tem kiểm định của máy bắn tốc độ là không đúng, họ không có quyền như vậy" là chưa có cơ sở và chưa bảo đảm quyền chứng minh, cung cấp chứng cứ của người vi phạm.
Về nguyên tắc khi người vi phạm bị xử phạt thì người vi phạm được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền chứng minh lỗi người vi phạm, được xem, biết và kiểm tra các chứng cứ này. Nếu người dân không có được những quyền cơ bản này sẽ dẫn đến lạm quyền, phạt không có căn cứ, vô tội vạ. Như vậy, sẽ gây bức xúc, không thuyết phục cho người vi phạm khi không cho người dân những quyền cơ bản như được yêu cầu chứng minh lỗi, cung cấp chứng cứ có lỗi, được xem xét, kiểm tra các công cụ, máy móc hỗ trợ xử phạt của CSGT.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 01/2016 của Bộ Công an quy định về kiểm soát thông qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như sau: Khi đã ghi nhận được hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của người và phương tiện tham gia giao thông qua các phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, cán bộ thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm soát phải lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo quy định.
Trường hợp người vi phạm yêu cầu được xem hình ảnh, kết quả ghi, thu được về hành vi vi phạm thì phải cho xem ngay nếu đã có hình ảnh, kết quả ghi thu được tại đó. Khi chưa có ngay hình ảnh, kết quả ghi, thu được, cảnh sát hướng dẫn người vi phạm xem hình ảnh, kết quả ghi thu được khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị.
Ngoài ra, căn cứ theo khoản 2, điều 12 của thông tư này quy định Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:
a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
b) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;
c) Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên;
d) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
đ) Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Căn cứ theo các quy định trên thì việc người dân có quyền được biết giấy tờ này là có cơ sở và người xử phạt phải cung cấp cho người vi phạm, tránh lạm quyền, tránh không đi làm nhiệm vụ mà vẫn xử phạt bất cứ thời gian và địa điểm nào...